Công tác bảo vệ an ninh Quân đội góp phần bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Cục phó Cục Bảo vệ Quân đội (nay là Cục Bảo vệ an ninh Quân đội) Phạm Kiệt được cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Sau khi đến tận nơi kiểm tra, ông đã đề nghị gặp Đại tướng qua điện thoại và nêu ý kiến: 'Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo, hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa'.

Đề nghị Tổng tư lệnh xem lại kế hoạch đánh nhanh

Từ hội nghị Thẩm Púa ngày 14-1-1954 tới khi đưa pháo vào trận địa đối với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ là một thời gian rất dài với nhiều đêm thao thức. Ông yêu cầu các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Lúc này, toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày. Tuy khi đó cũng có người lo ngại, nhưng không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì e bị cho là dao động.

Mặc dù nhận được phản ánh, tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ song sau nhiều lần suy tính, cân nhắc, Đại tướng nhận thấy có rất ít yếu tố thắng lợi. Ông vẫn khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm tác chiến. Chính vào lúc đó Đại tướng nhận được ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt (sau là Trung tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang) qua điện thoại. Sau này, trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, Cục phó Cục Bảo vệ Quân đội Phạm Kiệt là người đầu tiên và cũng là duy nhất phát hiện khó khăn và thẳng thắn báo cáo Chỉ huy trưởng Mặt trận.

Trung tướng Phạm Kiệt (1910 - 1975).

Năm 2017, dịp tưởng niệm 60 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Chánh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Phạm Kiệt, chúng tôi được trò chuyện với bà Phạm Thị Trinh, phu nhân đồng chí Nguyễn Chánh, cũng là em gái của Trung tướng Phạm Kiệt.

Ở tuổi gần 100 nhưng câu chuyện về vị tướng tài ba của Quân đội ta do bà Trinh kể vẫn rất mạch lạc. Ngoài ra, chúng tôi còn may mắn được xem một kỷ vật vô cùng quý báu của gia đình. Đó là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 19-1-1995 tham gia ý kiến vào buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Trung tướng Phạm Kiệt.

Trong thư, Đại tướng nhớ lại: “Tôi gặp anh lần đầu tại Ninh Hòa, trong chuyến được Bác Hồ phái vào mặt trận miền Nam. Lúc bấy giờ anh Kiệt đang chỉ huy đánh địch từ phía Ma Drak, đã tổ chức cho tôi nói chuyện bằng điện thoại với đồng chí Nam Long. Ở mặt trận, anh tỏ ra là một người chỉ huy kiên quyết và linh hoạt. Về sau, anh ra Hà Nội làm việc tại Bộ Quốc Phòng, phụ trách công tác bảo vệ, là một đồng chí hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, được Quân ủy và cán bộ thương yêu, tín nhiệm”.

Lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp lại

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, đồng chí Phạm Kiệt đã được Chỉ huy trưởng Mặt trận cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Ông đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm trong bố trí pháo binh dã chiến của ta tại một địa bàn tương đối bằng phẳng.

“Anh trình bày hết tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh… Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới "đánh chắc, tiến chắc"-trong thư Đại tướng khẳng định.

Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ. Ngược dòng thời gian trở về thời điểm cách đây 70 năm, từ khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu theo kế hoạch đánh nhanh (14-1) cho đến ngày 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua nhiều ngày đêm trăn trở, vừa theo dõi tình hình địch, vừa suy nghĩ thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Suy nghĩ căng thẳng đến mức đầu đau nhức, y sĩ Thùy-người phụ trách chăm sóc sức khỏe phải buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu.

Sau khi kiểm tra chiến trường lần cuối và nhận được cuộc điện thoại báo cáo của đồng chí Phạm Kiệt, đến sáng 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuật lại không khí căng thẳng của cuộc họp ngày hôm ấy. Đại tướng phải nói lại chỉ thị của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Cuối cùng, với tinh thần trách nhiệm trước Bác Hồ, trước Bộ Chính trị và cả xương máu của bộ đội, khi kết luận cuộc họp, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Công tác bảo vệ an ninh Quân đội - nhiệm vụ nặng nề và thầm lặng

Việc thay đổi phương châm tác chiến tại thời điểm quyết định ấy là một bài học mẫu mực về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân, đồng thời tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của cấp ủy Đảng. Sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước tập thể. Nhưng khi thành công, ông luôn luôn nhắc nhớ những người có vai trò nhất định trong quyết định ấy. Một trong số đó là đồng chí Phạm Kiệt. Đại tướng khẳng định: “Anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

Điều này đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về tướng Phạm Kiệt, nhất là những đóng góp quan trọng của ông trong công tác bảo vệ, nặng nề nhưng rất thầm lặng, góp phần vào thành công của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách đây 7 thập kỷ.

Đồng chí Phạm Kiệt (1910-1975) tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Người con của vùng đất địa linh núi Ấn, sông Trà với “lời thề Ba Tơ” giác ngộ cách mạng từ rất sớm, trở thành người cộng sản kiên cường. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Từ núi rừng Ba Tơ”, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí Phạm Kiệt đã có mặt ở miền Bắc, là Cục phó Cục Bảo vệ Quân đội, với nhiệm vụ “phải bảo đảm giữ bí mật lực lượng, bảo đảm pháo hành quân, lại bảo đảm an toàn cho cơ quan chỉ huy... làm sao tới đích không bị thiệt hại gì về người cũng như vũ khí là đạt được thắng lợi bước đầu”...

Đồng chí Phạm Kiệt (ngồi thứ hai từ trái sang) tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trong tâm thế ấy, ông bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch quy mô lớn nhất trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Bộ binh, dân công và cả một đại đoàn pháo (lần đầu tiên ra trận)... sẽ hành quân theo đường cái rộng thênh thang, dài trên 400km. Trong khi đó Tây Bắc là vùng mới giải phóng, cơ sở gián điệp của địch gài lại ta chưa quét sạch được hết và số tề, ngụy, phỉ cũ chưa chịu cải tạo cũng còn không phải là ít. Do đó, yêu cầu đặt ra là, đồng thời với việc bao vây địch bằng quân sự ở Điện Biên Phủ, lực lượng bảo vệ phải phong tỏa tin tức, không để cho tình báo của địch phát hiện cuộc hành quân của ta.

Đầu tháng 1-1954, đồng chí Phạm Kiệt rời căn cứ địa, đi kiểm tra và bàn bạc kế hoạch hành quân với các đơn vị pháo. Sau khi gặp đồng chí Phạm Ngọc Mậu-Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 trao đổi tình hình, ông xuống thăm bộ đội pháo 105mm. Tận mắt nhìn thấy đội ngũ pháo binh trẻ tuổi nhưng đầy khí thế hùng dũng ông càng thấm thía trách nhiệm nặng nề phải bảo vệ cuộc hành quân thật an toàn. Theo báo cáo của cơ quan tham mưu pháo binh: Đường lên Điện Biên hoàn toàn mới lạ, anh em đã bộc lộ tư tưởng ngại xe đổ. Nhất là loại cao xạ pháo 37mm cồng kềnh chắn cả đường, khó kéo lắm.

Không để tư tưởng ấy lan rộng, đồng chí Phạm Kiệt đã gặp đồng chí Nguyễn Quang Bích, Chỉ huy trưởng Pháo cao xạ (sau này là Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân) bàn việc mở hội nghị đả thông tư tưởng cho cán bộ đại đội, trung đội, đồng thời xem lại từng chi tiết kế hoạch vận chuyển, đem thắc mắc của chiến sĩ nêu ra cho anh em thảo luận tập thể, tìm cách khắc phục. Từ đây, các cán bộ đều xác định một lần nữa quyết tâm vận chuyển an toàn, bảo đảm thời gian.

Các đơn vị pháo lên đường. Đồng chí Phạm Kiệt lại quay về trực tiếp chuẩn bị kế hoạch bảo vệ cơ quan chỉ huy đi lên Điện Biên. Ngày 5-1-1954, Đại tướng ra lệnh bắt đầu hành quân. “Buổi lên đường, lòng tôi hướng về Tây Bắc, tưởng tượng đến khu lòng chảo Điện Biên, nơi mà tôi chưa hề đặt chân đến nhưng đã từng nghe tên không biết bao nhiêu lần trong các cuộc hội nghị học tập, các lần họp bàn kế hoạch công tác. Đối với người cán bộ Quân đội, hai tiếng ấy đã có cả một sức thôi thúc đặc biệt. Tôi chỉ biết rằng nơi ấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn. Chiến dịch sắp mở sẽ giáng một đòn nặng nề, nhất định sẽ làm cho kế hoạch quân sự Navarre của đế quốc Pháp - Mỹ bị phá sản”-Trung tướng Phạm Kiệt kể trong hồi ký.

Được anh trai nhiều lần kể cho nghe về chuyến hành quân đặc biệt ấy, bà Phạm Thị Trinh nhớ mãi chi tiết đặc biệt là đoàn đi trên chiếc xe Jeep trang bị ghế gỗ. Dù qua những đoạn đường gồ ghề, ghế bị xóc đến nảy người nhưng Đại tướng vẫn vui vẻ nói: “Lần này ta đi, thần tiên nhất. Dù sao cũng có xe ọc ạch mà đi, không vất vả như các chiến dịch trước!”.

Lạc quan là vậy, song trong những ngày hành quân này, nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho thủ trưởng và cơ quan chỉ huy đối với lực lượng bảo vệ an ninh là rất nặng nề. Bên cạnh việc phải đề phòng những bất trắc xảy ra dưới đất, lại phải đề phòng những bắt trắc từ trên trời bởi không quân địch. Các cán bộ trong đoàn, nhất là Đại tướng, Tổng tư lệnh vừa đi đường vừa làm việc cho nên việc tổ chức trạm nghỉ cũng phải chu đáo. Mỗi trạm trú quân đều có bố trí cán bộ bảo vệ. Đoàn đi, họ cuốn theo như kiểu cuốn chiếu. Việc nắm tình hình hằng ngày yêu cầu tương đối chặt. Đường lên Điện Biên dài, những đoạn nguy hiểm nhất còn ở phía trước. Nhưng nhiệm vụ chiến đấu đang thôi thúc, không thể quá cẩn thận hóa ra trù trừ được.

Đến từng trạm, Cục phó Phạm Kiệt nhận báo cáo của các cán bộ bảo vệ phụ trách từng vùng hoặc công tác ở các đơn vị pháo binh, bộ binh rồi báo cáo lại với Đại tướng. Đồng chí Phạm Kiệt kể: “Hằng ngày, đúng 8 giờ anh Văn nghe báo cáo tình hình chung trong đêm vừa qua. Giọng nói quen thuộc của anh Văn, mỗi ngày lại như động viên thêm các cán bộ phụ trách hoàn thành nhiệm vụ. Cứ mỗi chặng đường, lúc kết thúc báo cáo bằng hai tiếng an toàn, lòng tôi vui sướng vô hạn. Biết bao nhiêu cán bộ đã ngày đêm hăng hái công tác, lăn mình trong quần chúng nhân dân, nắm chắc từng quãng đường, dò từng dấu vết kẻ địch để bảo đảm bí mật và an toàn cho cuộc hành quân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Phạm Kiệt. Ảnh tư liệu

Và cuối cùng sau một tuần hành quân, cơ quan chỉ huy chiến dịch của Bộ đến vị trí đã định. Kết thúc đợt vận chuyển ấy, Đại tướng nói: Ta nêu yêu cầu cơ quan chỉ huy đến nơi được an toàn, xe pháo hành quân không bị tổn thất dọc đường. Cả hai yêu cầu đều được bảo đảm tốt. Riêng về mặt công tác bảo vệ như thế là có nhiều cố gắng. Chúng ta coi như đã giành được thắng lợi bước đầu.

Thắng lợi đó là thắng lợi chung của các binh chủng, trong đó có lực lượng bảo vệ an ninh quân đội đã đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, quyết tâm bảo đảm chiến thắng sắp tới. Được Đại tướng khen ngợi, sau đợt hành quân dài ngày ấy, các cán bộ bảo vệ ai cũng phấn khởi, tin tưởng. Điều đó là tiền đề để thời gian sau đó cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn lực lượng bảo vệ quân đội làm tốt công tác phòng gian bảo mật, góp phần bảo đảm thắng lợi của chiến dịch.

SONG THANH - THĂNG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/cong-tac-bao-ve-an-ninh-quan-doi-gop-phan-bao-dam-cho-thang-loi-cua-chien-dich-dien-bien-phu-775763