Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng

Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 nêu rõ, công tác xúc tiến, quảng bá, thông tin du lịch được tập trung triển khai đồng bộ, nhất là trên các kênh truyền thông số, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.

Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Chính phủ, trong năm 2023 công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước...

Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Báo cáo chỉ rõ, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đã tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Công tác xúc tiến, quảng bá, thông tin du lịch được tập trung triển khai đồng bộ, nhất là trên các kênh truyền thông số, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng; năm 2023, tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được các địa phương triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh đặc sắc, ấn tượng trên cả nước.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ trong năm 2024, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 theo định hướng, chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước…

Cần giải pháp mang tính đột phá trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nêu ý kiến thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường; nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo kỹ lưỡng của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được khá đầy đủ các nội dung, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023.

Đồng thời, thống nhất cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 tiếp tục có nhiều chuyển biến; nhiều lĩnh vực thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực; ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên các ý kiến cũng chỉ ra, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất kinh doanh vẫn còn có bất cập, hạn chế cần có giải pháp khắc phục.

Bên cạnh các đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nêu, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần phân tích thêm các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, hạn chế để từ đó có cơ sở đề xuất được các giải pháp mang tính đột phá thực hiện tốt hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung Phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các ý kiến tại Phiên họp cho thấy, trong 07 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, vẫn còn vi phạm ở các mức độ khác nhau… Phó Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tại Phiên họp, thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ quan liên quan để thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo; đồng thời giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiến hành thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Thống nhất số liệu quyết toán ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội

Cũng trong chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tại phiên họp, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.

Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Tại Phiên họp, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính đã giải trình, cung cấp thêm một số thông tin làm làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến chênh lệnh số liệu giữa Kiểm toán nhà nước và Chính phủ về số chuyển nguồn và chi thường xuyên khoa học và Công nghệ cho hoạt động mua sắm trang thiết bị của các Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm về thời gian gửi quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban TCNS cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu quyết toán khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cong-tac-xuc-tien-quang-ba-du-lich-duoc-trien-khai-dong-bo-tao-hieu-ung-lan-toa-sau-rong-20240515194322369.htm