'Công ty ma' và lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp (DN) thông thoáng đã mang lại làn gió mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có các DN tại Cà Mau. Tuy nhiên, bên cạnh những DN hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, một vấn đề đáng lo ngại đã nảy sinh là sự gia tăng của các 'công ty/DN ma'. Ðây là những DN chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh thực tế và được lập ra với mục đích phi pháp như trốn thuế, lừa đảo, mở tài khoản ngân hàng và mua bán hóa đơn khống. Sự hiện diện của các DN này không chỉ gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Bài 1: Thiệt hại tiền tỷ vì “công ty ma”

Tỉnh Cà Mau đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ, thu hút đầu tư từ nhiều DN trong và ngoài nước. Sự khởi sắc này mang lại nhiều tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương khi càng nhiều DN được thành lập. Tuy nhiên, việc thông thoáng trong đăng ký thành lập DN đã tạo ra kẽ hở cho những “công ty ma” xuất hiện ngày càng nhiều và đang trở thành mối lo ngại lớn. Những công ty này không chỉ gây ra sự rối loạn trong môi trường DN mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và toàn bộ hệ thống kinh tế.

Kết quả điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa “vén màn” bí mật về hoạt động phi pháp của các “DN ma” trên địa bàn tỉnh. Dưới hình thức kinh doanh hợp pháp, được đăng ký kinh doanh và có giấy phép hẳn hoi, song, những tổ chức này lại âm thầm thực hiện những hành vi gian lận tinh vi, trục lợi cá nhân, gây thất thoát hàng tỷ đồng cho NSNN.

Mạng lưới gian lận phức tạp

Qua công tác nghiệp vụ giám sát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, phối hợp với việc tìm hiểu quy mô, năng lực kinh doanh, mối quan hệ mua bán và mối quan hệ của người đại diện pháp luật, vừa qua, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã xác định 4 DN hoạt động trên địa bàn huyện U Minh có dấu hiệu gian lận nghiêm trọng. Ðây là những DN rủi ro cao về thuế, về hóa đơn với số lượng hóa đơn trái phép và tiền thuế giá trị gia tăng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kết quả phối hợp điều tra đã phát hiện 4 DN vi phạm gồm: Công ty TNHH Xây dựng Bảo Trang (Ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh), do ông Nguyễn Văn Hải đại diện pháp lý; 3 công ty: Công ty TNHH MTV Quốc Việt Cà Mau, Công ty TNHH TM-DV-XD Việt Phát, Công ty TNHH TM-DV-XD Việt Phát Cà Mau, đều do ông Ðặng Quốc Việt điều hành, cùng ngụ tại địa chỉ xã Khánh An, huyện U Minh. Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hải và ông Ðặng Quốc Việt về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế, với tổng thiệt hại lên tới 130 tỷ đồng (350 hóa đơn mua bán trái phép).

Cơ quan chức năng khởi tố ông Ðặng Quốc Việt, mua bán 350 hóa đơn trái phép với tổng thiệt hại lên tới 130 tỷ đồng. (Ảnh do công an cung cấp).

Cơ quan chức năng khởi tố ông Ðặng Quốc Việt, mua bán 350 hóa đơn trái phép với tổng thiệt hại lên tới 130 tỷ đồng. (Ảnh do công an cung cấp).

Từ 2 vụ án trên, ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế Cà Mau, nhấn mạnh: “Các DN này thành lập với mục đích làm việc phi pháp, chứ không phải làm ăn chân chính rồi mới vô tình sai phạm. Ðây không chỉ là hành vi gian lận đơn thuần mà là cả mạng lưới tội phạm cấu kết với các “DN ma” tại các tỉnh, thành khác. Họ đã có ý định hoạt động phi pháp ngay từ ban đầu thành lập. Mức độ gian lận trốn thuế của các DN lớn chưa từng có trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Ngoài 4 DN trên, trong năm 2023, cơ quan thuế tỉnh Cà Mau đã liên tiếp phát hiện và xử lý 3 trường hợp DN vi phạm về Luật thuế. Ðáng chú ý là những DN này được thành lập và hoạt động hoàn toàn trên giấy, gây ra những hậu quả khó lường. 3 DN này mặc dù đã đăng ký thành lập DN, nhưng không hề có mặt tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Khi cơ quan thuế thấy có dấu hiệu nghi vấn và triệu tập làm việc nhiều lần thì các DN này đều bặt vô âm tín, khiến cơ quan thuế buộc phải phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra trực tiếp. Kết quả kiểm tra tại địa chỉ đăng ký càng gây ngạc nhiên hơn khi chính quyền địa phương khẳng định không có dấu vết về các DN này và cũng không có thông tin về những người liên quan.

Vạch trần thủ đoạn tinh vi

Một trường hợp đáng nói hơn, các đối tượng đã lợi dụng việc thành lập DN dễ dãi, lấy căn cước công dân, thông tin cá nhân của người khác thành lập “DN ma” để hoạt động trục lợi.

Tin từ cơ quan thuế cho biết, đầu năm 2024, có 1 DN được đăng ký thành lập tại phường Tân Thành, TP Cà Mau có nghi vấn về thuế. Cơ quan thuế đã đến địa chỉ kinh doanh để tiến hành kiểm tra. Phối hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu, phát hiện tại địa điểm đăng ký kinh doanh không có số nhà như trên hồ sơ đăng ký, không có địa điểm thuê mướn; địa chỉ đăng ký nơi cư trú của người đại diện pháp luật tại một tỉnh miền Trung.

Ðặc biệt, đáng chú ý, “chủ sở hữu” của “DN ma” này đã mất căn cước công dân khi đi điều trị tại một bệnh viện. Kẻ gian đã chiếm đoạt thông tin cá nhân trên để thành lập “DN ma”. Hành vi lừa đảo tinh vi này chỉ bị phanh phui khi cơ quan thuế nghi ngờ và tiến hành kiểm tra. Việc xác minh thông tin cho thấy DN này không hề tồn tại, chủ sở hữu đã qua đời, địa chỉ kinh doanh và người đại diện pháp luật đều là giả mạo.

Ông Nguyễn Thanh Tòng cho biết: “Hành vi vi phạm của người nộp thuế diễn ra trên môi trường công nghệ số với tốc độ nhanh, khó ngăn chặn. DN đủ pháp nhân thì đủ điều kiện hoạt động, hóa đơn tự in điện tử, gọi là tự khai, tự chịu trách nhiệm. Chỉ đến khi trong quá trình DN khai thuế, nhận thấy có dấu hiệu không trung thực hay nhận được thông tin từ bên ngoài tố cáo về công ty nào đó thì cơ quan thuế mới phối hợp với công an xuống để kiểm tra. Khi phát hiện thì các vụ việc đã xảy ra và gây hậu quả thiệt hại cho NSNN. Như trường hợp DN trên thành lập chỉ mới trong 2 quý mà đã xuất hóa đơn ra các tỉnh ngoài trên 1 tỷ đồng”.

Bên cạnh DN làm ăn chân chính, một số “công ty ma” đăng ký thành lập nhưng hoạt động phi pháp, ảnh hưởng NSNN và nền kinh tế.

Bên cạnh DN làm ăn chân chính, một số “công ty ma” đăng ký thành lập nhưng hoạt động phi pháp, ảnh hưởng NSNN và nền kinh tế.

Cơ quan thuế tỉnh Cà Mau ngay lập tức thông báo trên toàn quốc về việc ngừng hoạt động của DN giả mạo này, nhằm ngăn chặn mọi hành vi lừa đảo và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Sự việc đặt ra những dấu hỏi nhức nhối về hiệu quả quản lý DN hiện nay. Việc đăng ký kinh doanh dễ dàng, chỉ dựa trên thông tin cá nhân tự cung cấp mà không xác minh cụ thể, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng, gây thiệt hại cho NSNN và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Những sự việc này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng DN về nguy cơ của việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và lạm dụng hệ thống tài chính, mà còn đặt ra câu hỏi về sự quản lý DN “tiền đăng, hậu kiểm”. Ðâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và giải pháp ra sao là vấn đề cần các ngành chức năng nhìn nhận.

Hồng Nhung - Việt Mỹ

Bài 2: Dễ dãi tiền kiểm, lỏng lẻo hậu kiểm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-cong-ty-ma-va-lo-hong-trong-quan-ly-doanh-nghiep-a32633.html