Công văn 'đá' Nghị định khiến doanh nghiệp 'toát mồ hôi'

Mặc dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

Tại Hội thảo Chất lượng của Quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh vừa diễn ra, Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được nhắc đến như một ví dụ điển hình và thời sự nhất về ảnh hưởng của Thông tư, công văn.

Lo ngại về tình trạng 'luật ống', 'luật khung'

“Chỉ một thông tư nhưng đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đặt vấn đề. Sau thông báo các đơn vị tổ chức thi IELTS tạm dừng các kỳ thi đã công bố, nhiều học sinh, sinh viên xôn xao, lo lắng vì sợ không kịp hoàn tất hồ sơ du học.

Doanh nghiệp kiến nghị cần đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ về xây dựng pháp luật. (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp kiến nghị cần đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ về xây dựng pháp luật. (Ảnh minh họa).

Lý giải về việc này, Bộ GD&ĐT cho biết do thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, cơ quan này đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Để được tổ chức thi, các bên liên kết cần làm hồ sơ theo mẫu gửi Bộ phê duyệt.

Cùng với đó, báo cáo của Ban Pháp chế (VCCI) đánh giá bên cạnh những mặt được, tích cực thì thông tư vẫn còn những vấn đề về mặt chất lượng của quy định. Chẳng hạn như: Thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh – điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.

Hiện tượng, lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Tình trạng trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại. Thêm vào đó còn là các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc cũng được nêu ra.

Từ thực tiễn các đơn vị thực thi, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), chỉ ra bất cập ngay trong thuật ngữ “Chủ đầu tư” hay “Nhà đầu tư”. Luật Đầu tư dùng thuật ngữ “Nhà Đầu tư” để quy định các vấn đề liên quan đến chủ thể thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật xây dựng, Luật Nhà ở lại dùng cả thuật ngữ “Nhà đầu tư” và “Chủ đầu tư” để thể hiện chủ thể thực hiện các thủ tục đất đai, đầu tư dự án. Việc thiếu thống nhất trong khái niệm giữa các luật chuyên ngành khiến cho việc áp dụng khó khăn và nhiều trường hợp làm cho dự án không thể triển khai.

Trong khi đó, bà Trần Ngọc Ánh, Đại diện Hội Đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, chia sẻ về những điểm nghẽn trong ngành thuốc và trang thiết bị y tế. Các văn bản về cấp phép trong lĩnh vực y tế đã đặt ra các mốc thời gian ngắn và không thực tế. Khi đến hạn, không làm xong được, lại phải xin gia hạn. Theo bà, áp lực vô cùng nếu không kịp gia hạn, doanh nghiệp sẽ không thể nhập khẩu được, gây thiếu thuốc và trang thiết bị y tế. “Hãy xem quốc tế cần bao nhiêu thời gian thì cộng vào để ra quyết định một lần cho phù hợp”, bà Ánh bày tỏ.

Thêm vào đó, cắt giảm thủ tục hành chính phải có hiệu lực thi hành. Cơ quan quản lý lĩnh vực cũng chính là cơ quan soạn thảo quy định liên quan nên dễ xảy ra tình trạng người cấp phép thì muốn tiếp tục duy trì thủ tục cấp phép và yêu cầu gia hạn nhiều lần, kể cả yêu cầu cấp phép lại khi có sửa đổi, bổ sung. Do vậy, phải cải cách triệt để và có cơ chế giám sát việc soạn thảo văn bản, tránh lạm dụng chính sách.

Công văn ‘đá’ Nghị định

Đại diện Hội Đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean cũng phản ánh về những quy định ngặt nghèo về các thông tin trên nhãn “gốc” của sản phẩm cũng như gây ra những khó khăn không cần thiết. Ví dụ, yêu cầu thông tin nhà máy sản xuất hay xuất xứ sản phẩm trên nhãn hàng hóa. Bà Ánh lưu ý, bao bì là in cho một loại sản phẩm nhưng được xuất khẩu đến nhiều nước khác nhau, hoặc có những linh kiện, vật tư y tế có kích thước siêu nhỏ… không in được các thông tin này.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Uy, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đánh giá vẫn còn những trường hợp công văn "đá" Nghị định. Đơn cử, yêu cầu bổ sung 2-3-4 lần trong hồ sơ đăng ký thực phẩm vẫn khá phổ biến ở Hà Nội, mặc dù Nghị định 15 quy định chỉ được yêu cầu bổ sung 1 lần.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phản ánh có hơn 90 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp và người dân, dù lỗi nhỏ như nhãn sai chính tả cũng bị phạt 10 triệu đồng nhưng không có nghị định nào về xử phạt vi phạm hành chính với công chức, viên chức nếu vi phạm cả.

Ví dụ, Nghị định quy định phải trả lời trong vòng 5 ngày nhưng 10 ngày không trả lời cũng không bị kỷ luật gì (cá biệt như với thuốc, Nghị định quy định 6 tháng phải trả lời, nhiều trường hợp 1 năm chưa trả lời cũng không cán bộ nào bị kỷ luật)”, ông Uy phàn nàn.

Hay về Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định tất cả các loại muối dùng trong chế biến thực phẩm phải bổ sung i-ốt, bột mỳ phải bổ sung sắt, kẽm. Mục đích là rất tốt, nhưng cách làm không áp dụng quản lý rủi ro mà áp dụng đại trà cả người thiếu lẫn người thừa, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng kém hiệu quả.

Theo ông Uy, các doanh nghiệp thực phẩm kiến nghị nhiều lần để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, đề nghị chỉ bắt buộc bổ sung i-ốt với muối dùng để ăn trực tiếp, trong nấu ăn hàng ngày và gia vị mặn dạng rắn, nhưng đến nay hơn 4 năm Nghị định vẫn chưa được sửa đổi.

Theo đó, ông Uy kiến nghị cần đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ về xây dựng pháp luật; Đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật theo hướng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, và Chính phủ điện tử. Đưa ra cơ chế để giám sát độc lập việc xây dựng văn bản pháp luật, sự độc lập giữa lập pháp và hành pháp (ví dụ trưởng ban biên soạn không nên là người của cơ quan thực thi mà là của cơ quan độc lập như Bộ Tư pháp)…

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cong-van-da-nghi-dinh-khien-doanh-nghiep-toat-mo-hoi-1089292.html