COP28 và cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Kể từ khi được bắt đầu trong thời Chiến tranh Lạnh, các cuộc đàm phán quốc tế nhằm bảo vệ những lợi ích chung về môi trường đã trở thành một trong những diễn đàn mà các cường quốc đang xung đột với nhau tìm cách xây dựng hình thức hợp tác. Công ước về ô nhiễm không khí xuyên biên giới, về mưa axit ở châu Âu (1988), hay Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng Ozon (1989) là những ví dụ điển hình.

Kể từ năm 2019 và sau công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), đã liên tiếp có những cam kết từ các quốc gia lớn đi đầu về đổi mới công nghệ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…) trong việc phi carbon hóa nền kinh tế, từ đó tạo nên uy tín mạnh mẽ cho một cuộc chạy đua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine cũng đã thúc đẩy các quốc gia thay đổi kỳ vọng chiến lược về tái cấu trúc sâu sắc các chuỗi cung ứng năng lượng trong trung hạn, đồng thời cũng hướng tới các mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn cung, khử carbon trong sản xuất và giảm nhu cầu năng lượng.

Người biểu tình bên ngoài COP28 giương cao biểu ngữ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Người biểu tình bên ngoài COP28 giương cao biểu ngữ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Những điều này đã khiến hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trở thành một trong những thời điểm chính trị quan trọng trong quản trị toàn cầu, và không chỉ là các cuộc gặp chuyên ngành mang tính kỹ thuật. Mặc dù những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt ở khắp mọi nơi, ngày càng ít hội tụ những điều kiện cho một hành động hợp tác quốc tế - cần thiết để hạn chế những thảm họa này và giảm tác động mà những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu.

Ngoài những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, sự bất đồng giữa phương Nam (Nam bán cầu) và phương Bắc xung quanh các vấn đề về tài trợ cho phát triển và chống biến đổi khí hậu, dường như đang tạo ra nhiều trở ngại. Sự xuất hiện của những tiếng nói mới và những cấu trúc mới ở phương Nam, cùng với việc mở rộng BRICS, hay vai trò lãnh đạo của Tổng thống Kenya tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu châu Phi lần thứ nhất (đầu tháng 9/2023), cho thấy những đường lối đối lập giữa phương Nam và phương Bắc vẫn còn rất phức tạp và mang lại nhiều rủi ro căng thẳng.

COP28, được tổ chức bởi một quốc gia dầu mỏ giàu có ở vùng Vịnh, không được kỳ vọng nhiều về một quan điểm rõ ràng đối với vấn đề nhiên liêu hóa thạch. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - nước chủ nhà của COP28 - cũng là quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo trên thế giới (quỹ Masdar), và có lẽ là một trong những quỹ đầu tư hiệu quả nhất.

Đó là COP của một phương Nam mới: giàu có, mới nổi, dựa vào sức mạnh năng lực tài chính và dựa vào việc triển khai các đổi mới công nghệ, để không phải đối mặt với những vấn đề có một mức độ phức tạp khác xuất phát từ những thay đổi phương thức tiêu thụ hướng tới việc chấm dứt khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bán cho đến giọt dầu cuối cùng có chất lượng tốt cũng cho phép tích lũy các nguồn tài chính quan trọng để giữ một vị thế áp đảo, hôm nay và ngày mai, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và trong nền kinh tế thế giới nói chung.

Do vậy, cam kết toàn cầu về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một lần nữa được các nước châu Âu đặt lên bàn đàm phán. Chính phủ Pháp đã công bố ngày rút khỏi nhiên liệu hóa thạch. Sức ép đã đè nặng lên Chủ tịch COP28 Sultan al Jaber, người sáng lập quỹ Masdar nhưng cũng là Chủ tịch Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi: lá thư của ông gửi các chính phủ đến với COP28 đề cập rõ ràng rằng việc rút khỏi nhiên liệu hóa thạch là điều không thể tránh khỏi. Sự can thiệp của ông đối với ngành công nghiệp dầu mỏ cũng bao gồm việc khuyến nghị ngành này đưa ra cam kết thực sự để giảm lượng khí thải.

Dĩ nhiên, điều quan trọng là cần giảm lượng khí thải metal trong quá trình khai thác dầu mỏ, chứ không phải là lập kế hoạch chấm dứt hoạt động khai thác này hoặc dừng hoạt động khoan mới, hoặc cần nhấn mạnh rằng những nhiên liệu hóa thạch có khả năng thu giữ và lưu trữ lượng khí thải CO2 có thể được loại trừ khỏi những cam kết tương tự. Không giống như COP27, các nước sản xuất dầu mỏ rõ ràng đang ngồi trên đống lửa và việc họ có thể thiếu tham vọng về tương lai dầu mỏ sẽ bị bộc lộ rất rõ ràng.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi hồi tháng 9/2023 đã cho thấy cam kết rõ ràng về sự phát triển dựa trên năng lượng tái tạo, nhưng cũng đặt ra yêu cầu rõ ràng của các nước châu Phi (số tiền viện trợ cao hơn, khả năng tiếp cận tài chính dễ dàng hơn thực hiện các loại thuế mới, cùng nhiều vấn đề khác).

Các phản hồi được đưa ra trong các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF hồi tháng 10 vừa qua có nguy cơ vẫn chưa đầy đủ hoặc quá phiến diện. Nếu COP28 cần thiết phải chính thức tiến tới thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại, thì tất cả những câu hỏi về sự bất công trong hệ thống tài chính đa phương, thậm chí trong hệ thống kinh tế toàn cầu, sẽ được thảo luận tại COP28. Các phản hồi từng phần do các nước G7 cung cấp trong khuôn khổ quan hệ đối tác cụ thể với các quốc gia chủ chốt nhằm hỗ trợ quá trình “chuyển đổi công bằng” hệ thống năng lượng cho phép chứng minh những huy động tài chính đáng kể và những thay đổi phương pháp, được các nước phương Nam ca ngợi tích cực.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cop28-va-cam-ket-loai-bo-nhien-lieu-hoa-thach-i717430/