Cuba và Hàn Quốc cùng tạo bước ngoặt lịch sử

Việc Cuba và Hàn Quốc nối lại quan hệ ngoại giao trở thành một sự kiện được đánh giá là gây bất ngờ và sẽ là bước ngoặt mang tính lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện này sẽ có những tác động đáng kể đối với chính trị quốc tế nói chung và khu vực nói riêng.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (bên trái) và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc gặp vào tháng 6/2016. Ảnh: Yonhap News

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (bên trái) và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc gặp vào tháng 6/2016. Ảnh: Yonhap News

Lực đẩy cho Cuba

Mới đây, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin, phái đoàn Hàn Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) xác nhận rằng, Đại sứ quán của Cuba và Hàn Quốc sẽ được mở ở cả hai nước. Đồng thời tuyên bố, hai nước đã quyết định thiết lập quan hệ chính thức, phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với tinh thần và quy tắc được xác lập trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Đại sứ của hai nước tại LHQ cũng đã trao đổi công hàm ngoại giao.

Theo đó, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Cuba và Hàn Quốc đã được tái thiết lập. Theo đó, Cuba trở thành quốc gia thứ 193 trên thế giới mà Hàn Quốc thiết lập kênh liên lạc ngoại giao chính thức, chỉ còn Syria là quốc gia thành viên LHQ duy nhất không có quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

Nhiều ngày qua, những thông tin này được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là diễn biến chính trị gây chấn động, nhất là khi xét đến mối quan hệ hữu nghị giữa Cuba và Triều Tiên kể từ Cách mạng Cuba năm 1959. Đặc biệt, việc Cuba và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên có những động thái leo thang căng thẳng với Hàn Quốc.

Xét riêng về quan hệ giữa Cuba và Hàn Quốc, nổi bật trong những bình luận của giới chuyên gia trên truyền thông quốc tế, nhà phân tích chính trị người Croatia Matija Seric cho hay, ý định nối lại quan hệ ngoại giao Cuba - Hàn Quốc thực chất đã có từ lâu. Nhìn lại lịch sử, trong khoảng hơn 2 thập kỷ qua, Hàn Quốc nhiều lần thể hiện mong muốn ngày càng lớn về việc cải thiện mối quan hệ với Cuba. Điển hình nhất là từ năm 1999 và kéo dài trong nhiều năm tiếp theo, Hàn Quốc ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về sự cần thiết dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba.

Chuyên gia Seric cũng dẫn chứng thêm, năm 2016, Ngoại trưởng Hàn Quốc khi đó là ông Yun Byung-se cũng bày tỏ ý định của Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Tuy nhiên, thời điểm này, phía Cuba đã từ chối. Lý do Cuba từ chối thiết lập quan hệ với Hàn Quốc được nhận định là vì không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ gắn bó giữa Cuba và Triều Tiên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc là sáng kiến chung, mang tới lợi ích chung. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Cuba có vô vàn khó khăn, thậm chí là rơi vào khủng hoảng sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại vào năm 1960 và trong 5 năm qua, tình hình kinh tế của nước này đã ở mức đặc biệt trầm trọng. Trong khi đó, Hàn Quốc được xem là nền kinh tế phát triển top đầu thế giới và cũng là đối tác tiềm năng có thể cung ứng mọi sản phẩm từ thực phẩm đến công nghệ hiện đại bậc nhất cho Cuba. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của Hàn Quốc đối với Cuba cũng còn phải xét đến phản ứng của Mỹ, nhất là sự ủng hộ để Hàn Quốc ký kết các thỏa thuận thương mại lớn với Cuba.

Lợi ích cho Hàn Quốc

Về phía Hàn Quốc, việc quan hệ với Cuba cũng dẫn các tập đoàn của nước này đến vùng đất mới để mở rộng thị trường, khai phá những lợi ích kinh tế khổng lồ, đồng thời củng cố vị thế vững chắc hơn của cường quốc Đông Á trên trường quốc tế. Từ năm 2022, nỗ lực này của Hàn Quốc có được động lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nắm quyền và muốn đưa Hàn Quốc trở thành một nhân tố toàn cầu mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực ngoại giao, kinh tế và chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Yoon vượt ra ngoài châu Á thời gian qua cũng được Mỹ, các nước đối tác của Hàn Quốc ở châu Á và châu Âu hoan nghênh.

Giới chuyên gia chính trị cùng chung nhận định, Hàn Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trên toàn cầu bằng cách góp phần định hình quan hệ quốc tế, khuyến khích các quốc gia tuân thủ các quy tắc quốc tế được công nhận và làm trung gian giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Tại khu vực Nam Mỹ và Caribe, Cuba là quốc gia duy nhất không có quan hệ chính thức với Hàn Quốc. Vì vậy, việc thiết lập quan hệ với Cuba sẽ thể hiện đỉnh cao nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc nhằm củng cố vị thế tại khu vực. Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ kỳ vọng, quan hệ với Cuba sẽ là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực quan hệ với khu vực Trung và Nam Mỹ. Bởi Cuba là quốc gia có vị thế tại khu vực khi có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia và có các cơ quan ngoại giao, lãnh sự tại hơn 100 quốc gia.

Trên thực tế, Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh thời gian qua đã tăng cường quan hệ, thể hiện rõ nét thông qua sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong các lĩnh vực giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. Hiện nay, Hàn Quốc đã có sự hiện diện tương đối tích cực ở Cuba, cũng có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực du lịch và trong cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống ở Cuba.

Giới chuyên gia nhận định, với tầm nhìn của Tổng thống Yoon về một Hàn Quốc có tầm quan trọng toàn cầu, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ mở ra một thời đại mới, để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hiện diện sâu sắc ở Cuba. Dễ thấy, việc thúc đẩy tình hữu nghị với Cuba sẽ là thành công lớn và Chính phủ Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ tăng cường mạnh mẽ các cuộc thảo luận với Chính phủ Cuba để thúc đẩy tình hữu nghị song phương.

Hiện có khoảng 1.100 người gốc Hàn Quốc đang sống ở Cuba. Trước thời kỳ đại dịch Covid-19, trung bình có 14.000 người Hàn Quốc du lịch đến Cuba mỗi năm. Bên cạnh khai phá các tiềm năng phát triển kinh tế ở Cuba và toàn khu vực, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba cũng giúp Chính phủ Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho công dân của nước này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuba-va-han-quoc-cung-tao-buoc-ngoat-lich-su-post473341.html