Cung cấp điện trong năm 2024: Đảm bảo nguồn cung gắn với tiết kiệm điện

Những tháng qua, ngành điện địa phương ghi nhận nhu cầu phụ tải đang có sự phục hồi, sản lượng có xu hướng tăng và điện thương phẩm trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 8,32% so cùng kỳ năm ngoái…

Đảm bảo cung cấp điện

Xác định mục tiêu đảm bảo cung cấp điện, phục vụ đủ điện cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt của toàn xã hội là nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao cho ngành điện. Theo đó ngành điện địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp: Đầu tư nguồn, lưới điện; các giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; thỏa thuận dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục.

Đầu tư lưới điện, đảm bảo nguồn cung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (ảnh minh họa).

Đầu tư lưới điện, đảm bảo nguồn cung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (ảnh minh họa).

Về tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh, ông Lương Trình - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết trong 4 tháng đầu năm nay ghi nhận nhu cầu phụ tải đang có sự phục hồi, sản lượng có xu hướng tăng. Đối với điện thương phẩm đạt 915,51 triệu kWh, tăng 8,32% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 35,21% so kế hoạch giao năm 2024 là 2,6 tỷ kWh. Trong đó tăng cao nhất là các thành phần: Thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng (tăng gần 25%), quản lý - tiêu dùng - dân cư (tăng 15,49%), thành phần khác (tăng 12,8%), công nghiệp - xây dựng (tăng 9,45%), chỉ có thành phần nông - lâm - thủy sản giảm gần 3%.

Được biết, nguồn điện chính cung cấp cho tỉnh Bình Thuận hiện nay là từ 3 trạm biến áp 220/110 kV gồm Phan Thiết, Hàm Tân, Phan Rí 2 (tổng công suất 1.500 MVA) và 14 trạm biến áp 110/22 kV (tổng công suất 1.282 MVA)… Trong năm 2024, ngành điện địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện theo từng tháng, cả năm và phương án cung cấp điện ứng phó các trường hợp mất cân đối cung - cầu khi hệ thống điện miền Nam, hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Bình Thuận còn thực hiện kiện toàn công tác chuẩn bị, hướng tới đảm bảo cung cấp điện theo kế hoạch cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 - 7) năm 2024. Đồng thời xúc tiến đầu tư, xây dựng hoàn thành lưới điện trên địa bàn tỉnh với tổng vốn được Tổng công ty Điện lực miền Nam giao trong năm nay là 625,5 tỷ đồng. Gồm có công trình lưới điện cấp 110 kV là 392,5 tỷ đồng, lưới điện phân phối là 233 tỷ đồng với 35 công trình lưới điện phân phối.

Gắn với tiết kiệm điện

Song song với việc đảm bảo nguồn cung, ngành điện địa phương luôn quan tâm xây dựng chương trình triển khai các giải pháp tiết kiệm điện trên địa bàn Bình Thuận. Như tổ chức hiệu quả, thiết thực các chương trình truyền thông với nội dung gần gũi, đơn giản, dễ hiểu để vận động, hướng dẫn người dân chung tay thực hiện giải pháp sử dụng điện tiết kiệm. Cụ thể là thay đèn LED, lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời và sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao với xu hướng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh... Trong tháng 4/2024, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã phối hợp Hội Điện lực miền Nam triển khai chương trình tập huấn sử dụng điện an toàn - tiết kiệm cho các học viên là nhân sự nòng cốt trong hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể, nhà trường trên địa bàn tỉnh.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ thì kết nối, vận động thực hiện giải pháp quản lý hành chính, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo. Hay như tiến hành ký phụ lục hợp đồng thỏa thuận với khách hàng giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, dịch chuyển phụ tải và cam kết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…

Căn cứ tình hình sản xuất - kinh doanh và biểu đồ phụ tải sử dụng điện của khách hàng đăng ký năm nay ghi nhận toàn tỉnh hiện có hơn 100 khách hàng sản xuất công nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Do vậy ngành điện địa phương đề xuất dịch chuyển công suất từ 5% đến 10% công suất đỉnh của khách hàng trong khung giờ từ 14h - 16h hằng ngày (tức khung giờ cao điểm của lưới điện miền Nam) sang các khung giờ khác hợp lý và tránh khung giờ từ 9h30 -11h30, 17h - 22h hằng ngày trong các tháng 4, 5, 6, 7 năm 2024. Qua đó san sẻ cùng ngành điện, hướng tới đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Thuận nói riêng cũng như cả nước nói chung…

Mới đây, Sở Công Thương cũng đã đề nghị các sở ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền các địa phương cùng doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên, Sở Công Thương đề nghị tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cung-cap-dien-trong-nam-2024-dam-bao-nguon-cung-gan-voi-tiet-kiem-dien-118851.html