Cùng con lan tỏa niềm đam mê đọc sách

Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc sách của con người, nhất là giới trẻ, khi các em chỉ thích sử dụng các thiết bị điện tử hơn là dành thời gian cho một cuốn sách. Chính vì vậy, cha mẹ phải làm gương và hướng con đến thói quen đọc sách.

Đọc sách là một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng người Việt.

Cha m phi làm gương

Cùng con tạo thói quen đọc sách. Ảnh: PHONG NHÃ

Cùng con tạo thói quen đọc sách. Ảnh: PHONG NHÃ

Trong thời đại số hiện nay, không ít cha mẹ có xu hướng lạm dụng mạng xã hội, nhiều khi lãng phí thời gian để đọc những tin tức vô thưởng vô phạt, chơi game hoặc đăng tải những dòng trạng thái trên mạng xã hội để câu like, trả lời bình luận. Điều này vô hình trung tiếp tay cho con em mình cũng lạm dụng theo và để lại hệ quả là cha mẹ khó chia sẻ cùng con, khó lòng bảo vệ con trước những nguy cơ tiềm ẩn trong thế giới ảo.

Chị Phạm Thị Tố Xuân ở phường 9, TP Tuy Hòa cho biết: Lối sống đô thị làm trẻ con ít có điều kiện trải nghiệm thực tế và cha mẹ bận rộn ít có thời gian quan tâm đến con nên việc đọc sách là rất cần thiết. Bởi đọc sách có sự định hướng của cha mẹ sẽ giúp con có nhiều kiến thức, khám phá thế giới xung quanh; giúp trẻ biết cách giao tiếp, cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Để trẻ có được thói quen đọc sách, khởi nguồn là việc cha mẹ đọc sách con nghe, sau đó kích thích trẻ tự kể chuyện bằng hình ảnh. Lớn nữa là tự đọc, tự tìm hiểu; cha mẹ có thể gợi ý các chủ đề tìm hiểu dạng khoa giáo và đa dạng chủ đề; tặng quà là sách, đưa trẻ đi mua sách. Nếu con chưa thực sự thích thì cha mẹ chịu khó đọc cùng con; thỉnh thoảng đố vui kiến thức, kỹ năng sống; tạo điều kiện cho con tiếp xúc nhiều với bạn bè có đam mê đọc sách.

Còn theo vợ chồng anh Huỳnh Đức Tới và chị Hồ Thị Ái ở phường Xuân Thành, TX Sông Cầu, gia đình không cho con tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử thông minh. Vợ chồng anh thường xuyên đưa con tới các cửa hàng sách, hay các buổi trưng bày, triển lãm để cháu tự chọn những quyển sách mình yêu thích, phù hợp với lứa tuổi. Để con mình có thể tập trung đọc sách mà không bị chi phối bởi điện thoại, máy tính, anh chị dành nhiều thời gian đọc sách cùng con. Qua đó giáo dục cho con giá trị của sách đối với cuộc sống.

Theo nhiều chuyên gia, để trẻ có ý thức đọc sách, xem sách như người bạn đồng hành thì không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử mà nên rèn cho trẻ đọc các loại sách phù hợp từ khi biết đọc. Cách tốt nhất là thiết kế trong chính ngôi nhà của mình một góc dành cho cả gia đình cùng đọc sách; cha mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con; cùng nhau chia sẻ về sách, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách.

Cng đồng cùng chung tay

Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách đến nhiều đối tượng độc giả, đưa sách về vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho gia đình và các em dễ dàng tiếp cận với sách, Thư viện tỉnh tổ chức các chương trình như: Ra mắt các tủ sách, tặng sách cho các địa phương, phục vụ sách lưu động và tổ chức hội thi “Gia đình đọc sách”… để cùng với gia đình giáo dục truyền thống đọc sách, khám phá nhiều kiến thức từ sách. Mỗi gia đình đọc sách sẽ tạo nên một cộng đồng đọc sách, từ đó hình thành một cộng đồng có văn hóa. Để giúp cho mọi người và giới trẻ yêu sách và đọc sách nhiều hơn, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía nhưng hơn hết là từ gia đình.

Sở VHTT&DL, Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn đang phối hợp tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Phú Yên năm 2024. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đây là một sân chơi bổ ích, thú vị dành cho học sinh có đam mê với sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc, tình yêu sách tới mọi người; hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ.

Từ đó khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Qua đây cũng giúp các em cùng với cha mẹtạo thói quen đọc sách trong gia đình.

“Việc tổ chức hoạt động, chương trình liên quan đến sách và văn hóa đọc, nhất là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết.

Những hoạt động, chương trình liên quan đến sách là những dịp để cha mẹ cùng con cái tìm kiếm, chọn lọc thông tin những cuốn sách phù hợp và giúp con em mình tách khỏi việc lạm dụng quá nhiều thời gian trên mạng internet.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL

PHONG NHÃ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316414/cung-con-lan-toa-niem-dam-me-doc-sach.html