Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Huawei mắc kẹt trong 'tâm bão'

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới có trụ sở tại Trung Quốc, từ lâu đã bị xem như tâm điểm của cuộc chiến công nghệ giữa 2 cường quốc kinh tế…

Mới đây, chính quyền Biden đã thu hồi giấy phép xuất khẩu từng cho phép Intel và Qualcomm cung cấp chất bán dẫn cho Huawei. Đây là một động thái gia tăng áp lực của Washington lên công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc.

Theo những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ, tình hình này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp chip cho máy tính xách tay và điện thoại di động của Huawei.

Trong thời gian, chính phủ Mỹ đã ban hành vô số các hạn chế cứng rắn đối với việc bán công nghệ Mỹ cho Huawei, nhưng các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vẫn kêu gọi Tổng thống Joe Biden thực hiện các hành động gay gắt hơn nữa. Họ lập luận rằng Huawei là một trong những doanh nghiệp đã giúp Bắc Kinh theo dõi các hoạt động mạng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và nhiều đồng minh khác.

“Diễn biến mới cho thấy Washington không hề có ý định lùi bước trước những gì họ coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia”, Meghan Harris, chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại Beacon Global Strategies, một chuyên gia tư vấn, cho biết.

RƠI VÀO "TÂM BÃO"

Khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa Huawei Technologies vào danh sách đen vào năm 2019 vì lo ngại gián điệp, quyết định này gần như đã xóa sổ hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh toàn cầu của công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, Huawei đã dần phục hồi trở lại nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc và hiện trở thành trung tâm của các nỗ lực quốc gia nhằm đạt được sự độc lập về công nghệ khỏi phương Tây. Màn “hồi sinh” đáng chú ý này cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc có hiệu quả hay không và siêu cường nào trong hai quốc gia này sẽ thống trị được ngành công nghệ toàn cầu.

Giới quan chức Washington hiện cũng đang cân nhắc cách thức để kêu gọi các đồng minh của mình tham gia một chiến dịch ngăn chặn rộng lớn hơn và tìm kiếm những biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Huawei cũng như một số đối tác Trung Quốc khác.

Các ý định nhắm vào Huawei ban đầu được thúc đẩy bởi lo ngại rằng “gã khổng lồ” công nghệ có thể sử dụng sự hiện diện đáng kể của mình trong các mạng viễn thông thế giới để làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Vào năm 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia và ra lệnh cho các nhà mạng Mỹ rút thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới của họ.

Kể từ đó, những biện pháp trừng phạt này đã ngày một leo thang và biến thành một cuộc chiến rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc để tranh giành ưu thế về công nghệ.

Chính Huawei cũng được xem như một trong những “vũ khí” quan trọng của Bắc Kinh trong cuộc chiến và là công ty nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ chính phủ Trung Quốc. Vào năm 2023, Huawei, từ lâu đã dẫn đầu về công nghệ mạng và di động, cũng đã đi đầu trong nỗ lực bán dẫn tại Trung Quốc.

Nhưng điều này cũng khiến Huawei gặp khó khăn hơn khi bán thiết bị và mua linh kiện từ các nhà cung cấp phương Tây. Vào năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ đã cáo buộc Huawei tìm cách lách luật và áp đặt thêm các hạn chế, khiến những công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ như TMSC không thể bán được cho Huawei. Sau đó, vào năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những lệnh cấm sâu rộng hơn đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và tái áp dụng chúng vào năm 2023.

Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt, Huawei vẫn khiến Washington phải “choáng” với thiết kế chip có trong điện thoại thông minh Mate 60. Chính quyền Biden cũng cân nhắc đưa vào danh sách đen một số công ty bán dẫn Trung Quốc có liên quan đến bước đột phá đó.

 Mate 60 được cả chính phủ Trung Quốc và các chuyên gia địa phương ca ngợi như một thành tựu đột phá của Huawei

Mate 60 được cả chính phủ Trung Quốc và các chuyên gia địa phương ca ngợi như một thành tựu đột phá của Huawei

Và trong khi các biện pháp của Mỹ cản trở sự tăng trưởng của Huawei bên ngoài Trung Quốc, nhưng công ty này lại ngày càng chiếm ưu thế tại thị trường nội địa rộng lớn của mình. Vào tháng 3/2024, Huawei báo cáo lợi nhuận tăng 65% sau khi Mate 60 giúp hãng giành được thị phần từ Apple và các đối thủ khác ở thị trường tỷ dân.

Một hiệp hội các công ty chip toàn cầu cho biết Huawei đang thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản họ tiếp cận nhiều cơ sở tiên tiến. Một cuộc kiểm tra điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới nhất đã tiết lộ, con chip 7 nanomet do Huawei thiết kế được sản xuất tại Trung Quốc chỉ đi sau công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

ĐÒN GIÁNG TỪ MỌI PHÍA

Trong hơn ba thập kỷ, Huawei đã phát triển từ một doanh nghiệp bán lại thiết bị điện tử thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới, với vị thế dẫn đầu về thiết bị viễn thông, điện thoại thông minh, chip, điện toán đám mây và an ninh mạng, hoạt động chủ yếu ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Huawei đã đầu tư lớn vào mạng 5G, lọt vào top 10 công ty nhận được bằng sáng chế của Mỹ vào năm 2019 và giúp xây dựng mạng 5G trên toàn thế giới. Mạng 5G là công nghệ giành được sự quan tâm đặc biệt vì chúng không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình tải xuống xuống mà chúng còn giúp kích hoạt các công nghệ mới như xe tự lái và IoT.

Nhưng chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước khác đều cảnh giác với việc sử dụng công nghệ nước ngoài trong các hoạt động liên lạc quan trọng vì sợ rằng các nhà sản xuất quốc tế có thể cài đặt các "cửa sau" ẩn để truy cập vào dữ liệu nhạy cảm hoặc chính các công ty đó sẽ giao dữ liệu cho chính phủ.

Tập đoàn Vodafone có trụ sở tại Anh được cho là đã tìm thấy và sửa lại một số lỗ hổng trên thiết bị Huawei được sử dụng trong hoạt động kinh doanh tại Ý vào năm 2011 và 2012. Mặc dù khó có thể biết liệu những lỗ hổng đó là có mục đích hay vô tình, nhưng phát hiện này đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Huawei.

Năm 2003, Cisco Systems cũng đâm đơn Huawei vì cáo buộc công ty này vi phạm bằng sáng chế và sao chép bất hợp pháp mã nguồn được sử dụng trong bộ định tuyến và chuyển mạch. Huawei đã nhanh chóng loại bỏ mã nguồn, hướng dẫn sử dụng, giao diện dòng lệnh bị tranh chấp và vụ việc đã được hủy bỏ. Trong khi đó, Motorola cũng từng kiện Huawei vào năm 2010 với cáo buộc có âm mưu cùng nhân viên cũ đánh cắp bí mật thương mại. Vụ kiện đó sau đó đã được giải quyết.

Đến năm 2017, một bồi thẩm đoàn Mỹ đã kết luận Huawei phải chịu trách nhiệm về việc đánh cắp công nghệ robot từ T-Mobile US và vào tháng 1/2019, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Huawei vì tội trộm cắp bí mật thương mại liên quan đến sự việc khi đó. Cùng tháng, Ba Lan - một đồng minh trung thành của Mỹ - đã bắt giữ nhân viên Huawei vì nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Huawei đã sa thải nhân viên này và phủ nhận mọi liên quan đến hành động bị cáo buộc.

Chính Huawei cũng từng lên tiếng cáo buộc rằng các hạn chế của Mỹ không liên quan đến an ninh mạng mà thực sự được thiết kế để duy trì sự thống trị của Mỹ trong công nghệ toàn cầu. Công ty cũng liên tục phủ nhận việc giúp đỡ Bắc Kinh theo dõi các công ty hay chính phủ nước ngoài.

Nhà sáng lập Ren Zhengfei cũng rất thẳng thắn khi đấu tranh bảo vệ công ty của mình. Mặc dù nói rằng ông tự hào về sự nghiệp quân sự và tư cách thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ông Ren hoàn toàn bác bỏ những ý kiến cho rằng ông đang làm theo mệnh lệnh của Bắc Kinh hoặc Huawei đã chuyển giao thông tin khách hàng cho chính phủ.

Tham vọng của Huawei giờ đây đã vượt ra ngoài phạm vi phần cứng. Hệ điều hành “cây nhà lá vườn” HarmonyOS – nhằm mục đích lách lệnh cấm sử dụng Android của Mỹ – đã kết nối hơn 800 triệu thiết bị trên toàn cầu. Huawei cũng có tham vọng mở rộng sang lĩnh vực xe điện và gần đây đã giành được thỏa thuận bằng sáng chế với các thương hiệu ô tô hàng đầu bao gồm Mercedes-Benz và BMW.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-huawei-mac-ket-trong-tam-bao-post552090.html