Cuộc khủng hoảng nhìn thấy trước từ năm 2018 đang diễn ra ở Hong Kong

Khi các chuyên gia 'vò đầu bứt tai' với nỗ lực đảo ngược tỷ lệ sinh, phụ nữ Hong Kong nói không với việc sinh nở. Thay vào đó, họ chọn nuôi mèo.

Cuối tháng 4, năm trường tiểu học công lập ở Hong Kong thông báo không thể tuyển đủ số học sinh tối thiểu để mở lớp một. Điều đó có nghĩa những ngôi trường này có thể phải đóng cửa trong ba năm tới khi phòng giáo dục ngừng trợ cấp cho họ.

Các giáo viên, cựu học sinh và phụ huynh đang nỗ lực kêu gọi, ký tên thỉnh nguyện và vận động hành lang với hy vọng giải cứu những ngôi trường này.

Đây là kết quả của xu hướng giảm tỷ lệ sinh tại Hong Kong suốt nhiều năm qua.

Vào năm 2017, đặc khu chỉ có 56.500 trẻ em ra đời. Số trẻ sơ sinh cũng giảm liên tục trong 5 năm kể từ năm 2018 xuống mức thấp kỷ lục 32.500 vào năm 2022, báo hiệu những hậu quả tồi tệ hơn không chỉ với trường học mà cả xã hội, theo South China Morning Post.

Không còn quan niệm nối dõi tông đường

Một số trường mẫu giáo tại Hong Kong đã đóng cửa. Sau cấp tiểu học, các trường trung học cũng sẽ bị ảnh hưởng và hàng trăm giáo viên trở nên dư thừa, kéo theo tác động tới các trường đại học, lực lượng lao động và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

“Cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt hôm nay không chỉ vừa xảy ra hôm qua. Chúng ta đã thấy trước từ năm 2018, nhưng không chuẩn bị (ứng phó)”, ông Paul Yip Siu-fai, giáo sư về sức khỏe dân số tại khoa quản lý và công tác xã hội Đại học Hong Kong, cho biết.

Làn sóng di cư từ năm 2020 và tình trạng già hóa dân số nhanh chóng ở Hong Kong càng khiến tình hình tồi tệ hơn, buộc các học giả và nhà kinh tế kêu gọi hành động ngay lập tức.

Song nỗ lực này đang gặp trở ngại lớn. Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ trẻ và cặp vợ chồng tại Hong Kong không chỉ trì hoãn sinh nở mà còn không muốn có con.

“Thế hệ trẻ không còn chấp nhận quan niệm nối dõi tông đường”, ông Yip - người đã theo dõi tỷ lệ sinh của Hong Kong suốt nhiều thập kỷ, nhận định.

“Họ không còn tự gọi mình là childless (muốn có con nhưng không thể do hoàn cảnh) mà là childfree (quyết định không có con trên tinh thần tự nguyện), và nhìn nhận điều đó theo hướng tích cực. (Xu hướng này) thực sự báo hiệu nhiều vấn đề phía trước”, ông nói.

 Nhiều phụ nữ và cặp vợ chồng trẻ ở Hong Kong không muốn sinh con, chọn nuôi mèo. Ảnh: SCMP.

Nhiều phụ nữ và cặp vợ chồng trẻ ở Hong Kong không muốn sinh con, chọn nuôi mèo. Ảnh: SCMP.

Ah Ying (34 tuổi, giám đốc marketing) là một trong số những người lựa chọn xu hướng này. Sau 3 năm kết hôn, chồng cô sẵn sàng có con, nhưng cô thì không.

Ah Ying hoàn toàn từ bỏ ý định có con khi chứng kiến tình trạng bất ổn xã hội vào năm 2019, lo ngại về chi phí nuôi dạy con và văn hóa “cạnh tranh” trong thành phố từ khi đứa trẻ chỉ mới biết đi.

“Trẻ em ngày nay phải học nhiều thứ, tham gia nhiều khóa học và trải qua các vòng phỏng vấn (để vào trường tốt)”, cô nói.

“Đó không chỉ là cảm giác căng thẳng mà còn là gánh nặng tài chính. Nếu không thể mang đến cho con những điều tốt nhất, có lẽ tôi không nên sinh con nữa”, Ying chia sẻ.

Cô và chồng đã nhận nuôi một con mèo vào năm ngoái và coi nó như một thành viên trong gia đình. Họ cũng ngừng nói về việc sinh con.

Sự thay đổi quan điểm này cũng được phản ánh qua số liệu. Hơn 3/4 phụ nữ Hong Kong sinh năm 1951 có ít nhất một con trước khi 30 tuổi. Trong khi đó, chưa đến 1/4 phụ nữ sinh năm 1991 có con trước dấu mốc này.

Chính quyền đặc khu cũng cho biết phụ nữ sinh con đầu lòng muộn hơn trước và nhiều người không có con vào cuối thời kỳ sinh sản.

Theo một báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc vào tháng 4, Hong Kong có tỷ suất sinh TFR thấp nhất. Chỉ số TFR của Hong Kong là 0,8 - thấp nhất thế giới, tiếp đến là Hàn Quốc (0,9), Singapore (1) và Nhật Bản (1,3), trong khi để duy trì mức sinh thay thế TFR phải là 2,1.

Vấn đề mấu chốt

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh nhưng chưa đạt nhiều thành công.

Song không giống các nước láng giềng châu Á, đặc khu Hong Kong phản đối việc hỗ trợ tiền mặt cho trẻ sơ sinh, dù chính phủ đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 14 tuần, đồng thời áp dụng thuế trợ cấp trẻ em.

Trong ngân sách mới nhất được công bố vào tháng 2, Cục trưởng Tài chính Paul Chan Mo-po cho biết thuế trợ cấp trẻ em sẽ tăng thêm 10.000 HKD lên 130.000 HKD (tương đương 16,605 USD), song ông bác bỏ lời kêu gọi khuyến khích bằng tiền mặt hoặc trợ cấp cho phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

 Tỷ lệ sinh giảm ở Hong Kong khiến các chuyên gia đau đầu. Ảnh: SCMP.

Tỷ lệ sinh giảm ở Hong Kong khiến các chuyên gia đau đầu. Ảnh: SCMP.

Trước đó, Cục trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Chris Sun Yuk-han cũng cho biết lựa chọn sinh con là "quyết định quan trọng của gia đình" và chính phủ nên tránh can thiệp quá mức vào những vấn đề này, song cần tạo môi trường thuận lợi cho các bậc cha mẹ.

Trong khi đó, bà Eunice Yung Hoi-yan - thành viên đảng Nhân dân mới và là một người mẹ hai con - đã kêu gọi thực hiện các biện pháp tiến bộ hơn để tăng tỷ lệ sinh. Bà nhấn mạnh “sẽ không ai quyết định sinh con vì thuế trợ cấp”.

Là nhà lập pháp đầu tiên sinh con trong nhiệm kỳ làm việc, bà Yung thừa nhận bản thân dành ít thời gian cho hai con gái.

“Tôi chỉ có thể nhìn thấy và ôm chúng 15 phút mỗi sáng khi chúng chuẩn bị đi học. Khi tôi về nhà lúc 21h30, chúng đã đi ngủ”, bà chia sẻ. “Rất nhiều bậc cha mẹ ở Hong Kong đang đối mặt với điều tương tự”.

Do đó, bà kêu gọi chính phủ giới thiệu dịch vụ chăm sóc trẻ tại nơi làm việc để các công chức có thể dành nhiều thời gian hơn cho con cái.

Song giáo sư Terence Chong Tai-leung, Giám đốc điều hành Viện Kinh tế và Tài chính Toàn cầu Lau Chor Tak thuộc Đại học Trung Quốc, cho biết các biện pháp hỗ trợ này không thể giúp đảo ngược xu hướng.

“Không có nền kinh tế trưởng thành nào trên thế giới thành công trong việc nâng tỷ lệ sinh, vì họ không bao giờ có thể giải quyết được mấu chốt của vấn đề, đó là chi phí cơ hội cao với phụ nữ”, ông nói.

“Khi ngày càng nhiều phụ nữ kiếm được việc làm tốt sau tốt nghiệp đại học, việc họ không muốn có con là điều đương nhiên”, ông nói thêm.

Ông Yip cũng nhận định ở giai đoạn cuối của tình trạng thiếu trẻ em, chính quyền Hong Kong cần lên kế hoạch giải quyết những thách thức có thể thấy trước, chẳng hạn tối ưu hóa việc giảng dạy khi nhiều trường học đóng cửa và cải thiện điều kiện sống của những cư dân cao tuổi.

Ông cho rằng những cư dân không có con cái cũng cần hiểu họ có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc chăm sóc người già, để một ngày nào đó họ cũng sẽ được chăm sóc.

Vị chuyên gia khẳng định Hong Kong không thiếu phụ nữ, song điều thay đổi là động lực sinh con của họ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hong-kong-muon-phu-nu-sinh-con-nhung-ho-chon-nuoi-meo-post1432388.html