'Cướp biển không đầu' lừng danh nghĩa tặc
Năm 1389, hải tặc khét tiếng Klaus Störtebeker dẫn đầu băng cướp biển tham tàn nhất - Victual Brothers, khuấy đảo biển Baltic.
Huyền thoại Đức kể rằng, trước khi bị hành hình, hải tặc khét tiếng Klaus Störtebeker (1360 - 1401) đã xin tha mạng thành công cho các thuyền viên của y bằng điều kiện quái đản. Đó là, sau khi bị xử trảm, thi thể không đầu của y bước đi được đến đâu bên hàng người đang chờ đến lượt hành hình thì tha chết cho đến đó.
Robin Hood của Đức
Klaus Störtebeker chào đời tại Wismar, Bắc Đức. Năm 1380, sau vụ ẩu đả bạo lực và bị đuổi khỏi Wismar, y khét tiếng xa gần. Nhờ kỹ năng “uống một hơi hết 4 lít rượu”, y được giới hải tặc vô cùng ngưỡng mộ. Năm 1389, y dẫn đầu băng cướp biển tham tàn nhất - Victual Brothers, khuấy đảo biển Baltic.
Thời điểm Störtebeker hoành hành Baltic, hoàng gia Đan Mạch và Thụy Điển đối chọi nhau gay gắt. Hoàng đế Albrecht Đệ Tam của Thụy Điển có một lãnh thổ ở Đức nên cố ý sử dụng nơi này làm nơi “trưng dụng” hải tặc với mục đích quấy nhiễu tàu thuyền Đan Mạch.
Rất nhanh, Störtebeker lọt vào “mắt xanh” của nhà vua. Nhiệm vụ đầu tiên của Victual Brothers dưới tư cách “hải tặc cướp thuê của hoàng gia” là tiếp tế cho Stockholm (kinh đô Thụy Điển) đang bị Nữ hoàng Margaret của Đan Mạch vây khốn.
Mặc dù “ăn cơm của Thụy Điển” nhưng Störtebeker không về phe nước nào, bao gồm cả nước Đức quê nhà. Y cướp bóc cả bạn lẫn thù, đe dọa an nguy của toàn bộ biển Baltic. Mỗi ngày, y và Victual Brothers một lộng hành hơn. Biết tin liên minh thương mại Hanseatic League sắp vận chuyển lượng vàng lớn qua biển Baltic, y thiết lập căn cứ trên đảo Gotland (Thụy Điển), rắp tâm cướp toàn bộ.
Trên Gotland, Störtebeker cho xây “pháo đài hải tặc” Visby. Suốt nhiều năm, y tấn công và chiếm đoạt mọi tàu thuyền của Hanseatic League lọt vào tầm mắt, tích lũy được khối tài vật khổng lồ (nhiều nhất là vàng).
Ngoài Visby, Störtebeker còn một thành trì tư nhân khác ở Marienhafe (Đức). Y sống phủ phê, vì quá thừa tiền lắm của nên vung vãi tứ tung, vô tình “lượm” được cái tiếng “nghĩa tặc”.
Không đầu cất bước
Năm 1397, Nữ hoàng Margaret hoàn tất công cuộc hợp nhất Đan Mạch và Thụy Điển. Ngay khi xong đại sự, bà ra tay dọn dẹp các phần tử quấy phá, trong đó có Störtebeker. Chưa đầy một năm, Victual Brothers bị đánh bật khỏi Gotland, phải trốn chạy đến biển Bắc.
Năm 1401, Störtebeker bị chặn ở Hamburg (Đức) và bắt giữ. Có vẻ như, trong Victual Brothers có kẻ phản bội, âm thầm đổ chì vào dây xích điều khiển bánh lái tàu nên khiến thuyền của Störtebeker “chết đứng” giữa đại dương.
Cả thuyền trưởng lẫn thuyền viên đều bị áp giải lên đảo Heligoland (Đức), sau đó là Hamburg. Trong cơn tuyệt vọng, Störtebeker xin dâng sợi dây chuyền vàng dài đến nỗi đủ quấn vòng quanh Hamburg để đổi lấy tính mạng. Tuy nhiên, tòa án Đức đã từ chối và tuyên bố hành hình Störtebeker cùng 70 hải tặc dưới tay y.
Ngày 20/10, trên đảo Grasbrook sông Elbe ở Hamburg, buổi hành quyết diễn ra. Biết không thể thoát chết, Störtebeker cầu xin ân huệ cuối cùng. “Sau khi đầu tôi rơi xuống, nếu thi thể không đầu của tôi bước đi được bao xa bên hàng thuyền viên đang chờ bị chém thì hãy tha cho chừng đó người”, y nói.
Đức chấp nhận, vì không đầu bước đi là chuyện không tưởng. Không ngờ, sau khi bị chém bay đầu, phần thân của Störtebeker đã bước được 11 bước, làm tay đao phủ phải chạy tới ngáng chân để cản.
Trái với thỏa thuận, Đức chém toàn bộ Victual Brothers, đem đầu bêu cọc gỗ. Xong xuôi, họ hỏi thăm tay đao phủ “có mệt không, sau khi phải chém nhiều tội nhân đến thế?”. Người này đùa rằng: “Dù có phải chặt đầu thêm cả toàn thể hội đồng phán xét ngay bây giờ, tôi vẫn dư sức hoàn thành tốt” và nhận kết cục đắng ngắt là bị tử hình vì tội phỉ báng.
Di sản khổng lồ
Dân gian Đức lưu truyền rất nhiều câu chuyện về Klaus Störtebeker. Nội dung thường thấy là Störtebeker vô cùng nghĩa hiệp, chia chác chiến lợi phẩm đồng đều cho thuyền viên và ban phát cho người nghèo.
Năm 1878, tại Grasbrook, người ta tìm thấy một hộp sọ bị cắm trên một cây cọc và tin tưởng đó là của Störtebeker. Năm 1922, hộp sọ Störtebeker được đưa vào Bảo tàng Lịch sử Hamburg.
Theo truyền thuyết thì cả Störtebeker lẫn 70 thuyền viên đều chung số phận “chặt đầu, bêu cọc”, nên hộp sọ được tìm thấy có khả năng không phải của Störtebeker. Năm 2008, Đức lấy mẫu ADN từ hộp sọ này, nỗ lực tìm kiếm hậu duệ của Störtebeker để so sánh. Mặc dù không tìm ra bằng chứng nào thuyết phục, họ vẫn khẳng định hộp sọ trên là của Störtebeker và dựa vào nó tái tạo khuôn mặt thông qua kỹ thuật số.
Cũng trong năm 2008, Störtebeker trở thành “ngôi sao” trong lễ kỷ niệm thống nhất quốc gia, được cả nước biết đến qua vở kịch đình đám nhất: Störtebeker, cướp biển Bắc Đức (Störtebeker, a North German Pirate).
Trước đó, kể từ năm 1959, Störtebeker đã là nhân vật chính trong nhiều tác phẩm văn chương, kịch, phim ảnh. Năm 1982, Hamburg còn xây dựng tượng đài Störtebeker bằng đồng, nặng 2 tấn, khắc họa hình ảnh Störtebeker bị trói chờ hành quyết.
Hàng năm, đảo Rugen (Đức) đều đặn tổ chức lễ hội Störtebeker (Störtebeker Festspiele). Từ năm 2007, họ đã thu hút được 378 nghìn du khách tham dự.
Ngày nay, Störtebeker vẫn có mặt trong mọi loại hình nghệ thuật của Đức, đóng vai trò biểu tượng nghĩa hiệp, can trường. Mặt bệ bức tượng đài Störtebeker bằng đồng hiện đang đặt ở Bảo tàng Hàng hải Hamburg còn in dòng chữ “Bạn của Chúa, kẻ thù của thế giới”. Theo tư liệu từ Hamburg, mái vàng của Nhà thờ St. Chaterine được đúc bằng chính vàng ăn cướp của Störtebeker.
Theo ancient-origin
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuop-bien-khong-dau-lung-danh-nghia-tac-post682782.html