Đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho phụ nữ

Thời gian gần đây, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã từng bước chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động chị em để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đổi mới cách phổ biến kiến thức

Chị Sùng Thị Văng ở bản Giang Châu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) năm nay 38 tuổi, nhưng đã có tới 7 người con. Do không được học hành đến nơi đến chốn, năm 14 tuổi, chị Văng lập gia đình và từ đó các con lần lượt ra đời. Đến nay, đứa con nhỏ nhất của chị mới 6 tháng tuổi và chị cũng đã có cháu ngoại bế bồng. Gia đình chị dù có 1 ha đất sản xuất, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, nên vợ chồng chị phải làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

Chị Văng cho biết: “Thời mình, đa số chị em đều nghỉ học lấy chồng sớm nên mình cũng vậy. Mặc dù được tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, nhưng do tâm lý lo sợ nên mình vẫn không làm được, dẫn đến sinh con nhiều. Bây giờ, khi sinh đứa con thứ 7 xong, mình đã hiểu ra việc sinh nhiều con khổ lắm, nên quyết không sinh nữa”.

Vì vậy, đến lượt các con, chị thường xuyên khuyên bảo con không lấy chồng sớm. Nhờ đó, đứa con đầu của chị 22 tuổi mới lấy chồng, đứa thứ hai thì 26 tuổi mới lấy chồng. “Cũng nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn nên mình biết được tác hại lấy chồng, sinh con khi quá sớm để nói với con cái. Mình rất mừng, khi các con đã ý thức được vấn đề và lấy chồng muộn để vừa bảo vệ sức khỏe của người mẹ, vừa tích lũy được kinh nghiệm chăm con”, chị Văng tâm sự.

 Buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn tại xã Đắk Ngo được đông đảo phụ nữ, nam giới người Mông chăm chú tiếp thu

Buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn tại xã Đắk Ngo được đông đảo phụ nữ, nam giới người Mông chăm chú tiếp thu

Chị Thào Thị Páng cũng ở bản Giang Châu thường xuyên được tiếp cận các kiến thức cần thiết về hôn nhân gia đình, nhất là tảo hôn nên không lấy chồng khi chưa đủ tuổi quy định. Không những vậy, chị còn biết áp dụng kế hoạch hóa gia đình để không sinh con ngoài ý muốn, không để dẫn đến đông con. Hiện nay, dù cuộc sống vẫn còn khá khó khăn, nhưng vợ chồng chị Páng luôn cố gắng để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo chị Phạm Thị Là, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Ngo, toàn Hội hiện có 947 hội viên, phụ nữ, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số khá đông. Thời gian qua, các cấp hội đã đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ Mông về phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Hội chỉ có khoảng 6-7 trường hợp tảo hôn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà Hội LHPN xã Đắk Ngo gặp phải trong quá trình tuyên truyền, vận động đó là sự bất đồng về ngôn ngữ, nhiều trường hợp chị em không biết tiếng phổ thông, nên mỗi lần đi tuyên truyền đều rất khó nếu không có người biết tiếng Mông hỗ trợ. Hơn nữa, cán bộ làm công tác hội cũng thường xuyên thay đổi, do phụ cấp thấp, nên nhiều lúc tiếp cận với chị em người Mông khó khăn. Hơn nữa, chị em người Mông thường có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với người lạ, do đó cần rất nhiều thời gian để làm quen, nói chuyện, gần gũi.

 Việc tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông đã giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ hơn

Việc tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông đã giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ hơn

Truyền thông đến khu dân cư

Mới đây, để góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, nam giới người Mông tại các xã Đắk Ngo (Tuy Đức), Đắk Som (Đắk Glong) và Đắk Nang (Krông Nô) về phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Hội LHPN tỉnh đã về tận khu dân cư để truyền thông.

Bà H’Vi Ê Ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết. “Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả, nhất là chị em phải hiểu được, làm theo, Hội LHPN tỉnh đã mời tuyên truyền viên hiểu tiếng Mông, là người uy tín, có tiếng nói, mạnh dạn, tự tin, truyền đạt dễ hiểu để nói chuyện với bà con. Qua quan sát và khảo sát, chúng tôi nhận thấy, đa số chị em đều rất thích thú, hiểu những nội dung yêu cầu của buổi truyền thông. Trên cơ sở này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức và con người trong tuyên truyền, vận động để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất”.

Do đó, từ năm 2022, đối với những địa bàn dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh chủ trương mời tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục tập quán, địa bàn và bà con để trực tiếp tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số cho bà con dễ nắm bắt. Qua các buổi truyền thông gần đây, Hội nhận thấy, cách làm này thực sự rất hiệu quả, bà con đồng tình, lắng nghe nghiêm túc, không còn tình trạng ra về sớm như trước.

Bài, ảnh: Hoàng Bảo

1,726

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-nang-cao-kien-thuc-cho-phu-nu-93310.html