Đại biểu tập trung xoáy vào những vấn đề cử tri quan tâm

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra ngày 6/7. Ảnh: ANH NGỌC

Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, Chủ tọa kỳ họp đã dành phần lớn thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn.

Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại các ý kiến tại phiên chất vấn.

* Đại biểu Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên chất vấn về giải pháp khai thác tiềm năng, giá trị của Bảo tàng tỉnh để phục vụ tốt nhu cầu tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Phú Yên.

- Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái trả lời: Bảo tàng tỉnh được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ ngày 3/2/2012. Tuy nhiên, công tác trưng bày chỉ mới tiến hành giai đoạn 1, chưa sinh động, hấp dẫn. Để khai thác tiềm năng, giá trị bảo tàng phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng đất và con người Phú Yên, rất cần thiết phải hoàn thiện trưng bày Bảo tàng tỉnh.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh sớm cho chủ trương đầu tư dự án Trưng bày Bảo tàng tỉnh giai đoạn 2. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, ngành sẽ tập trung hoàn chỉnh không gian trưng bày theo hướng hiện đại, hấp dẫn để khai thác tốt giá trị hiện vật, tài liệu của Bảo tàng tỉnh.

Cùng với đó, ngành ưu tiên nguồn lực cho công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng, sưu tầm và tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể mang bản sắc Phú Yên; tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp, phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng các chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.

Ngành cũng sẽ thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động bảo tàng, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bồi dưỡng năng lực cho các thuyết minh viên; đồng thời xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hoạt động của bảo tàng vào các chương trình xúc tiến du lịch, kết nối với các công ty du lịch lữ hành đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một điểm đến trong hành trình tham quan Phú Yên.

* Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch HĐND TX Sông Cầu chất vấn Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái về giải pháp đầu tư, phục dựng các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 108 di tích được xếp hạng. Mặc dù các cấp, ngành đã quan tâm bố trí kinh phí thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi nhiều di tích nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp nên công tác này chưa kịp thời, nhiều di tích xuống cấp.

Để công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện, Sở VH-TT&DL đã xây dựng đề án tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; đang trong giai đoạn hoàn chỉnh dự thảo đề án, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành.

Ngoài ra, ngành sẽ rà soát quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và đề nghị thay thế cho phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Ngành cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng của từng di tích theo phân cấp quản lý; kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục dựng, nâng cấp cho từng di tích và đề xuất đầu tư cho từng giai đoạn; đồng thời quan tâm, cân đối ngân sách địa phương hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện theo kế hoạch.

* Đại biểu Tạ Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn vì sao việc triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh chậm? Những giải pháp căn cơ để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành CĐS và đến năm 2030, Phú Yên ở nhóm trung bình khá so với cả nước.

- Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Hưng trả lời: CĐS đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số. CĐS không đơn thuần là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Năm 2020, chỉ số DTI của Phú Yên rất thấp, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành. Với quyết tâm của các sở, ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ số DTI của Phú Yên năm 2021 tăng 12 bậc, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành.

Từ năm 2019 trở về trước, tỉnh đầu tư cho lĩnh vực TT&TT chỉ ở mức 0,42% tổng chi ngân sách địa phương; thiếu nguồn nhân lực, hiện cả tỉnh chỉ có 65 công chức, viên chức được đào tạo về công nghệ thông tin.

Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến CĐS; người dân, doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến các ứng dụng công nghệ để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, trong quản lý và phục vụ cho chính mình. Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh còn thấp, tỉ lệ hộ gia đình có đường truyền băng thông rộng chưa nhiều.

Việc tổng hợp, báo cáo về nhiệm vụ CĐS để tính điểm DTI một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến công tác CĐS của tỉnh chậm trong thời gian qua.

Trong thời gian đến, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt, chủ động thay đổi tư duy, nhận thức về tính tất yếu của CĐS; xây dựng thể chế hỗ trợ tích cực cho CĐS, trong đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí thuận lợi cho CĐS. Đặc biệt, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong CĐS, kết nối với bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng số thông qua triển khai CĐS toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực. CĐS phải được diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng CĐS nhanh, trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra ưu thế, năng suất đem lại hiệu quả cao như: giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, lao động và an sinh xã hội…

Chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để thực hành CĐS, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Trong quá trình CĐS cần khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo cho tất cả người dân, nhất là doanh nhân, những người tài năng truyền đạt kinh nghiệm, phương pháp CĐS.

Đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh mạng bằng cả cơ sở kỹ thuật, cơ chế pháp lý và bằng phong trào Nhân dân tham gia xây dựng văn hóa số trên môi trường mạng; phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đặc biệt, các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị phải đi đầu và chủ động tham gia CĐS trên lĩnh vực công tác.

Sở cũng đã đề xuất tỉnh xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CĐS các cơ quan, đơn vị và đưa vào tiêu chí thi đua khen thưởng công tác hàng năm của tỉnh; HĐND tỉnh ủng hộ xây dựng cơ chế hỗ trợ CĐS về tài chính, nhân lực và các chính sách khác.

* Đại biểu Phạm Ngọc Công chất vấn về việc giao đất lâm nghiệp đã thu hồi từ các ban quản lý rừng phòng hộ cho người dân.

- Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng trả lời: Năm 2010, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi hơn 30.000ha đất, rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ để giao cho địa phương quản lý. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức bàn giao hồ sơ, diện tích đất, rừng thu hồi cho địa phương và hoàn thành đóng mốc ranh giới 3 loại rừng.

Việc giao đất ở các địa phương gồm: huyện Sông Hinh đã giao được 506 thửa đất với diện tích hơn 743ha/1.537ha chiếm 48,3%; huyện Tây Hòa đã giao 187 thửa đất với diện tích hơn 270ha/6.447ha, chiếm 4,2%; huyện Đồng Xuân đã giao 169 thửa đất với diện tích hơn 440ha/12.571ha, chiếm 3,5%; huyện Sơn Hòa đã giao hơn 2.562ha nhưng đến nay các xã vẫn chưa lập phương án giao đất; TX Sông Cầu đã đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính với diện tích hơn 1.803ha/7.360ha để lập phương án, trình phê duyệt.

Kết quả diện tích kiểm tra đánh giá hiện trạng, đo đạc, lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương còn thấp, có địa phương chưa thực hiện giao đất cho hộ gia đình, cá nhân như TX Sông Cầu, huyện Sơn Hòa.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp ở các địa phương chưa quyết liệt; công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế; chưa kịp thời phát hiện, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng, sử dụng đất sai mục đích. Công tác phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện phương án giao đất, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình và cá nhân đối với diện tích đất thu hồi giao cho địa phương quản lý chưa tốt.

Việc bố trí kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp GCNQSDĐ, đóng mốc ranh giới chưa được bố trí theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Công tác quản lý đất đai còn thiếu về nhân lực so với nhu cầu thực tiễn, do đó công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý việc lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích chưa được kịp thời…

Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng, đo đạc, lập phương án giao đất và cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo việc cấp kinh phí thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ đối với diện tích có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và các ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý.

Liên quan đến vấn đề đất lâm nghiệp, đại biểu Phạm Ngọc Công đề nghị Sở NN&PTNT cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm giao đất lâm nghiệp đã thu hồi cho dân. Còn đại biểu Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, thanh tra công tác giao đất, giao rừng, đặc biệt là tại các ban quản lý rừng phòng hộ.

* Đại biểu HĐND tỉnh Đỗ Thị Như Tình đã chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng về các trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số chưa đảm bảo tiêu chí kinh tế trang trại, có hiện tượng “đội lốt trang trại để làm điện mặt trời”.

Ông Nguyễn Trọng Tùng trả lời: Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại thì được UBND cấp xã xem xét, đưa vào danh sách trang trại nông nghiệp trên địa bàn (từ ngày 14/4/2020 không cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại nông nghiệp). UBND cấp xã, cấp huyện chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý và báo cáo danh sách trang trại nông nghiệp trên địa bàn theo quy định. Theo tổng hợp từ các huyện, thị xã, thành phố, đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 102 trang trại nông nghiệp (29 trang trại trồng trọt, 64 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại lâm nghiệp, 4 trang trại tổng hợp).

Kết quả kiểm tra việc đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, trên địa bàn tỉnh có 21 trang trại. Trong đó có 2 dự án trang trại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, 12 trang trại được UBND cấp huyện đồng ý chủ trương đầu tư, 5 trang trại được UBND cấp xã xác nhận, 2 trang trại được Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp phép đầu tư. Về văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại của cấp có thẩm quyền thì không có hạng mục điện áp mái.

Tuy nhiên, thực tế hạng mục điện áp mái các trang trại là hạng mục lớn, hạng mục chính của các trang trại. Về mục đích sử dụng đất tại trang trại, cơ sở sử dụng có lắp điện mặt trời là đất nông nghiệp khác. Về xây dựng, theo quy định thì thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng (theo báo cáo của UBND huyện Sơn Hòa).

Về trình tự, thủ tục lắp và mua bán điện, các cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Việc đầu tư trồng trọt (nấm, cây dược liệu…) chưa được chú trọng, đầu tư chưa đúng mức. Một số trang trại triển khai chưa đúng nội dung chủ trương đầu tư. Nếu xét về tiêu chí giá trị sản xuất kinh tế trang trại thì các trang trại này không đảm bảo.

Thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn các chủ trang trại tổ chức sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế trang trại. UBND cấp huyện cần kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động các trang trại trên địa bàn. Các chủ trang trại cần tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

* Đại biểu Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Xuân chất vấn về cơ chế thanh toán vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trương Văn Phương trả lời: Cơ chế thanh toán vốn hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của trung ương về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của chương trình, quy định: “Cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để triển khai thực hiện đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo cơ chế đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định” và tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 38 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quy định: “Cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, theo định mức cho một số đối tượng chính sách thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia để tự thực hiện đầu tư, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư. Tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công”. Đồng thời quy định chi tiết việc tổ chức rút dự toán, thanh toán cho đối tượng chính sách; lập hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách và hồ sơ thanh toán cho đối tượng chính sách; việc theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện đầu tư của các đối tượng chính sách.

Chính vì vậy, cơ chế thanh toán vốn này là do trung ương hướng dẫn thực hiện. Các địa phương căn cứ các văn bản quy định nêu trên để triển khai nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của chương trình.

Liên quan đến vấn đề trang trại nông nghiệp, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc để các trang trại này hình thành, tồn tại nhưng không đảm bảo tiêu chí giá trị sản xuất kinh tế trang trại theo quy định của Bộ NN&PTNT.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/300513/dai-bieu-tap-trung-xoay-vao-nhung-van-de-cu-tri-quan-tam.html