Đại tá công an kể chuyện chụp ảnh

Ông hiện là Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lào Cai. Công việc và đam mê nhiếp ảnh tưởng như không có sự liên quan, vậy mà trò chuyện với ông, tôi vỡ lẽ thêm nhiều điều.

Tôi được trò chuyện với Đại tá Phạm Gia Chiến khi ông cùng cộng sự vừa tổ chức thành công triển lãm ảnh tại Bắc Hà với tên gọi “Bắc Hà - xưa và nay”. Trong khuôn khổ Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2024, triển lãm ảnh đã mang đến cho công chúng bộ sưu tập ảnh nghệ thuật đa dạng, thể hiện những nét đẹp độc đáo về thiên nhiên, cuộc sống, con người, truyền thống văn hóa, phong cảnh, ẩm thực… đặc sắc của huyện Bắc Hà. Để thực hiện triển lãm ảnh, đại tá, nhiếp ảnh gia Phạm Gia Chiến cùng cộng sự đã mất nhiều năm chụp ảnh ở khắp các bản làng của mảnh đất Bắc Hà. Vậy nên, đây là một trong những triển lãm thành công của ông.

Đại tá Phạm Gia Chiến chia sẻ: Tôi mong muốn tổ chức thêm nhiều triển lãm ảnh nữa ở các địa phương, để người dân có cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm ảnh, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh đẹp của địa phương tới du khách.

Những năm 80, rất ít người có máy ảnh, đa phần chỉ hiệu ảnh mới có, thế nhưng Đại tá Gia Chiến đã có máy ảnh riêng. Đại tá Gia Chiến nhớ lại: Ban đầu tôi sử dụng máy ảnh của Liên Xô. Sau khi đi làm thì sử dụng máy tốt hơn, nhưng vẫn là máy tráng phim. Mỗi chuyến công tác, đến các bản làng, bắt gặp nhiều khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, tôi đều chụp lại. Tối về mang ra tráng phim, ngắm nhìn những bức ảnh mình chụp, cảm thấy rất hài lòng.

Năm 1995, Đại tá Gia Chiến được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, sau đó trở thành hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Lào Cai.

“Mỗi khi đi công tác xa, tôi thấy thú vị khi có máy ảnh bầu bạn. Chiếc máy ảnh cũng hỗ trợ tôi trong công tác dân vận. Người dân vùng cao rất thích thú khi tôi chụp cho họ những bức ảnh và sau đó in ra gửi lại làm quà tặng”, Đại tá Gia Chiến cho biết.

Đại tá, nghệ sỹ nhiếp ảnh Gia Chiến cũng chia sẻ thêm: Ngày nay, việc chụp ảnh có sự hỗ trợ nhiều từ công nghệ. Ví dụ, flycam giúp các nhiếp ảnh gia đỡ vất vả hơn, có thể nhanh chóng ghi được nhiều khoảnh khắc đẹp. Ngày xưa, muốn chụp được ảnh từ trên cao, các nhiếp ảnh gia phải trèo lên cây, leo lên ngọn núi… Mỗi một thời điểm, cách các nghệ sỹ tác nghiệp lại có những thú vị riêng.

Đại tá, nghệ sỹ nhiếp ảnh Gia Chiến say sưa: Ngôn ngữ nhiếp ảnh có hai thứ để nói lên cuộc sống, đó là ánh sáng và khoảnh khắc. Hai yếu tố để tạo nên một tác phẩm không phải lúc nào cũng đến cùng lúc. Để chọn được khoảnh khắc tốt nhất, lát cắt cuộc sống ý nghĩa nhất và với ánh sáng đẹp nhất, người nghệ sỹ phải kiên trì. Có những địa điểm, tôi đã quay lại chụp hàng trăm lần để có được bức ảnh ưng ý.

Khi nói về khoảnh khắc bấm máy mà ông nhớ nhất, Đại tá Gia Chiến cho biết: Có những khoảnh khắc bất chợt đến mà người nghệ sỹ không thể đoán trước. Trong chuyến sáng tác trên đỉnh Fansipan đã lâu, khi đó chưa có cáp treo, các nhiếp ảnh gia leo bằng đường bộ. Sau khi tác nghiệp, chuẩn bị quay về thì có hai du khách người Đức leo tới đỉnh và họ đứng trao nhau nụ hôn. Tôi vội bấm máy và ghi được khoảnh khắc tuyệt đẹp của hai du khách, phía sau là ánh mặt trời rực rỡ...

Nói về nhiếp ảnh, đại tá Gia Chiến có thể say sưa chia sẻ cả ngày, cả quãng thời gian dài tìm hiểu về nhiếp ảnh, đam mê chụp ảnh và giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Khi có thời gian hơn, ông sẵn sàng tham gia các buổi tọa đàm, trò chuyện, chia sẻ về nhiếp ảnh với mọi người...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dai-ta-cong-an-ke-chuyen-chup-anh-post383655.html