Đại thắng mùa Xuân năm 1975 từ góc nhìn lịch sử
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca để chúng ta bước tiếp trên con đường tới vinh quang.
Biểu tượng sức mạnh của dân tộc
Đã 49 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Là nhà nghiên cứu lịch sử, ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?
Đại thắng mùa Xuân 1975 đập tan chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc những chuỗi ngày vô cùng khó khăn nhưng vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Thống nhất đất nước - mong mỏi của nhân dân hai miền bao năm đã thành hiện thực.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, về lý thuyết, nước Việt Nam đã thống nhất, giải phóng khỏi chế độ thuộc địa, chế độ phong kiến. Thế nhưng, chính sách của thực dân Pháp muốn tách Nam Kỳ ra khỏi đất nước ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật "đánh" và "đàm" được phát triển lên đỉnh cao, trở thành hoạt động song hành, "vừa đánh, vừa đàm"; "đánh" tạo thế cho "đàm", "đàm" khích lệ để tiếp tục "đánh".
Nghệ thuật đó được tiến hành một cách chủ động trong suốt cuộc chiến tranh và kết hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, khôn khéo, đồng thời cũng vô cùng quyết liệt; Tạo sức mạnh tổng hợp to lớn đánh bại đội quân "lắm súng nhiều tiền" như Mỹ cùng đồng minh trên chiến trường và tại bàn đàm phán.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Đến năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã thắng Pháp trên chiến trường. Nhưng vấn đề thống nhất đất nước vẫn còn bỏ ngỏ. Tiếp đó, Mỹ lại can thiệp. Cho nên, chiến thắng ngày 30/4/1975 có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Theo ông, những yếu tố quan trọng nào góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975?
Đó là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng.
Ngoài ra, đại thắng mùa Xuân 1975 còn là biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Mỹ thất bại bởi họ đã không hiểu Việt Nam, không hiểu nền văn hóa và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Họ cũng không hiểu rằng, cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu của toàn dân và mỗi người dân đều là một chiến sĩ chiến đấu vì lẽ phải, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân, làng mạc, gia đình.
Đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Các nhà nghiên cứu quân sự cho rằng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã được phát triển đến đỉnh cao trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ góc độ lịch sử, theo ông nghệ thuật chiến tranh nhân dân đặc sắc thế nào?
Chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh áp đảo, dẫn đến thắng lợi trong đại thắng mùa Xuân 1975.
Tôi còn nhớ trong lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Robert McNamara (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1961-1968) ở Hà Nội, lúc đó ông McNamara hỏi tướng Giáp: "Những hành động quân sự nào của Mỹ làm ông lo sợ nhất?". Đại tướng trả lời: "Không có khái niệm sợ trong từ điển của chúng tôi".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói rằng: "Sức mạnh của Mỹ tuy lớn, nhưng có những hạn chế cơ bản. Ví như "kỵ binh bay" (dùng máy bay trực thăng UH-1 đưa lính nhảy dù tập kích - PV) mạnh ở chỗ cơ động nhưng đối với chúng tôi thì cơ động nhất là lực lượng tại chỗ, quân Mỹ đến đâu thì đã có lực lượng của chúng tôi ở chỗ đó.
Chiến tranh nhân dân là thế. Chiến thuật của Mỹ là dùng máy bay tìm để diệt, họ có máy bay UH-1 rất nổi tiếng về tính cơ động, tuy nhiên không thể chiến thắng được sức mạnh của toàn dân.
Và sức mạnh toàn dân như ông nói, đã được thể hiện như thế nào để cuối cùng chúng ta có ngày đại thắng?
Đảng và Nhà nước đã huy động và động viên được nhân dân cả nước không chỉ đóng góp sức người, sức của cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang, mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu.
Ở miền Bắc, đó là những hoạt động phòng thủ dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng và rộng khắp chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Ở miền Nam, đó là sự che chở, nuôi giấu lực lượng du kích, những đội biệt động thành của mọi tầng lớp nhân dân. Thế trận "toàn dân đánh giặc", "kết hợp hai chân, ba mũi, ba vùng", nối thông giữa vùng tự do, căn cứ địa và vùng địch hậu.
Sau này, Robert McNamara - "kiến trúc sư" cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong cuốn hồi ký mang tên "Hồi tưởng" xuất bản năm 1995 đã thừa nhận 11 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh này, trong đó có những đánh giá thấp về tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh Việt Nam.
Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sức mạnh thời đại được chúng ta vận dụng như thế nào, thưa ông?
Thời điểm chúng ta kháng chiến chống Mỹ cứu nước bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng đã vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc; Mở rộng tình đoàn kết quốc tế với các nước, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chính vì vậy, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần, góp phần quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sức mạnh thời đại còn được biểu hiện ở sự đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết gắn bó, keo sơn giữa ba dân tộc Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chống tham nhũng, xây dựng khối đại đoàn kết
Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Vậy, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại là gì, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, đại đoàn kết dân tộc vẫn vô cùng quan trọng. Nó là sức mạnh để chúng ta đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội, văn hóa và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Một trong những việc mà chúng ta đang thực hiện rất tốt và được nhân dân ủng hộ để xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc chính là công cuộc phòng chống, tham nhũng - chống "giặc nội xâm".
Trong xã hội, tham nhũng, tiêu cực, xâm phạm quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân sẽ khiến cho nhân dân suy giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tổ chức Đảng để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực sẽ không thể phát huy được vai trò là hạt nhân đoàn kết quần chúng.
Không những thế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, gây chia rẽ trong nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng để giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.