Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với trận 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

Trong chiến dịch '12 ngày đêm', Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) là trợ lý tên lửa Cục Tác chiến, làm nhiệm vụ trực ban tác chiến phòng không tại Sở chỉ huy - BTTM, kể lại chuyện Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong những ngày lịch sử ấy.

Tôi còn nhớ như in sáng ngày 28-6-1972, tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm việc với Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PKKQ) Lê Văn Tri. Tôi được phép tham dự. Sau khi nghe đầy đủ tình hình, Đại tướng nói rõ ý định tác chiến của ta sắp tới là phải tổ chức những trận đánh lớn. Đồng chí chỉ thị: "Sắp tới, không quân Mỹ sẽ đánh ác liệt hơn, kể cả B-52. Ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm…".

Sáu tháng sau, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị số 155/QU-TƯ ngày 25-11-1972 về tăng cường sẵn sàng chiến đấu:

"… Chúng sẽ liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, các vùng đông dân… Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đánh địch đạt hiệu quả cao nhất và giảm thiệt hại của ta đến mức thấp nhất, trong bất cứ tình huống nào". Sau này Đại tướng có viết: "Mặc dù vậy, do quán triệt quyết tâm chưa tốt, suy nghĩ lúc này vẫn nặng về khả năng địch dùng B-52 đánh phá vùng "cán soong", nên đầu tháng 12 đã có lệnh điều một trung đoàn tên lửa vào Khu 4, tiếp đó là điều thêm hàng trăm quả đạn tên lửa của phòng không Hà Nội theo!"(1). Trước tình hình diễn biến hết sức khẩn trương, ngày 15-12-1972, BTTM đồng ý với đề nghị của Bộ tư lệnh PK-KQ để trung đoàn tên lửa này ở lại bảo vệ Hà Nội.

Ngày 4-12-1972, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng báo cáo lên Bí thư Quân ủy Trung ương: "Quân chủng không để bị bất ngờ, sẽ đánh liên tục, đánh rơi tại chỗ máy bay địch, bắt sống nhiều giặc lái, kể cả máy bay B-52".

Tháng 12-1972, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cơ quan Tổng hành dinh làm việc suốt ngày đêm ở trong Thành cổ. Hai ngày trước khi Mỹ giội bom, Bộ Tổng tư lệnh đã chuyển lực lượng vũ trang 3 thứ quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bộ đội ra-đa phòng không và đơn vị trinh sát kỹ thuật Cục Quân báo - BTTM đã sớm phát hiện chính xác cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, ngày 30-12-1972. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, ngày 30-12-1972. Ảnh: TTXVN

19 giờ 10 phút ngày 18-12-1972, tôi gọi điện thoại (có chế độ ưu tiên số 1) báo cáo Đại tướng: "Thưa Thủ trưởng, B-52 đã cất cánh từ Gu-am và U-ta-pao… nhiều tốp bay dọc Mê-công lên phía bắc". Tôi nghe tiếng Đại tướng cao trong điềm tĩnh như mọi ngày: "Kiểm tra lại. Thông báo ngay cho Bộ tư lệnh PK-KQ. Cho Hà Nội, Hải Phòng báo động!". Tôi nói: "Xin tuân lệnh!".

Sau khi truyền lệnh cho người trực chỉ huy Quân chủng PK-KQ Nguyễn Quang Bích, tôi đến bên tường ấn nút kéo còi báo động liên hồi, lâu và gấp. Tiếng còi trên nóc nhà Quốc hội réo lên từng hồi dài. Một loạt còi khác do Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Hà Nội phụ trách cũng vang rền khẩn cấp.

Cuộc chiến đấu xảy ra quyết liệt. 20 giờ 20 phút, Phó tư lệnh PK-KQ Nguyễn Quang Bích báo cáo qua điện thoại lên Đại tướng: "Tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi một B-52 tại Phủ Lỗ, Đông Anh". Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Đại tướng nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng chỉ huy. Trời mưa bụi, rét đậm, lòng người lại ấm áp lạ thường! Trở vào, Đại tướng gọi điện thoại cho Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội Trần Văn Giang: "Bộ đội vừa qua đánh tốt, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Cần phát huy thành tích tiếp tục bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Cả nước đang hướng về Hà Nội! Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội! Từng giờ từng phút Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các đồng chí phòng không bảo vệ Hà Nội"(2).

Liền sau đó, Đại tướng chủ trì cuộc họp bất thường của Thường trực Quân ủy Trung ương, nhận định tình hình và xác định nhiệm vụ lãnh đạo tiếp theo: "Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là bộ đội phòng không và không quân phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng này của địch; chỉ đạo trước mắt là kiên quyết đánh địch, triệt để sơ tán phòng tránh và tích cực bảo đảm giao thông vận tải"(3).

Sáng sớm hôm sau, tại Tổng hành dinh, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn với nhận định tình hình và nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương đề ra, chuẩn y đề nghị về cuộc họp báo chiều nay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ thêm: "Cần đem số giặc lái đã bắt được và khuân ngay xác máy bay B-52 về cho các nhà báo xem".

Đại tướng Tổng tư lệnh thống nhất với Tổng Tham mưu trưởng chủ trương: "Từ nay bộ đội tên lửa hoàn toàn dành cho nhiệm vụ đánh B-52. Rút một số đơn vị cao xạ ở Đường số 1 (phía Nam) về để bảo vệ các tiểu đoàn tên lửa".

Trong những ngày tiếp theo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đến các trận địa tên lửa, thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 257…, giao nhiệm vụ tiếp tục chiến đấu đạt hiệu suất chiến đấu thật cao, góp phần tạo nên những trận then chốt quyết định.

Buổi chiều ngày 22-12, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đến hầm chỉ huy thu thanh bài diễn văn của Đại tướng nhân dịp kỷ niệm trọng đại này, đồng thời cũng để gián tiếp cải chính tin đồn của một hãng thông tấn phương Tây rằng Đại tướng bị tử thương vì bom B-52.

Sáng sớm ngày 23, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến trận địa Vân Đồn (bãi cát sông Hồng) thăm, khen ngợi, chụp ảnh với Đại đội tự vệ súng máy phòng không (14,5mm) vừa bắn rơi một chiếc máy bay F111A cánh cụp cánh xòe rất hiện đại của Mỹ.

Được biết Không quân ta đang gặp khó khăn trong cách đánh B-52, Đại tướng đã đến dự hội nghị rút kinh nghiệm của Quân chủng, góp ý kiến chỉ đạo và động viên: "Không quân anh hùng của chúng ta nhất định phải có tên trong danh sách những đơn vị đã bắn rơi B-52!". Đại tướng đã xúc động sâu sắc khi được tin đồng chí Vũ Xuân Thiều, phi công cảm tử lái Mic-21 vừa phóng tên lửa vừa lao vào một B-52 cháy rực trên bầu trời Sơn La giữa đêm 28-12.

Cả khu phố Khâm Thiên bị trúng bom B-52, thiệt hại nặng nề, Đại tướng đã đến hiện trường, căm giận quân xâm lược dã man, xót xa đồng cảm với nhân dân. Đại tướng đến thẳng Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ chỉ thị cho bộ đội đánh rơi thật nhiều B-52 để trả thù cho đồng bào! Bộ tư lệnh Quân chủng hứa với Đại tướng: Bộ đội Phòng không và Không quân quyết tâm sắt đá thực hiện những lời căn dặn sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ của Đại tướng.

7 giờ ngày 30-12-1972, do thua đau trên bầu trời Hà Nội, Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã duyệt và cho công bố bản thông cáo chiến thắng; ca ngợi chiến công oanh liệt của quân dân ta, tuyên dương công trạng các quân chủng, binh chủng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân, dân quân tự vệ và đồng bào các địa phương, đặc biệt Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, đánh rất giỏi, thắng rất to!

Ngày 22-2-1989, Thống chế Mehra, Tư lệnh các lực lượng phòng không, không quân nước Cộng hòa Ấn Độ, dẫn đầu đoàn cán bộ quân sự cấp cao sang thăm Việt Nam, đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã nói: "Khi Việt Nam đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, bắn rơi nhiều pháo đài bay B-52, bắt sống nhiều phi công của đối phương, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Thủ đô của ngài, tôi thực sự kinh ngạc và vô cùng khâm phục. Tôi cho đây là một kỳ tích có một không hai của cuộc chiến tranh trên không trong thế kỷ XX. Ngài là một vị tướng của huyền thoại… Ngài sẽ mãi mãi là một vị tướng của huyền thoại"(4).

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN NINH

(1) Báo Nhân Dân số 14793 ngày 18-12-1995 bài “Trận Điện Biên Phủ trên không” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(2) Sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, NXB Chính trị Quốc gia, tháng 10-2000, trang 23.

(3) Báo Quân đội nhân dân số 16757 ngày 15-12-2007 bài “Những ngày tháng Chạp ở Tổng hành dinh” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh.

(4). Sách “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp” – Trần Trọng Trung”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 894.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-tong-tu-lenh-vo-nguyen-giap-voi-tran-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-739833