Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bậc thiên tài quân sự

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh; với tư duy sắc sảo, với bản lĩnh của người cầm quân, Đại tướng đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm 'Đánh nhanh, thắng nhanh' sang 'Đánh chắc, tiến chắc'. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh; với tư duy sắc sảo, với bản lĩnh của người cầm quân, Đại tướng đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng vào đúng ngày này cách đây 70 năm (7/5/1954 - 7/5/2024), cũng xuất phát chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng tư lệnh.

Cuối tháng 12/1953, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm của địch ở Tây Bắc. Ngày 1/1/1954, Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Kế hoạch điều động tiếp lực lên Tây Bắc được triển khai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Đây sẽ là lần đầu bộ đội ta mở một cuộc tiến công quy mô lớn vào một tập đoàn cứ điểm với một vạn quân. Cán bộ, chiến sĩ ta đã được chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm... Trận đánh sắp tới sẽ là một thử thách lớn chưa từng có đối với ta trong chiến tranh. Ta đã chọn chiến trường rừng núi là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch. Nhưng Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi. Ở đây có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với quân cơ động có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng...” (1).

Đến ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đường ra mặt trận. Trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” (2) Đại tướng trả lời: “… Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị” (3). Bác động viên: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (4). Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng nề” (5).

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất - như chính ông từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.

Ngày 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ đã đến Sở chỉ huy mặt trận. Lúc này, phía ta và cố vấn đã thống nhất dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch, bởi “đánh nhanh thắng nhanh, bộ đội đang còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất và không phải đối phó với khó khăn rất lớn về đạn dược, lương thực cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày” (6). Thời gian nổ súng dự định là ngày 20/1/1954.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, vị Chỉ huy trưởng “cảm thấy chủ chương này không ổn, muốn nghe thêm tình hình”, bởi “bộ đội còn phải mất một thời gian làm đường. Địch còn có điều kiện tăng quân. Ngay bây giờ đánh nhanh thắng nhanh đã khó. Rồi đây hẳn lại càng khó”. (7) Tuy vậy, ông vẫn ân cần căn dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Còn ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.

Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh”, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ. “Trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực trong tám năm kháng chiến đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi. Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài...” (8). Nếu chiến dịch không thắng, các đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Geneva sẽ thế nào!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ngay tại mặt trận (Hình ảnh trong cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do Nhà xuất bản Thông tấn biên soạn và xuất bản).

Sau đó, vị Chỉ huy trưởng đã có nhiều đêm thao thức, suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, nhưng “vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi”: “Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm. Nhưng đây chỉ là sự tính toán công việc phải làm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ, đảm nhiệm mũi thọc sâu, hoàn toàn giữ im lặng. Sang ngày thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa” (9).

Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch đến ngày 25/1/1954, rồi lùi thêm một ngày đến 26/1 với lý do khó khăn trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khỏe…, sáng ngày 26/1, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - đã đưa ra quyết định lịch sử của mình: Tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Trải qua vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng tán thành với sự thay đổi này và nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Trung ương.

Có thể thấy, những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch, trước hết là trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của chiến sĩ; cùng với đó là phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất, đó là bảo đảm “đánh chắc thắng”.

Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.

Triển khai kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyên chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ trên 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Trải qua hơn 100 ngày ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có việc xử lý khéo léo, kiên quyết, chính xác mối quan hệ của người đứng đầu chiến dịch với tập thể lãnh đạo mặt trận để lựa chọn cách đánh hiệu quả nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với trí tuệ uyên thâm, tinh thần tự học, tự rèn luyện bằng thực tế chiến đấu, cùng sự nhạy cảm của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn là “Danh tướng”, “một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại”, “một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử”... Ông cũng là vị tướng châu Á được phương Tây và thế giới nhắc tới nhiều nhất sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bằng sự kính nể và ngưỡng mộ sâu sắc.

Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn "Giap an assessment" đã viết: “Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

Trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài của Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B.Currey tiếp tục bày tỏ sự kính phục của mình: "Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX, và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”.

Năm 2006, “Thời báo châu Á” (Times Asia) số ra đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, đã dành một bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong loạt bài viết tôn vinh các “Anh hùng châu Á” - những nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những năm nửa cuối của thế kỷ XX. Theo Times Asia, nhờ tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch quân sự kéo dài 56 ngày đêm và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của một lực lượng kháng chiến châu Á đánh thắng quân đội thực dân trong một trận chiến quy mô và làm tiêu tan huyền thoại về sự vô địch của phương Tây thời đó.

Không chỉ báo chí châu lục, giới nghiên cứu và dư luận phương Tây và Mỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.

Trong Bách khoa toàn thư của nhiều nước, tên và hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".

Tân bách khoa toàn thư của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudôp, Napoléon... đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tập 10, tr. 493-494).

Nhà báo, nhà sử học Bernard Fall, trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại”, đã đánh giá: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954).

Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên, đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích của vị tướng chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào đã khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng những người dân đất Việt.

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.913-914
(2), (3), (4), (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr.291
(6), (7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, sđd, tr.298, 299
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, sđd, tr.914
(9) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, sđd, tr.922

Bài: Thu Hương - Hồng Nhung - Minh Duyên, Hoàng Yến (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

07/05/2024 05:55

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/dai-tuong-vo-nguyen-giap-bac-thien-tai-quan-su-20240505213423766.htm