Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức của con trai cả Võ Điện Biên

Trút bỏ bộ quân phục chiến trường, khi trở về với gia đình, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là một người cha tình cảm, hết lòng thương yêu và tôn trọng con trẻ.

Ông Võ Điện Biên chia sẻ về người cha - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - tại chương trình

Truyền cho con lòng yêu nước từ câu chuyện trận đánh năm xưa

Sáng 7/5, Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trong khuôn khổ buổi sinh hoạt chuyên đề đã diễn ra buổi giao lưu với Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Kỹ thuật quân sự, Viện Lịch sử Quân sự và ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đặt câu hỏi "Tại sao ông lại có cái tên rất đặc biệt - Điện Biên?", ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã vui vẻ chia sẻ: "Hai chị của tôi có tên Hòa Bình - Hạnh Phúc - thể hiện ước vọng và mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam mà cha tôi gửi gắm ở đó. Còn tôi có tên "Điện Biên" - gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước".

Buổi giao lưu với Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng (giữa), nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Kỹ thuật quân sự, Viện Lịch sử Quân sự và ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Võ Điện Biên cho biết, sau này mẹ ông kể lại, lúc bấy cụ cũng khá lo lắng bởi đặt tên con trùng với một sự kiện mang tính lịch sử của đất nước như vậy, liệu người con sau này lớn lên có xứng đáng với cái tên đặc biệt gắn liền với sự kiện quan trọng đó hay không? "Sau này tôi cũng biết rằng cùng lứa với tôi cũng có những người mang tên Điện Biên, chỉ có điều người ta mang họ khác không phải họ Võ như tôi", ông Võ Điện Biên chia sẻ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng huyền thoại, một nhà văn hóa lớn, là Chỉ huy trưởng Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Đại tướng đã đưa ra những phương án tác chiến quyết đoán, dũng cảm ở thời điểm vô cùng khó khăn với tinh thần "Chỉ được thắng không được bại", góp phần tạo nên một chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang - dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Nhưng khi trút bộ quân phục bụi bặm của trận mạc ra, Đại tướng lại có một chân dung khác phía sau vị tướng huyền thoại của lịch sử.

Khi mới lên 11 tuổi, Võ Điện Biên đã được cha đưa đi công tác cùng đó là chuyến công tác dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Trung. Trong những chuyến công tác ấy, ông đã hiểu ra nhiều điều về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đi qua những cây cầu huyết mạch như Gián Khuất (Ninh Bình), Hàm Rồng (Thanh Hóa), quang cảnh lúc đó hoang tàn như bề mặt sao Hỏa, lỗ chỗ hố bom, song những cây cầu thì được lực lượng phòng không bảo vệ nên vẫn kiên cường đứng vững.

Đại tướng dừng lại thăm hỏi động viên những chiến sĩ đang ngày đêm trực chiến. "Cha tôi giới thiệu cho tôi ai là người năm xưa phụ trách pháo binh, ai là người phụ trách phòng không… họ đều là những người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Và tôi hiểu rằng, nếu kháng chiến chống Pháp, chúng ta "tay không bắt giặc" thì từ trận chiến Điện Biên Phủ hay sau này là kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã là một đội quận hùng mạnh, được rèn luyện trong chiến đấu và đầy gang thép", ông Võ Điện Biên chia sẻ.

Đảng viên, công chức, người lao động Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham gia buổi giao lưu

Căn nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) ngày xưa vẫn thường đón những người bạn chiến đấu, đồng chí, đồng đội của cha ông... đến chơi. Những câu chuyện về trận mạc, thuở nằm gai nếm mật bằng một cách thật đặc biệt, đã thấm vào lòng những đứa nhỏ một cách rất tự nhiên. Cứ thế, những câu chuyện về trận đánh năm xưa cứ thấm dần, thấm dần những bài học đầu tiên về lòng yêu nước cho chị em của ông.

"Việc tốt thì cố gắng mà làm, việc xấu thì cố gắng mà tránh"

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi làm cách mạng biền biệt và cũng như tất cả những người lính lao vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng rất bận, không có thời gian dành cho gia đình - ông Võ Điện Biên nhớ lại thuở ấu thơ.

Tuy ít thời gian gần gũi con nhưng trong cách ứng xử với con, Đại tướng rất tôn trọng con nhỏ, đánh giá cao sự hiểu biết của trẻ con. "Có những chuyện mà chỉ người lớn nói với nhau, tôi không bao giờ nghĩ cha nói với mình mà cha lại nói", ông Võ Điện Biên chia sẻ. Đặc biệt, Đại tướng không bao giờ mắng mỏ, nói nặng lời với ai.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Kể về người cha của mình, ông Võ Điên Biên nói, Đại tướng không phải Phật tử nhưng rất gần gũi với Phật giáo. Trước mỗi chiến dịch hay khi có sự kiện lớn, ông thường đi vãn cảnh chùa ven Hồ Tây và các chùa lân cận…, ở đó ông lặng lẽ trầm tư, suy ngẫm hoặc làm việc.

Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo tặng quà cho 2 khách mời tham gia giao lưu

Nói về việc giáo dục con trẻ, kinh Phật dạy rất nhiều, giáo lý cũng có vô số nhưng Đại tướng chỉ cặn dặn các con một điều: "Việc tốt thì cố gắng mà làm, việc xấu thì cố gắng mà tránh".

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-hoi-uc-cua-con-trai-ca-vo-dien-bien-20240507135706219.htm