Đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc

Trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024, bên cạnh những hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động thì rất cần thay đổi cách tuyên truyền, thanh, kiểm tra, huấn luyện để đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc.

Đối thoại tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo an toàn

Tháng 5 là tháng cao điểm để Nhà nước, các cấp, ngành cùng tổ chức Công đoàn chăm lo cho đoàn viên và người lao động về vật chất, tinh thần cũng như đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động.

Trao đổi với báo chí về những hoạt động diễn ra trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho biết: "Tổng Liên đoàn có những chương trình như chăm lo sức khỏe cho người lao động; tổ chức các phong trào thi đua, cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn lao động để đoàn viên và người lao động hiểu được các quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm của DN, cơ quan quản lý Nhà nước và người lao động về việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn".

Theo bà Kim Ngân, nhìn chung các DN cũng quan tâm đến vấn đề an toàn lao động nên đã có các quy trình, quy định. Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số hạn chế; chính vì thế đã gây ra những tai nạn lao động như vừa qua. Thời điểm này cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cũng như huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo tuân thủ pháp luật của DN và các cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh kiểm tra việc đóng gói tự động tại Nhà máy Sản xuất Amonitrat Thái Bình. Ảnh: Chí Tâm.

Trong tháng 5, Công đoàn các cấp tổ chức các đối thoại, tọa đàm chuyên đề về chủ đề tăng cường công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng. Cán bộ công đoàn, những người làm công tác ATVSLĐ được học những kỹ năng và thực hành được các quy định; để khi người lao động gặp sự cố xảy ra tại nơi làm việc hay tai nạn thì có thể ứng phó và xử lý được.

Cùng với đó là tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh với công nhân lao động để đại biểu lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người lao động, sau đó truyền tải đến các kỳ họp Quốc hội và trong quá trình tham gia xây dựng luật. “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở tăng cường các đối thoại thương lượng liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và đặc biệt là những biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc” – bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Bộ LĐTB&XH tổ chức chương trình Đối thoại về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Ảnh: Trần Oanh.

Tạo điều kiện cho DN huấn luyện ATVSLĐ

Hiện nay nước ta tương đối hoàn thiện và rất tiến bộ về văn bản pháp lý thực hiện công tác ATVSLĐ. Điều đó thể hiện ở Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ, hệ thống văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quy định. Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS Nguyễn Anh Thơ đã có nhận định như vậy và cho rằng: "Qua kết quả giám sát gần đây của các cơ quan cho thấy, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ đã được tăng cường nhưng chất lượng đang có vấn đề. Chúng ta mới chỉ tuyên truyền những điều luật mà chưa nêu được những mô hình tốt, chưa xây dựng được mô hình điểm để nhân rộng".

Nhiều DN ứng dụng công nghệ kiểm soát rủi ro về an toàn lao động mang lại hiểu quả. Ảnh: Chí Tâm.

Bên cạnh đó, huấn luyện an toàn là biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ giúp cho bảo đảm an toàn của DN cũng như người lao động tự bảo vệ mình tốt hơn. Tuy nhiên, các tổ chức, cơ quan, đơn vị đào tạo huấn luyện an toàn chưa có những sản phẩm tốt để cung cấp cho DN.

Hiện nay, trách nhiệm chính của thanh tra ATVSLĐ thuộc về ngành LĐTB&XH. Ngoài ra, là cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ ở trung ương, địa phương và các ngành... Tuy nhiên, tần suất thanh tra, kiểm tra đang rất thấp, hạn chế. Cách thức thanh tra, kiểm tra tương đối cũ, mô phạm, không tiến bộ. Điều này dẫn đến có những đoàn thanh tra rất rầm rộ, thời gian dài vì kiểm tra hồ sơ, tuân thủ các quy định là chính. Trong khi thực tế đang diễn ra thế nào lại rất ít chuyên gia, thanh tra viên có kiến thức đủ đầy đủ về công nghệ, quy trình làm việc, hệ thống quản lý để sớm phát hiện ra các vi phạm, thiếu sót, cũng như cảnh báo, tư vấn; xử lý đúng người, đúng tội, đúng việc.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Optrontec. Ảnh: Chí Tâm.

Từ những thực tế trên, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cho rằng cùng với việc thay đổi công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra thì cần phải có những giải pháp tốt hơn về huấn luyện ATVSLĐ. Pháp luật lao động đã quy định rất rõ, đầy đủ và tạo điều kiện rất tốt cho DN thực hiện luấn luyện ATVSLĐ.

Vì thế, DN hoàn toàn có thể có một mạng lưới huấn luyện của mình nếu đào tạo được giảng viên tại chỗ là những cán bộ kỹ thuật, chuyên gia. Hiện nay, nhiều DN lớn đã thực hiện việc này như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên các cơ quan Nhà nước phải có chương trình hỗ trợ DN xây dựng đội ngũ giảng viên để đào tạo cho người lao động. Có như vậy mới giải được bài toán linh hoạt, chất lượng ngay tại chỗ và đáp ứng được tất cả những yêu cầu; không phải chờ đến hàng năm có tổ chức khác đến huấn luyện về ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Anh Thơ cũng nhấn mạnh đến việc chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã cần bố trí nguồn lực về ngân sách, con người để thực hiện ATVSLĐ. Bởi công tác an toàn ở địa phương là tiêu chí rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là những nhà đầu tư muốn làm ăn chân chính, lâu dài và phát triển bền vững, công nghệ cao.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-tai-noi-lam-viec.html