Dân ca, dân vũ dân tộc Lào ở Mường Và

Dân ca, dân vũ là một trong những nét văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Mường Và có 479 hộ đồng bào dân tộc Lào, sinh sống tại 3 bản Nà Khoang, Mường Và, Cáp Ven. Với dân ca Lào thường kết hợp với các nhạc cụ truyền thống và những điệu múa uyển chuyển, mang đến cho người thưởng thức những cảm nhận đặc biệt về âm thanh, luyến láy mang âm hưởng mộc mạc, giản dị. Mỗi lời hát, điệu múa gửi gắm trong đó những xúc cảm, tâm tình, là tiếng lòng của người hát, người múa.

Đội văn nghệ bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, biểu diễn dân ca Lào.

Đội văn nghệ bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, biểu diễn dân ca Lào.

Một trong những người thường xuyên biểu diễn dân ca, dân vũ Lào nhiều năm nay, bà Lò Thị Bun Chăn, bản Mường Và, chia sẻ: Dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Lào có nhiều loại hình, như lăm tơi, lăm vông, khắp mâng pi maứ (hát mừng năm mới); xe khắp khẳn (múa khăn) xe pắn phải (múa kéo sợi)... thường được biểu diễn trong dịp tết cổ truyền, tết khảu hó, lễ hội “xên bản, xên mường”, hoặc những dịp trọng đại, ngày vui của gia đình, dòng họ, thường là những bài hát, điệu múa có nội dung vui tươi, rộn ràng, người già, người trẻ đều có thể tham gia.

Đặc biệt, điệu lăm vông là sự kết hợp của múa với nhiều bài dân ca, nhạc cụ truyền thống, mang tính tập thể, đoàn kết, nên được ưa thích và phổ biến nhất. Người già, trẻ nhỏ dân tộc Lào ở Mường Và, ai cũng biết múa lăm vông; họ tự học từ những cuộc vui chung của bản, gia đình, dòng họ, chỉ cần nghe tiếng nhạc, lời hát là có thể múa theo nhịp nhàng. Lăm vông thể hiện vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của những cô gái và sự mạnh mẽ của những chàng trai dân tộc Lào.

Còn khắp Lào (hát đối đáp, giao duyên) là những lời ca được chuyển thể từ những câu thơ, một người hát và một người thổi khèn bè phụ họa. Khắp Lào gần giống với làn điệu khắp của dân tộc Thái. Câu từ trong bài khắp phong phú, nội dung bài khắp lấy ý tưởng từ chính những điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, tín ngưỡng, lời răn được thể hiện chủ yếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, trong các lễ hội, tạo không khí phấn khởi, thân tình, thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của mỗi người.

Phụ họa cho hát dân ca, có múa, trống, chiêng, đàn gỗ, thanh la... trong đó, khèn bè là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất để đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, dân vũ Lào. Khèn bè được làm từ cây nứa, gồm một tẩu thổi và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang. Những lời hát, điệu múa Lào cộng hưởng với âm nhạc lúc vang vọng, lúc dìu dặt từ tiếng khèn bè, khiến dân ca, dân vũ trở nên sinh động, hấp dẫn.

Để duy trì và phát huy giá trị của dân ca, dân vũ Lào, các bản có dân tộc Lào trong xã đều thành lập đội văn nghệ, thường xuyên tập luyện, sáng tác, biểu diễn, quảng bá trong các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức. Anh Tòng Văn Hỏa, Đội trưởng đội văn nghệ bản Cáp Ven, xã Mường Và, cho biết: Đội có 13 thành viên; chúng tôi lựa chọn những bài hát kết hợp với nhạc cụ, múa dân tộc Lào mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống để biểu diễn khi tham gia giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ các cấp. Đồng thời, động viên, khuyến khích con, cháu tham gia đội văn nghệ, nhằm truyền dạy những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng đồng bào dân tộc Lào ở Mường Và vẫn gìn giữ và truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/dan-ca-dan-vu-dan-toc-lao-o-muong-va-I4HIRB6Vg.html