Dân số 100 triệu người - thách thức và cơ hội | Hà Nội tin mỗi chiều
Dân số 100 triệu người - thách thức và cơ hội; Báo động 'đại dịch thầm lặng' giết chết 10 triệu người/năm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Dân số 100 triệu người - thách thức và cơ hội
Dân số Việt Nam đã đạt con số trên 100 triệu người. Cột mốc ấy vừa đặt ra cơ hội nhưng cũng là bài toán cần tính sao cho tận dụng được thời điểm dân số vàng, đón đầu quá trình già hóa dân số.
Chúng ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Thời kỳ này chỉ tối đa khoảng 50 năm. Việt Nam thiệt thòi hơn vì chúng ta vướng chiến tranh, tiếp đó là giai đoạn bị cấm vận cùng nhiều năm đóng cửa - mở cửa. Cùng với đó là mật độ dân số nước ta khá lớn, khoảng 300 người/km2, cũng chính là sự quá tải của dân số với tài nguyên đất, có thể dẫn đến đầu cơ, tăng giá đất. Đáng lẽ phải xây dựng chiến lược phát triển và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả từ những năm 2000 để đón đầu cơ hội, chúng ta dường như mới dừng lại ở chiến lược dân số tới 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2019, chứ chưa có chiến lược phát triển kinh tế khai thác cơ cấu dân số vàng.
Trong khoảng thời gian này, làm sao để nguồn nhân lực dồi dào tạo nên sức bật kinh tế và để chuyển thách thức thành cơ hội? Câu trả lời quay về các vấn đề giáo dục và đào tạo là cốt lõi. Bởi Theo thống kê, trong hơn 52 triệu người ở độ tuổi lao động của Việt Nam có tới 73%, tức 38 triệu người chưa qua đào tạo. Chất lượng dân số có tăng nhưng chưa cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật có việc làm còn thấp. Yêu cầu đặt ra chính là cần nâng cao chất lượng lao động cho hàng chục triệu người. Chưa kể những thách thức về mất cân bằng giới tính, tỉ lệ sinh mới không đồng đều giữa các khu vực.
Theo các chuyên gia, tận dụng thời kỳ dân số vàng để trở thành quốc gia phát triển không phải đơn giản nhưng là người đi sau, cơ hội của chúng ta có lẽ sẽ đến từ công nghệ. TS Phạm Văn Đại cho biết, 100 triệu dân là lực lượng lao động và tiêu thụ đủ để nuôi sống nền kinh tế và bây giờ là lúc dùng lợi thế của lượng để thay đổi chất. Không thể chỉ dừng ở các nhà máy lắp ráp công nghệ cao, đã đến lúc cần dành nguồn lực cho những phòng thí nghiệm, nghiên cứu cơ bản về công nghệ. Đào tạo lao động nhiều ngành nghề, kỹ thuật, kỹ năng cao là tâm điểm các giải pháp. Không để trường hợp dây chuyền sản xuất hiện đại đã có nhưng không tuyển được lao động đủ kiến thức, kỹ năng.
Không chỉ lao động trẻ tuổi, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, nếu Việt Nam tận dụng tốt hơn nguồn lao động lớn tuổi cũng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong bài toán thị trường lao động hiện nay. Hiện mới chỉ 50% người cao tuổi có thu nhập thường xuyên và trợ cấp, số còn lại có thể là gánh nặng cho hệ thống an sinh. Từ thực tế này, rất cần có chính sách tạo điều kiện cho người cao tuổi có nguyện vọng đi làm được làm việc. Chẳng hạn có thể khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động người cao tuổi ở một số vị trí đòi hỏi người có tri thức, trình độ, tư vấn dưới dạng chuyên gia nếu họ còn sức khỏe, đảm bảo năng lực qua giảm thuế, hỗ trợ chuyển dịch nghề nghiệp.
Nhìn ra thế giới, Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ và Indonesia, trong đó nổi bật là dân số lớn, đang tăng, và tỉ lệ dân số trẻ chiếm hơn 50%. Ấn Độ và Indonesia với tổng dân số vào khoảng 1,7 tỉ người, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo là sẽ phát triển nhanh nhất trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm nay và trong 5 năm tiếp theo. Theo đó, để gặt hái được thành quả từ lợi thế dân số, việc làm là một trong những bài toán lớn nhất mà Ấn Độ và Indonesia đã thực hiện. Tạo hàng triệu việc làm, và trang bị kỹ năng, kiến thức phù hợp cho chừng ấy người lao động trẻ gia nhập thị trường mỗi năm. Song song với đó, họ trang bị cho lực lượng lao động trẻ kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Năm 2021, Việt Nam xếp hạng 115 về chất lượng dân số trong tổng số 190 nước. Hai thách thức lớn nhất chính là nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực mà nếu không quyết liệt nâng chất lượng dân số sẽ khó tận dụng được nguồn lao động. Để tận dụng lợi thế của 100 triệu dân trên lộ trình phát triển bền vững, một điều quan trọng nữa là Việt Nam cần xác nhận thực tế "con người là giải pháp chứ không phải là vấn đề".
Báo động 'đại dịch thầm lặng' giết chết 10 triệu người/năm
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thời điểm 2019 có gần 1,3 triệu người tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh, đến nay con số này đã tăng lên 5 triệu người. Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi mầm bệnh tự biến đổi về mặt di truyền và không còn đáp ứng với các loại thuốc được sử dụng để chống lại chúng. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đi kèm một cái giá kinh tế khổng lồ, có thể lên tới 100.000 tỉ USD hoặc hơn vào năm 2050, do các yếu tố như chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất bị giảm, chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu.
Sự xuất hiện và lây lan của các mầm bệnh kháng thuốc, tiếp tục đe dọa khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường. Đặc biệt đáng báo động là sự lây lan nhanh chóng trên toàn cầu của vi khuẩn đa kháng, còn được gọi là "siêu vi khuẩn" gây ra các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị được bằng các loại thuốc chống vi trùng hiện có như thuốc kháng sinh.
Theo tạp chí Fortune, hiện tại các bệnh nhiễm trùng đang trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được. Báo cáo cho thấy các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc (MDR) và kháng thuốc rộng rãi (XDR), như viêm phổi, bệnh lao và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đang gia tăng nhanh chóng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm kháng kháng sinh giết chết nhiều người hơn cả HIV và sốt rét. Trên thực tế, đây là căn bệnh nguy hiểm thứ ba trên thế giới so với các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau COVID-19 và bệnh lao.
Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên theo thời gian, thường là do thay đổi gen. Các sinh vật kháng kháng sinh được tìm thấy trong người, động vật, thực phẩm, thực vật và môi trường như nước, đất và không khí. Chúng có thể lây từ người sang người hoặc giữa người và động vật, kể cả từ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Các nguyên nhân chính của tình trạng kháng thuốc kháng sinh bao gồm việc sử dụng sai cách và lạm dụng thuốc kháng sinh; thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh và vệ sinh cá nhân cho cả người và động vật; phòng chống lây nhiễm và dịch bệnh kém trong các cơ sở y tế và trang trại; khả năng tiếp cận kém với các loại thuốc, vaccine và chẩn đoán chất lượng, giá cả phải chăng; thiếu ý thức và kiến thức và thiếu sự thực thi của pháp luật.
Ngoài thuốc dành cho con người, thuốc kháng sinh được thêm vào thức ăn nông nghiệp nhằm giữ cho vật nuôi khỏe mạnh cũng vô tình thúc đẩy kháng kháng sinh. Trên thực tế, hơn một nửa số thuốc kháng sinh sản xuất ở Mỹ được sử dụng trong nông nghiệp, theo Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ.
Theo tuyên bố vào tháng 11/2023 của Tổ chức y tế thế giới - WHO, quá trình nghiên cứu lâm sàng các loại thuốc chống vi trùng mới “gần như cạn kiệt”. Bà Stella Kyriakides - Ủy viên Liên minh châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm - gọi vấn đề này là “đại dịch thầm lặng trong thời kỳ COVID-19”. Nếu không có các công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và điều trị đầy đủ các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc cũng như cải thiện khả năng tiếp cận với các loại thuốc kháng sinh hiện có, số người thất bại trong điều trị hoặc tử vong do nhiễm trùng sẽ tăng lên. Các thủ tục y tế, chẳng hạn như phẫu thuật, bao gồm sinh mổ hoặc thay khớp háng, hóa trị ung thư và cấy ghép nội tạng… sẽ trở nên nhiều rủi ro hơn.
Kháng kháng sinh là một vấn đề phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành thống nhất. Theo PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, để kiểm soát và ngăn chặn đề kháng kháng sinh cần có sự thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh. Quan trọng nhất là khâu kê toa. Có 8 nguyên tắc kê toa dành cho bác sĩ, trong đó ba nguyên tắc then chốt là chỉ kê toa kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, tối ưu hóa dược lâm sàng khi kê toa, và cần khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Thứ hai là phải biết về kháng sinh, từ phổ tác dụng, dược động học, dược lực học, khả năng thấm tới vị trí nhiễm khuẩn, tác dụng không mong muốn, độc tính, và giá thành. Yếu tố thứ ba là người bệnh. Cần nắm rõ có phải là đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận, hay những người có cơ địa dị ứng. Căn cứ vào nhiễm khuẩn của người bệnh, tiên lượng để từ đó lựa chọn kháng sinh. Bên cạnh đó, việc điều chế vaccine mới nhằm bảo vệ cộng đồng trước các tác nhân gây bệnh và giảm sự lệ thuộc vào kháng sinh.
Khi con người đang bị chậm lại trong cuộc đua với vi khuẩn, vi khuẩn đang tiến hóa ngày càng tinh vi hơn các loại kháng sinh từng được dùng để tiêu diệt nó, việc ngăn chặn đề kháng kháng sinh trở thành vấn đề bức bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng./.