Đằng sau câu chuyện nợ thuế của doanh nghiệp

Thời gian qua, dư luận trong tỉnh nhiều lần xôn xao bàn luận trước thông tin ngành thuế của tỉnh công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế hoặc bị cưỡng chế thu thuế, thậm chí có chủ doanh nghiệp bị đề nghị cấm xuất cảnh để buộc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Ai cũng biết, doanh nghiệp đến nước phải nợ thuế có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch bệnh và sự biến động kinh tế trong nước và thế giới. Trong số doanh nghiệp “được” nêu tên do nợ thuế, đúng là có doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, nhưng có doanh nghiệp khi nhắc đến nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi “vì sao họ nợ thuế cả mấy năm với số tiền khá lớn, cũng từng ấy năm họ đều phát triển kinh doanh và mở rộng sản xuất. Vậy họ có thực sự gặp khó khăn?”; hoặc doanh nghiệp cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước dù vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Được biết, trong số doanh nghiệp nợ thuế có doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản quý hiếm với quy mô tương đối lớn. Lý do họ đưa ra là sản xuất không hiệu quả, thua lỗ... Vậy là có người đặt câu hỏi, tại sao năm nào cũng báo lỗ và khó khăn trong sản xuất, nhưng hằng năm vẫn xin phép cơ quan chức năng mở rộng sản xuất, thậm chí sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước? Nếu sản xuất không có lãi thì mở rộng quy mô và tăng sản lượng làm gì? Phải chăng, lý do đưa ra để biện minh cho việc trốn thuế chỉ để cho có? Tất nhiên, việc này xảy ra dư luận sẽ lên án doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế, nhưng ở góc độ khác, dư luận cũng đặt dấu hỏi thanh tra ngành thuế chẳng nhẽ không biết? Hay vẫn còn bất cập trong việc áp dụng các giải pháp thu nộp thuế, còn kẽ hở để doanh nghiệp “lách” được để chây ỳ nộp thuế hoặc còn có nguyên nhân sâu xa nào khác?

Biết rằng, việc doanh nghiệp nợ thuế thì khó có thể không xảy ra dù ở bất cứ địa phương nào và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngành thuế nên xem xét kỹ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc nợ thuế để có phương án xử lý. Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, có doanh thu thì yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế; còn doanh nghiệp gặp khó khăn thì cần nhanh chóng hỗ trợ nhưng phải minh bạch và công bằng.

Tại Lào Cai, thời gian qua, việc cơ quan thuế thông tin rộng rãi danh sách doanh nghiệp nợ đọng thuế trên các phương tiện thông tin truyền thông và đề nghị cấm xuất cảnh với các chủ doanh nghiệp chỉ là một trong các giải pháp. Thiết nghĩ, bên cạnh hỗ trợ, song hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, cơ quan thuế cũng phải “mạnh tay” xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ bằng cách phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thậm chí đề nghị truy tố trước pháp luật, như vậy mới chấm dứt được trạng nợ kéo dài và khó khăn trong việc thu nợ thuế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366235-dang-sau-cau-chuyen-no-thue-cua-doanh-nghiep