Đánh giá việc tổ chức giao thông tại trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, đánh giá tổ chức giao thông tại khu vực trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc vừa đưa vào khai thác phục vụ dịp 30/4 - 1/5 vừa qua.

Các trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc đạt hiệu quả như thế nào kể từ dịp 30/4 - 1/5?

Thông tin từ Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa có văn bản gửi các Ban QLDA 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh về việc đảm an toàn giao thông đối với các công trình dừng nghỉ tạm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè năm 2024, các ban QLDA đã đưa vào khai thác các công trình dừng nghỉ tạm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Kết quả đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến trong dịp lễ 30/4 - 1/5.

Ngành giao thông tiếp tục đánh giá hiệu quả của các trạm dừng nghỉ tạm và có sự điều chỉnh, duy trì hoạt động trong thời gian chờ triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ chính thức.

Để tiếp tục duy trì hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình dừng nghỉ tạm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian chờ triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ chính thức, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các ban QLDA tiếp tục duy trì và bảo đảm các điều kiện để vận hành khai thác các công trình dừng nghỉ tạm.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ và các hạng mục khác có liên quan đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện khi ra, vào trạm dừng nghỉ tạm và lưu thông trên đường cao tốc (chiều dài đoạn vuốt nối ra/vào trạm, biển tốc độ tối đa cho phép, biển thông báo khoảng cách đến nơi dừng nghỉ, biển chỉ hướng rẽ vào, biển chỉ dẫn lối vào nơi dừng, vạch sơn kẻ đường phân làn, dẫn hướng…).

Các ban QLDA cũng cần phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT và các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, đánh giá phương án tổ chức giao thông tại khu vực trạm dừng nghỉ tạm; trường hợp phát sinh các bất cập chưa phù hợp với điều kiện thực tế cần có phương án xử lý kịp thời để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, Ban QLDA nếu phát hiện hành vi thông đồng, móc ngoặc, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc trong các dự án giao thông.

Nghiêm cấm hành vi 'móc ngoặc' trong các dự án giao thông

Bộ GTVT cũng có văn bản yêu cầu Thanh tra Bộ; Các Vụ, Cục thuộc Bộ; Các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ; Các Tổng công ty thuộc Bộ; Các Sở GTVT tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý.

Đặc biệt, đối với chủ đầu tư, ban QLDA, Bộ GTVT yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trong suốt quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Trong đó nghiêm cấm các hành vi: Thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.

'Móc ngoặc' được hiểu là hành vi trao đổi lén lút những quyền lợi kiếm được bằng những cách bất chính hoặc thông đồng với nhau để cùng kiếm lợi.

Trong quá trình triển khai dự án (tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhà thầu thi công,...) phải quản lý chặt chẽ từng khâu, từng bước, bảo đảm tuân thủ quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan.

Khi nghiệm thu công trình, cần theo sát hồ sơ thiết kế; trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý trong quá trình thi công; đẩy nhanh việc lập, trình hồ sơ nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định; Kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị, công tác đổ thải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.

Bộ GTVT yêu cầu nếu công trình có hư hỏng cần nhanh chóng đề xuất giải pháp sửa chữa, khắc phục và đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, đảm bảo khả năng chịu lực, tuổi thọ công trình; quá trình sửa chữa khắc phục phải được giám sát, quản lý chất lượng theo đúng các quy định.

Cuối cùng, chủ đầu tư, ban QLDA liên tục kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ điều khoản hợp đồng đã ký, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình. Người đứng đầu chủ đầu tư, ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT và pháp luật đối với dự án được giao quản lý không đáp ứng chất lượng theo yêu cầu; chậm trễ trong việc xử lý vi phạm nhà thầu theo quy định..

Nhiều khu vực trên cả nước tiếp diễn mưa dông, lốc sét và mưa đá.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/danh-gia-viec-to-chuc-giao-thong-tai-tram-dung-nghi-tam-tren-cao-toc-169240508075102576.htm