Danh hiệu chỉ là khởi đầu

Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, Việt Nam nhận tin vui khi TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Theo chuyên gia giáo dục TỐNG LIÊN ANH, đây là cơ hội để các thành phố phát huy tối đa tiềm năng và sức mạnh, vừa thụ hưởng vừa cống hiến, góp phần xây dựng xã hội học tập; song, 'danh hiệu chỉ là khởi đầu'.

Cơ hội kết nối, học hỏi, chia sẻ

- Là người đồng hành, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ và trình UNESCO, chị đón nhận thông tin này như thế nào?

Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh

Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh

- UNESCO thông báo tin này tại sự kiện trực tuyến cấp cao có chủ đề "Trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi: thành phố học tập của UNESCO thay đổi cuộc sống" ngày 14.2.2024. Sự kiện diễn ra vào đêm muộn theo giờ Australia (chị Tống Liên Anh đang sống, làm việc tại Australia - PV), nhưng tôi vẫn thức để đón tin vui cùng đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La.

Mặc dù không bất ngờ trước kết quả này, nhưng tôi thực sự vui, tự hào và xúc động. Không bất ngờ bởi quá trình đồng hành, hỗ trợ, tôi nhận thấy rất rõ quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo hai thành phố cũng như sự chỉn chu, nghiêm túc, chuyên nghiệp, cầu thị của các chuyên viên đầu mối phụ trách việc làm hồ sơ. Tôi nghĩ rằng kết quả này là hoàn toàn xứng đáng.

Tôi vui, tự hào và xúc động là vì đây là một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng xã hội học tập của TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La nói riêng, Việt Nam nói chung, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thông tin được công bố ngay trước ngày làm việc đầu tiên của năm Giáp Thìn khiến niềm vui càng được cộng hưởng, lan tỏa, với nhiều hy vọng và cơ hội mới.

- Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 5 thành phố học tập toàn cầu, trước đó là Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp, 2020 và 2022), Vinh (Nghệ An, 2020). Theo chị, việc gia nhập mạng lưới này có ý nghĩa như thế nào đối với các thành phố trong việc xây dựng xã hội học tập?

- Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu ra đời với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chính sách và học tập đồng đẳng giữa các thành phố, tăng cường quan hệ đối tác, phát triển năng lực và các công cụ để khuyến khích, ghi nhận những tiến bộ đạt được trong xây dựng thành phố học tập trên toàn cầu.

TP. Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2023

TP. Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2023

Việc gia nhập mạng lưới này mang tới cho các thành phố cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tận dụng tài nguyên quý giá từ các đối tác quốc tế để hỗ trợ xây dựng chính sách và thực hành giáo dục học tập suốt đời tại địa phương.

Có những “đặc quyền” mà chỉ khi tham gia mạng lưới này, các thành viên mới được thụ hưởng. Đó là chuỗi hoạt động, hội thảo, diễn đàn và nguồn học liệu, tài liệu cũng như những hỗ trợ khác về mặt kết nối chuyên gia, vận động chính sách… ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, do UNESCO điều phối.

Hành động cụ thể, thiết thực

- Qua quan sát của chị, 3 thành phố học tập toàn cầu trước đây của Việt Nam đã tận dụng được những “đặc quyền” chị vừa nói chưa và làm thế nào để tận dụng hiệu quả cơ hội mạng lưới này mang lại?

- Theo tôi thấy, các thành phố của Việt Nam đã bước đầu xây dựng được kế hoạch triển khai thành phố học tập, bảo đảm cơ chế báo cáo thường niên theo yêu cầu của UNESCO và tham gia vào một số hoạt động chung của mạng lưới. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ cam kết của các thành phố vẫn còn hạn chế, vì vậy, chưa thực sự tạo được chuyển biến rõ nét, đột phá.

Muốn tận dụng tối đa cơ hội mà mạng lưới này mang lại, trước hết các thành phố cần có nhận thức đúng rằng việc trở thành thành phố học tập toàn cầu của UNESCO chỉ là điểm khởi đầu. Hành trình tiếp theo mới thực sự tạo nên những thay đổi và tác động to lớn. Đây hoàn toàn không phải một giải thưởng hay danh hiệu mà các thành phố nỗ lực đạt được rồi thôi. Nếu không tập trung xây dựng và triển khai các chiến lược và chương trình hành động cụ thể, thiết thực sau khi đón nhận danh hiệu này, thì danh hiệu sẽ trở nên hữu danh vô thực.

Tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” do CLB văn hóa các dân tộc biểu diễn tại Trung tâm Học tập cộng đồng, TP. Sơn La

Tiết mục “Vũ điệu kết đoàn” do CLB văn hóa các dân tộc biểu diễn tại Trung tâm Học tập cộng đồng, TP. Sơn La

Nhận thức thứ hai cần phải có chính là sự chủ động. Ở đây không chỉ là sự chủ động đón nhận những cơ hội và lợi ích to lớn mạng lưới mang lại, mà các thành phố cũng cần chủ động đóng góp cho sự phát triển chung của toàn mạng lưới, trong tâm thế của người cống hiến, phụng sự.

Tham gia mạng lưới là cơ hội để các thành phố của Việt Nam góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu thông qua giáo dục từ cấp địa phương. Khi đóng góp tích cực, các thành phố cũng có cơ hội nhận được danh hiệu cao quý “thành phố học tập toàn cầu” tiêu biểu của UNESCO.

Như vậy, chỉ khi có nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia mạng lưới, các thành phố của Việt Nam mới có thể vừa thụ hưởng vừa cống hiến một cách hiệu quả và tích cực nhất, phát huy được tối đa tiềm năng và sức mạnh của một thành phố học tập đích thực.

Học tập suốt đời - câu chuyện của mọi người

- Nghiên cứu về giáo dục người lớn và học tập suốt đời; từng phụ trách nhiều đề án, chương trình thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, chị nhận thấy phong trào này ở Việt Nam ra sao? Chúng ta đã thực sự hiểu đầy đủ nội hàm của khái niệm “học tập suốt đời” chưa?

- Thuật ngữ “giáo dục suốt đời” (lifelong education) được UNESCO giới thiệu vào năm 1970, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về gíao dục người lớn. Khái niệm này tiếp tục được thảo luận rộng rãi vào năm 1972, trong báo cáo nổi tiếng của Edgar Faure “Học để trở thành: thế giới giáo dục hôm nay và ngày mai”. 24 năm sau đó, vào năm 1996, UNESCO phát hành một trong những báo cáo quan trọng nhất có tên gọi "Học tập: một kho báu bên trong” (báo cáo Delors), trong đó "giáo dục suốt đời" được thay thế bằng "học tập suốt đời" (lifelong learning).

Sự thay đổi này phản ánh một triết lý sâu sắc: mục đích sau cùng của tất cả thiết chế, chính sách và thực hành giáo dục là để giúp cho người học có khả năng tự học, thực học và học tập suốt đời theo nhu cầu của bản thân và yêu cầu của xã hội, của thời đại.

Nhìn nhận từ góc độ đó, chúng ta sẽ thấy học tập suốt đời không chỉ là câu chuyện của Chính phủ, của ngành giáo dục, mà còn của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân. Đó là câu chuyện của mọi người.

Tại Việt Nam, công tác xây dựng xã hội học tập ngày càng được quan tâm. Điều này thể hiện rõ nét trong Luật Giáo dục 2019, trong các đề án, chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Thời gian gần đây, chúng ta cũng thấy sự tham gia ngày càng sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị xuất bản, đặc biệt là các nhóm/tổ chức dân sự xã hội… trong phát triển văn hóa đọc và xây dựng các không gian học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Chính làn sóng mạnh mẽ này cũng đã tạo tác động ngược, giúp hoàn thiện hơn các chính sách vĩ mô về xây dựng xã hội học tập.

Tuy nhiên, giống như thành phố học tập, việc xây dựng xã hội học tập không phải là đích đến, vì vậy, không có điểm dừng. Đó là quá trình liên tục mà chính phủ đóng vai trò kiến tạo, mọi thành viên trong xã hội chung tay để xây dựng, nuôi dưỡng môi trường và văn hóa học tập suốt đời vì hạnh phúc, sự phát triển của mỗi cá nhân và sự thịnh vượng của toàn dân tộc.

- Xin cảm ơn chị!

Anh Minh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/danh-hieu-chi-la-khoi-dau-i361040/