Đào Đông Sơn 'xuống lá' đón Tết Giáp Thìn 2024

Thời điểm này, các chủ vườn tại 'thủ phủ' đào phai Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đang gấp rút thực hiện các công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, tuốt lá,... để có những cây đào đẹp, nở hoa đúng dịp Tết. Nhiều người có kinh nghiệm trong nghề trồng đào ở đây khẳng định: 'Với thời tiết thuận lợi, năm nay chắc chắn đào sẽ sai hoa, bông to, nở rộ và đẹp hơn năm ngoái'.

Thời điểm này, tại các nhà vườn đã có khách đến xem, khảo giá, đặt cọc trước.

Thời điểm này, tại các nhà vườn đã có khách đến xem, khảo giá, đặt cọc trước.

Hiện đang là thời điểm quan trọng, có tính quyết định để các nhà vườn chăm sóc, xử lý giúp cây đào có thể nở hoa đẹp nhất vào đúng dịp Tết. Trên các đồi hay vườn nhà, cùng với lao động chính trong gia đình, nhiều nhà vườn còn thuê thêm nhân công đánh bầu, hãm rễ, tỉa cành, tuốt lá...

Có kinh nghiệm trồng đào hơn 20 năm nay, ông Phạm Xuân Thủy (thôn 6, xã Đông Sơn) nắm rõ cung thời gian tuốt lá để đào ra hoa đúng dịp Tết. Ông Thủy cho biết: Công đoạn tuốt lá giúp cho cây đào tập trung dinh dưỡng, đảm bảo nụ ra nhiều, ra đồng loạt. Thông thường phải tuốt lá trước Tết khoảng 45 ngày. Đó là công thức chung nhưng thời tiết mỗi năm một khác nên phải căn cứ vào tình hình thực tế để căn chỉnh phù hợp. Ngoài ra, còn tùy vào độ tuổi của đào, đào già to thì tuốt muộn hơn đào bé, non vì đào già thường ra hoa sớm hơn đào non.

Theo ông Thủy, trên cùng một cây đào, những cành non, nhỏ sẽ được tuốt lá trước những cành đào to già như vậy mới đảm bảo cho cây ra hoa đồng loạt.

Cũng theo ông Thủy, năm nay rét muộn nên việc tuốt lá cũng sẽ tiến hành muộn hơn, gia đình ông đang tập trung tỉa, loại bỏ cành dăm, khô, đồng thời chăm sóc, bón thúc đợt cuối để cây nuôi mắt, nuôi nụ. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nên nhiều năm nay ông Thủy luôn có những cây đào đẹp nở hoa đúng dịp Tết. Với 2 mẫu đào, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng.

Sở hữu hơn 1.500 m2 đất với hàng trăm gốc đào, những ngày này anh Phạm Duy Đức (thôn 9, xã Đông Sơn) luôn chân luôn tay từ sáng tới tối không hết việc.

Anh Đức chia sẻ: Chăm sóc đào là việc phải làm quanh năm. Ngay sau Tết đã phải làm đất, bón phân, tỉa cành, sau đó tháng 7, tháng 8 Âm lịch lại bón thúc một lần nữa. Tuy nhiên, tất bật nhất là từ tháng 10 đến hết tháng Chạp, đây là quãng thời gian quyết định đào có nhiều nụ, ra hoa đúng dịp Tết hay không. Cả một năm lao động vất vả phụ thuộc hết vào giai đoạn này, do vậy đòi hỏi sự cẩn trọng, tính toán rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh việc điều chỉnh cho hoa ra đúng dịp Tết thì việc cắt tỉa, tạo thế, dáng cho cây đào cũng là một trong những khâu quan trọng giúp nâng cao giá trị của cây đào. Những năm gần đây, người trồng đào ở Đông Sơn đã tích cực học hỏi, nâng cao tay nghề, tạo được nhiều cây đào có dáng đẹp, được khách hàng ưa chuộng.

Chuyên trồng đào thế lâu năm, anh Nguyễn Văn Toản, thôn 5, xã Đông Sơn cho biết: Muốn có dáng cây đẹp phải uốn tỉa theo chuẩn mực và tùy vào gốc cây để tạo thế. Thế đào càng phức tạp, càng tốn nhiều thời gian và công phu sẽ có giá trị càng cao. Năm nay, ngoài 250 gốc đào thế lâu năm (5-10 năm), để đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân, gia đình còn cho ra mắt thêm sản phẩm mới đó là mận trắng.

Anh Toản khẳng định, năm nay thời tiết thuận, mưa rải đều, cây đào sinh trưởng, phát triển thuận lợi, hơn nữa là năm nhuận nên mắt đào có thời gian ngủ dài hơn, chắc chắn đào sẽ sai hoa, bông to, nở rộ và đẹp hơn năm ngoái.

Nghề trồng đào đã gắn bó với người dân xã Đông Sơn nhiều thập kỷ, cây đào giờ đây không chỉ là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn trở thành loại cây biểu trưng cho vùng đất Tam Điệp. Không giống như đào ở các vùng khác, đào phai trồng tại đây có vẻ đẹp tự nhiên, cành lá thanh thoát, nhiều lộc, cánh hoa to, màu phớt hồng nên được nhiều người ưa thích, lựa chọn để chơi Tết. Hiện, toàn xã Đông Sơn có 10 làng nghề trồng đào phai với khoảng 800 hộ làm nghề, diện tích khoảng 100 ha.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dao-dong-son-xuong-la-don-tet-giap-thin-2024/d20231207084716849.htm