Dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ qua những hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, được tham quan các hình ảnh, hiện vật ghi dấu những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi mới cảm nhận hết được những chiến công hào hùng, sức sáng tạo phi thường của những người con Thanh Hóa đã góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.
Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc trong chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa đang được trưng bày một cách trang trọng tại phòng trưng bày, Bảo tàng tỉnh. Qua lời kể của thuyết minh viên, chúng tôi như được sống lại một thời kháng chiến hào hùng của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Khi ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng nghìn thanh niên và dân công Thanh Hóa đã xung phong lên đường phục vụ chiến trường. Cùng với thu gom lương thực, thực phẩm, Thanh Hóa còn kêu gọi mọi người góp tiền của, góp xe và tiến cử con em mình tham gia đoàn xe đạp thồ để vận chuyển các nhu yếu phẩm tiếp tế cho bộ đội.
Trong điều kiện việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho mặt trận xa hàng trăm km, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, dưới sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, để chở được nhiều hàng hóa dân công, bộ đội thường phải buộc thêm vào ghi-đông một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe; buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng xe, vừa đẩy xe đi; tăng độ cứng của khung xe bằng cách hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ; dùng vải, quần áo cũ, săm cũ... để “gia cố”, tăng độ bền của săm. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thế nhưng hàng chục nghìn dân công, thanh niên Thanh Hóa đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm băng rừng, trèo đèo, lội suối và nỗ lực để đưa những chuyến hàng tới chiến trường. Mọi người còn cổ vũ nhau phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng từ 150 đến 200kg/chuyến xe, lên 300kg và nhiều hơn nữa. Trong số các chuyến xe đạp thồ vận chuyển các nhu yếu phẩm thì xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc chở được 345,5kg/chuyến, đã ghi kỷ lục chở nặng nhất bằng xe đạp thồ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, và ông cũng được gọi là “nhà vô địch xe thồ hàng”.
Những chiếc xe đạp thồ hết sức thô sơ, đơn giản thế nhưng lại góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Bởi vậy, cho đến hôm nay, dù đã mấy chục năm trôi qua, thế nhưng câu chuyện và hình ảnh về những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn sống mãi với thời gian và được các thế hệ đi sau biết đến như một “huyền thoại”. Thứ “vũ khí đặc biệt” ấy đã đánh bại sức mạnh của thực dân xâm lược với hàng vạn vũ khí tối tân để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, như lời của cựu Đại tá không quân Pháp GiUyn Roa đã từng nói “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục giao lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ đứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng tướng Na-Va, mà chính là những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200 - 300kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông”. Và chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, hiện đang được lưu giữ, trưng bày như một “báu vật” tại Bảo tàng tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ đi sau.
Ngoài chiếc xe đạp thồ, tại Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ, trưng bày khá nhiều hình ảnh và các kỷ vật của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là, bộ sưu tập quân trang, quân dụng của chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm: mũ, đôi dép, xà cột (túi đựng tài liệu) của ông Hoàng Thanh Bằng, Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ đoàn dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa sử dụng trong thời gian tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; khăn mặt của ông Trịnh Đình Long, xã Đông Minh (Đông Sơn), sử dụng trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ...; bộ sưu tập giấy khen, giấy chứng nhận của các chiến sĩ dân công Thanh Hóa tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; bức ảnh các chiến sĩ Thanh Hóa trên đường hành quân bao vây Điện Biên Phủ...
Các tài liệu, hiện vật, kỷ vật như một phần máu thịt của những chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đây cũng là những kỷ niệm thiêng liêng trong đời quân ngũ. Trải qua năm tháng giữ gìn, nâng niu, các tập thể, cá nhân, các gia đình, các cựu chiến binh đã tự nguyện hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh những báu vật đó để trưng bày, giới thiệu đến đông đảo các thế hệ mai sau. Dù biết bao năm tháng trôi qua, nhưng các tài liệu, hiện vật, kỷ vật được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh vẫn như những kỷ vật biết nói, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa kết nối quá khứ và tương lai.
Theo thống kê, trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số 178.924 lượt người và 27 triệu ngày công; cùng với hàng vạn xe đạp thồ, hàng ngàn thuyền nan, thuyền ván... Đây là những đóng góp hết sức to lớn và quý báu góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh ấy, trong dịp về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.