Dấu ấn 'địa chỉ đỏ' về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có rất nhiều di tích còn lưu dấu những khoảng thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo thời gian, các cơ quan quản lý những “địa chỉ đỏ” này đã có nhiều cách làm đổi mới, để lại dấu ấn với người dân và du khách khi đến tham quan, trải nghiệm, học tập.

Du khách tham quan Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Hoàng Vũ

Du khách tham quan Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Hoàng Vũ

Những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách

Những ngày tháng 5 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), rất nhiều đoàn du khách, học sinh đến tham quan Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). Đây là nơi Người đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19-12-1946.

Là một du khách tham quan tại đây, chị Nguyễn Mai Hoa chia sẻ: “Các không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý giá. Vì thế, tôi đưa các con đến đây để học lịch sử qua thực tế, từ đó có ý thức rèn luyện, học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Bác”.

Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), trước kia ngôi nhà này thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Dương. Ngôi nhà đã được gia đình ông Dương tặng lại Nhà nước để làm nơi trưng bày, giới thiệu tư liệu lịch sử, cách mạng và được xếp hạng Di tích quốc gia từ ngày 21-2-1975.

Trong khi đó, Di tích quốc gia Nhà số 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, hằng ngày cũng đón tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Trong tháng 5, lượng khách đến với di tích tăng cao. Anh Andrew Upton, một du khách người Anh đã dành nhiều thời gian chiêm ngưỡng những bức ảnh lịch sử và hiện vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà này, bày tỏ: Những hiện vật mộc mạc như chiếc giường, tủ đựng tài liệu cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị, khoa học và chỉn chu. Khi xem những bức ảnh tư liệu, tôi hiểu hơn về lịch sử đầy gian khó và kiên cường của đất nước các bạn.

Trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều di tích lịch sử lưu dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc, đã trở thành di sản thu hút du khách, như: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi Bác sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (từ năm 1954 đến 1969); di tích nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), là nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945; di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất); di tích chùa Một Mái và Nhà lưu niệm Bác Hồ (huyện Quốc Oai)... Đặc biệt, Khu di tích K9 (huyện Ba Vì) được rất nhiều du khách tìm đến. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương làm việc trong giai đoạn chiến tranh, từ năm 1960 đến 1969, và là nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm 1969 đến 1975.

Đổi mới để hấp dẫn hơn

Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết, phần lớn các di tích gắn bó với quãng thời gian hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được xếp hạng là Di tích quốc gia hoặc Di tích quốc gia đặc biệt nên được bảo tồn đúng quy trình. Các hiện vật, tài liệu được bảo quản, trưng bày theo quy định. Thời gian gần đây, để thu hút được nhiều người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, học tập, các đơn vị quản lý di tích đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Điển hình như Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) được tu bổ, tôn tạo mở rộng thêm không gian trưng bày và khuôn viên trên tinh thần giữ nguyên kiến trúc gốc. Ngoài ra, di tích còn có một phần trưng bày, giới thiệu lịch sử, nét đẹp truyền thống của làng lụa Vạn Phúc. Hiện nay, di tích là một trong những điểm đến hấp dẫn, kết nối du khách trải nghiệm tại làng lụa Vạn Phúc.

Địa chỉ 48 Hàng Ngang có kết cấu 3 tầng, hiện được giữ nguyên trạng. Các hiện vật bên trong ngôi nhà như chiếc giường Bác Hồ nằm nghỉ, căn phòng làm việc, chiếc bàn Bác viết Tuyên ngôn độc lập được giữ nguyên vẹn. Để tăng sức hấp dẫn cho du khách, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội thường xuyên thay đổi nội dung, hình ảnh trưng bày theo chuyên đề.

Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, hoạt động tại các di tích luôn có sự đổi mới về hình thức, nội dung trưng bày theo từng giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào hoạt động quản lý tại các di tích cũng giúp tăng trải nghiệm cho du khách.

Năm nay, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại các di tích gắn với từng giai đoạn hoạt động, làm việc của Bác trên địa bàn Thủ đô đều có những hoạt động ý nghĩa để người dân và du khách tới tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng, nhớ về nguồn cội, qua đó thêm yêu và tự hào về Bác Hồ kính yêu và lịch sử dân tộc ta.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dau-an-dia-chi-do-ve-chu-tich-ho-chi-minh-666762.html