Đấu kiếm nỗ lực cho cơ hội cuối dự Olympic 2024
Không thể lặp lại thành tích giành 4 vé dự Olympic như ở kỳ Olympic 2016 nhưng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng đang nỗ lực chơi 'tất tay' để hy vọng giành ít nhất 1 vé dự Olympic 2024.
Chọn đường khó để đi
Trong hai cách giành vé dự Olympic ở môn đấu kiếm, cách giành vé thông qua thi đấu liên tục ở các giải tích điểm của Liên đoàn Đấu kiếm thế giới nhằm có thứ hạng thuận lợi trên bảng xếp hạng khi xét vé dự Olympic được xem là dễ dàng hơn so với thực lực của đấu kiếm Việt Nam. Đơn giản vì đấu kiếm Việt Nam có con người để có thể thực hiện mục tiêu trên. Nếu cần chỉ ra ngay ra cái tên đáp ứng tiêu chí này thì Vũ Thành An ở nội dung kiếm chém sẽ được nhắc đến đầu tiên.
Nhưng cái khó lại nằm ở nguồn kinh phí để VĐV có thể đi thi đấu quốc tế, đặc biệt các giải đấu lại diễn ra ở nhiều châu lục, thay vì chỉ ở châu Á. Theo ước tính, để đáp ứng yêu cầu này cũng phải cần đến vài chục nghìn USD. Không kể, thời gian thực hiện thủ tục đi thi đấu nước ngoài với các VĐV Hà Nội, vốn là nòng cốt của đội tuyển quốc gia, cũng luôn là vấn đề với các nhà quản lý bộ môn.
Trong khi đó, việc thực hiện thi đấu tại vòng loại Olympic khu vực châu Á được xem là ít tốn kém hơn so với giải pháp đưa VĐV đi thi đấu quốc tế liên tục để tích điểm. Hình thức này khiến những VĐV ít thi đấu quốc tế cũng có thể tranh vé dự Olympic. Thế nhưng sự cạnh tranh ở giải đấu kiểu này mỗi mùa mỗi khác. Như 2 kỳ Olympic trước đây, ở vòng loại khu vực châu Á chọn 2 vị trí đứng đầu mỗi nội dung dự Olympic.
Nhưng đến Olympic Tokyo 2020, đã có quy định chỉ kiếm thủ đứng đầu mỗi nội dung mới giành vé tham dự. Cũng phải kể thêm, trình độ các VĐV đấu kiếm châu lục đã tăng đáng kể do được thi đấu quốc tế liên tục. Nếu VĐV ít thi đấu quốc tế thì khó có cơ hội tranh vé. Và như người trong nghề thường nói về các VĐV này thì họ chỉ có cơ hội tranh vé “trên giấy”. Còn nếu không, cũng phải thuộc diện “siêu nhân”, “xuất chúng” thì mới có thể lấy vé từ vòng loại châu lục, kể cả khi vòng loại này không có những kiếm thủ mạnh nhất do họ đã giành vé dự Olympic thông qua xếp hạng thế giới.
Đến lúc này, việc giành vé thông qua vị trí trên bảng xếp hạng thế giới với các kiếm thủ Việt Nam đã hoàn toàn khép lại. Giờ đây, các kiếm thủ chỉ có thể trông vào vòng tranh vé dự Olympic 2024 khu vực châu Á vào tháng 4 tới. Nói như người trong nghề thì đấu kiếm Việt Nam đã chọn cách đi khó thay vì cách đi dễ dàng hơn dù tốn kém hơn. Cũng phải kể thêm, trước Olympic Tokyo 2020, đấu kiếm Việt Nam cũng từng thất bại tại vòng loại Olympic khu vực châu Á sau khi không thể giành vé thông qua vị trí trên bảng xếp hạng thế giới.
Cũng không ngẫu nhiên khi nhắc đến mục tiêu giành 12-15 vé trực tiếp tham dự Olympic 2024, ngành Thể thao đã không đưa môn đấu kiếm lên hàng đầu. Trong khi đó, vài năm trước, đấu kiếm luôn được xem như một trong những môn có khả năng giành vé dự trực tiếp dự Olympic.
“Tất tay” để giành vé dự Olympic
Theo tính toán của HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, đến lúc này, những VĐV hàng đầu châu Á ở từng nội dung thi đấu đã giành vé dự Olympic 2024. Cơ hội lúc này được trao cho những VĐV “hạng hai” ở châu lục trong đó có Việt Nam, Kazakhstan, Hong Kong (Trung Quốc)… Tóm lại, mỗi nội dung sẽ có khoảng 5-6 VĐV mạnh như nhau có thể tranh vé dự Olympic 2024. Như thế cũng để thấy sự cạnh tranh ở vòng loại Olympic khu vực châu Á cũng rất lớn, thậm chí có thể coi là khốc liệt.
Cho nên, nếu không đầu tư ngay từ khâu tập huấn, chuẩn bị mà chỉ đợi đến gần ngày thi đấu mới “xách kiếm lên đường” thì khó nói tới cơ hội tranh vé. Nếu muốn có quá trình chuẩn bị thực sự như mong muốn thì sẽ là dự 1-2 giải ở châu Âu rồi tập huấn một thời gian ở đây, sau đó lại là một đợt tập huấn khác ở Trung Quốc trước khi lên đường dự giải.
Lúc này, việc mong muốn có thêm nguồn kinh phí từ phía Cục TDTT để thực hiện được khâu chuẩn bị trên cũng khó xảy ra do yêu cầu phải đăng ký chỉ tiêu giành vé dự Olympic 2024. Chỉ tiêu này thực sự là bài toán khó khi người trong cuộc cũng không chắc chắn về cơ hội giành vé hay hiểu cách khác là VĐV Việt Nam cũng “chấp chới” ở sân chơi này. Theo kế hoạch, có 6 kiếm thủ (5 của Hà Nội, 1 của TP Hồ Chí Minh) sẽ dự giải lần này. Trong số này, Vũ Thành An (kiếm chém) hay Nguyễn Minh Quang (kiếm liễu) đang được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện dù so với mặt bằng chung ở châu lục cũng không có chênh lệch đáng kể.
Vì thế người làm chuyên môn cũng đang trông vào các động thái tiếp theo từ bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) trong sử dụng nguồn kinh phí được cấp cho thi đấu quốc tế trong năm 2024 cho lần thi đấu được xem là quan trọng nhất năm của môn đấu kiếm này. Về phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cũng đã sẵn sàng chung tay theo hướng “tất tay” với Cục TDTT để chuẩn bị cho lần thi đấu này từ trang thiết bị phục vụ tập luyện đến kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế. Gần đây, để hỗ trợ cho các VĐV tập thể lực tại địa điểm tập luyện ở trung tâm, phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cũng sắm ngay một số xe đạp tập trong nhà…
Cũng phải kể thêm rằng động lực thi đấu của các VĐV, nhất là VĐV Hà Nội đang rất cao khi theo Nghị quyết mới đây của HĐND thành phố, VĐV giành vé dự Olympic sẽ nhận hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng cho đến chu kỳ Olympic sau. Đó cũng là cơ sở để nhà quản lý hy vọng các VĐV chuyên tâm tập luyện, chuẩn bị dù cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần.
Đã vắng mặt ở Olympic Tokyo 2020, đương nhiên đấu kiếm Việt Nam không muốn lỡ hẹn ở Olympic Paris 2024. Nhưng không muốn lỡ hẹn là một chuyện, còn mà được như mong muốn hay không lại là chuyện khác.