Đâu là giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo?

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo năm 2023 được tổ chức tại TP Đà Nẵng từ ngày 12 đến 14-9, Ban tổ chức Hội chợ triển lãm đã tổ chức Hội thảo về 'Kết nối công nghiệp hỗ trợ' thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hội, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia trên lĩnh vực công nghiệp này.

Sản xuất vi mạch và bo mạch điện tử ở Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Trungnam EMS tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Sản xuất vi mạch và bo mạch điện tử ở Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Trungnam EMS tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Những tồn tại, hạn chế

Chia sẻ tại hội thảo này, ông Đỗ Hữu Hào – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ 88%; ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp khoảng 16% GDP... Dù là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đến sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước và có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp trên lĩnh vực này của nước ta có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới sản xuất. Trình độ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về chế biến chế tạo còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo chưa phong phú, chất lượng chưa cao.

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hệ thống chính sách và pháp luật cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo hiện còn một số hạn chế bất cập. Đơn cử như hiện chưa có một bộ luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo; các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và các phân ngành công nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém; các chính sách định hướng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp này nói riêng chưa phát huy được nhiều hiệu quả… Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo nước ta còn có những hạn chế chung của ngành công nghiệp cả nước, đó là nội lực của nền công nghiệp còn yếu, thiếu cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế…

Tiếp tục có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư

Để lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam trong thời gian đến phát triển tương xứng với tiềm năng, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị, chuỗi cúng ứng toàn cầu, theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật cho phát triển lĩnh vực công nghiệp này, trong đó, cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn như: cơ khí, phụ tùng ô-tô, dệt may, da giày, điện tử, v.v… Bên cạnh đó, Chủ tịch Tổng Hội Cơ khí Việt Nam Đỗ Hữu Hào cho rằng cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; bố trí nguồn lực phù hợp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; nâng cao vị trí, vai trò và năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; tập trung thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, thúc đẩy khoa học – công nghệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên để phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia; phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo trong nước...

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, ông Võ Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương Quảng Nam), cho biết là nhờ địa phương này đã đề ra những chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp này, trong đó, ưu tiên thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đặc biệt là có các chính sách ưu đãi để thu hút các đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo mà thành công nhất là Khu liên hợp công nghiệp sản xuất, lắp ráp, chế tạo ô-tô và phụ tùng, phụ kiện ô-tô Trường Hải tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam).

PHÚ NAM

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nước ta đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dau-la-giai-phap-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-va-che-bien-che-tao-post283378.html