Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng về chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Trong những năm qua, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình Biển Đông và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện âm mưu, thủ đoạn 'diễn biến hòa bình' đối với Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

Thứ nhất, xuyên tạc Việt Nam nhu nhược, làm ngơ trước những vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Các đối tượng thù địch, phản động lợi dụng những sự kiện như: tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp năm 2011 và 2012; dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông năm 2014; Mỹ và các nước đồng minh ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông; sự cố môi trường do Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung; nước ngoài triển khai trên thực địa, tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện ý đồ kiểm soát, hiện thực hóa các yêu sách phi pháp tại Biển Đông; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; các tàu công vụ của nước ngoài tiếp tục kiểm soát, ngăn cản, xua đuổi, khống chế, thu giữ hải sản và ngư cụ của các tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Indonesia; tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép hải sản ở vùng biển của quốc gia khác, bị lực lượng quản lý biển của các nước bắt giữ, xử lý… để tung ra các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; gây hoang mang dư luận, đánh lạc hướng dư luận; “tung hỏa mù” hòng “che mắt” và gây mất niềm tin trong nhân dân. Chúng tung ra những “khẩu hiệu” sặc mùi gây hấn và kích động nhằm ý đồ - mục đích: kêu gọi những người nhẹ dạ, thiếu chín chắn, bất mãn tham gia biểu tình, gây rối nhằm tạo sự chia rẽ, bất ổn trong nước cũng như làm phức tạp mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực; sâu xa hơn là hô hào biểu tình gây bạo loạn lật đổ...

Thứ hai, vừa xuyên tạc vừa “khuyến cáo” Việt Nam “bài Trung, thân Mỹ” hòng gây bất ổn chính trị, mất đoàn kết trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chúng lấy cớ việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc để tái diễn nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; cổ súy cho việc “bài Trung, thân Mỹ” hòng gây mất ổn định, mất đoàn kết trong nước và quốc tế làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Cùng với đó, chúng tung ra các bài viết, bình luận, phỏng vấn của những “chuyên gia” từ hải ngoại với những “luận điểm trọng tâm” là phê phán Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói mình” vì tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh Việt Nam hiện nay quá yếu, không thể “ba không, bốn không” mà xoay xở được. Vì thế, chỉ có “một viễn cảnh tươi đẹp” cho Việt Nam là cần phải liên minh với Mỹ để “giữ được chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”(!)…

Thứ ba, lợi dụng vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo để xuyên tạc, gắn với những vấn đề chính trị khác như công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc; các “mật ước bán nước”...

Chúng “dựng chuyện” trên một số nền tảng mạng xã hội như Youtube, rêu rao rằng một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam “im lặng” “thỏa hiệp” với nước ngoài để đổi lấy vị trí cao trong Đảng; chúng tìm mọi cách kích động nhân dân “hãy lên tiếng”, “hãy tham gia biểu tình”, “hãy tẩy chay Trung Quốc”...

Thứ tư, tối ưu hóa,đa dạng hóa các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, phản động trên không gian mạng.

Cùng với tăng cường các nội dung xuyên tạc, chống phá trên các cơ quan báo chí hải ngoại lâu nay vẫn đưa tin tức thiếu thiện chí về Việt Nam như: BBC, RFA, VOA, RFI.... các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên” cùng những hội nhóm trá hình trong nước như “Lập Quyền Dân”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Tập hợp Quốc dân Việt”… đã không ngừng duy trì và phát triển các website, tăng cường đưa ra những thông tin bịa đặt, bình luận bát nháo, hình ảnh cắt ghép... để xuyên tạc về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. “Cộng hưởng” với những giọng điệu chống phá đó là những tài khoản mạng xã hội trở thành những “trợ thủ đắc lực” trong tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, vi pham pháp luật Việt Nam.

Nhiều website phản động, chống phá Việt Nam được “nuôi dưỡng” khá mạnh về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia bảo mật riêng.Vì thế, “việc của chúng” chỉ làra sứctung tin, phát tán các “tài liệu” xuyên tạc tình hình biển, đảo; thủ đoạn quen thuộc của chúng vẫn là lợi dụng, tranh thủ những “điểm nóng” trên Biển Đông để “nhai đi nhai lại” các giọng điệu bóp méo, bịa đặt, ngụy tạo về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo...

Thứ năm, thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách móc nối, cấu kết với một số cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất; lôi kéo, mua chuộc, tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong...

Đối tượng chúng hướng đến để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc là các tầng lớp nhân dân, nhưng trọng tâm, trọng điểm là giới trẻ để tạo lập lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước. Dưới danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “yêu nước”,... các đối tượng ở nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước tìm cách hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp. Trong đó, các thế lực bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn tìm cách tiếp cận, mua chuộc cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đang làm việc trong các bộ phận trọng yếu, cơ mật để cung cấp tài liệu, thông tin bí mật quốc gia cho chúng sử dụng chống phá Việt Nam.

LUẬN CỨ TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc là cuộc chiến lâu dài.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc là cuộc chiến lâu dài.

Một là, thực tế đã chứng minh rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”(1).

Vì thế, cần khẳng định rằng, Việt Nam thường xuyên lên tiếng hoặc lên án đối với các hành vi, hoạt động xâm lấn trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực; phản đối công khai, rộng rãi và vận động dư luận quốc tế, sự ủng hộ của các nước; tăng cường trao đổi, tích cực đối thoại song phương. Trong một số trường hợp, Việt Nam đã gửi Công hàm phản đối, bày tỏ lập trường rõ ràng, nhất quán của Việt Nam...

Trước sau như một, chủ trương giải quyết của Việt Nam là: “Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước. Việt Nam mong các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.

Hai là, Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Với việc thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X), ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, lần đầu tiên chúng ta có một Chiến lược biển toàn diện, tầm nhìn rộng, bao quát cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, môi trường... Cùng với đó, Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như: Bộ Luật Hàng hải năm 1991; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; Luật Dầu khí năm 1993; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997; Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 1998; Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015...

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW vềChiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định các mục tiêu tổng quát như: đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương...

Ba là, Việt Nam luôn ý thức rất rõ, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay, phải luôn tự chủ, độc lập, tự cường, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứ không thể chỉ dựa vào việc liên minh quân sự với một cường quốc.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ chủ trương: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Đảng ta cũng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Theo đó, phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp trên Biển Đông, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác.

Bốn là, trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị không ngừng điều chỉnh, tăng cường, bổ sung các giải pháp hiệu quả, phù hợp hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển cũng như loại bỏ các thông tin xấu độc, chống phá. Xác định binh chủng thông tin - tuyên truyền là một trong những mũi nhọn xung kích, cùng với các binh chủng khác giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo an ninh quốc gia - dân tộc.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin - tuyên truyền, chú trọng hơn nữa đến công tác thông tin đối ngoại, trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: 1) Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 2) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, minh bạch các chính sách, chính xác hóa và cụ thể hóa thông tin về tình hình biển, đảo của Việt Nam. 3) Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, tăng cường bảo đảm an ninh mạng và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tăng cường rà quét, bóc gỡ, ngăn chặn những thông tin xấu độc về tình hình biển Đông nói chung và vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng.../.

TS. NGUYỄN THỊ THU HÀ
Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị Khu vực I
ThS. NGUYỄN THỊ NGA
Ban Tuyên giáo Trung ương

________________

(1) Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2014 tr.8, 13.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-xuyen-tac-tren-khong-gian-mang-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-154155