Đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến chất lượng dạy và học. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua cùng với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đặc biệt quan tâm đầu tư CSVC cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
Một giờ học tại phòng học thông minh của cô, trò Trường THCS Thiệu Đô (Thiệu Hóa).
Để đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm 2022 Trường THCS Thiệu Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đã được ngành giáo dục, chính quyền địa phương đầu tư 1 phòng học thông minh với nhiều trang thiết bị hữu ích như màn hình tương tác cỡ lớn, máy vi tính, hệ thống âm thanh, bàn ghế đạt chuẩn...
Thầy giáo Vũ Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Đô cho biết: Việc đầu tư phòng học thông minh là yêu cầu thiết yếu nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Ngoài phòng học thông minh, bằng nguồn xã hội hóa, đầu năm học 2023-2024 nhà trường đã mua bổ sung thêm 10 bộ máy vi tính cho phòng tin học; 48 bộ bàn ghế mới đạt chuẩn, 2 ti vi màn hình lớn cho các phòng học. Hiện 100% phòng học của nhà trường đều được lắp ti vi màn hình cỡ lớn có kết nối mạng wifi đáp ứng nhu cầu dạy và học trên nền tảng công nghệ thông tin của cả thầy và trò...
Được biết, để duy trì và hoàn thiện các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định cũng như đáp ứng hoạt động dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng và ban hành đề án hỗ trợ đầu tư củng cố, nâng cấp CSVC trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đầu tư khoảng 246,77 tỷ đồng để nâng cấp, bổ sung phòng học các loại, bổ sung hệ thống sân chơi, nhà luyện tập, trang thiết bị giáo dục cho các nhà trường. Thực hiện đề án này, các trường học trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã và đang được đầu tư nhiều hạng mục giáo dục quan trọng, như: Trường Mầm non Thiệu Thành được đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ và phòng học chức năng với kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng; Trường Tiểu học Thiệu Giang được đầu tư xây mới nhà hiệu bộ và các phòng học chức năng với kinh phí 10,6 tỷ đồng; Trường Tiểu học và THCS Thiệu Giao xây mới 8 phòng học chức năng với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng...
Cũng như huyện Thiệu Hóa, từ chủ trương đổi mới giáo dục, nhiều địa phương khác như huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Yên Định, TP Thanh Hóa... mỗi năm chính quyền địa phương đều dành một nguồn kinh phí nhất định từ ngân sách để đầu tư CSVC, trang thiết bị giáo dục cho các nhà trường. Nhiệm vụ này được các địa phương gắn với phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nguồn lực đầu tư CSVC trường, lớp học trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư CSVC cho ngành giáo dục và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ví như chương trình đầu tư CSVC, trang thiết bị giai đoạn 2021-2025 cho các trường THPT, THCS&THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025; Dự án mua sắm trang thiết bị triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”...
Trong học kỳ I năm học 2023-2024 này, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương triển khai các dự án đầu tư CSVC, thiết bị dạy học cho các trường học từ cấp mầm non đến THCS trong toàn tỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nguồn kinh phí khoảng 502 tỷ đồng. Hiện ngành đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng cường CSVC cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh các năm 2024, 2025 cho 32 trường với tổng kinh phí dự kiến khoảng 515 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, quan điểm của ngành trong đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị là phải phù hợp với chương trình học, với từng địa phương cũng như nhu cầu của mỗi nhà trường, tránh lãng phí và bất cập trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua ngành giáo dục, chính quyền các địa phương không ngừng khuyến khích, huy động các nguồn lực, nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nhà đầu tư dưới nhiều hình thức như góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng... để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư CSVC cho giáo dục. Hiện, các trường học trên địa bàn tỉnh phần lớn có khuôn viên xanh, sạch, đẹp hướng đến hiện đại. Thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn tỉnh đã đạt 90,09%. Hết học kỳ I năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 1.686/1.981 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,11%. Trong đó cấp mầm non có 575/676 trường (đạt tỷ lệ 85,06%); tiểu học 534/594 trường (đạt tỷ lệ 89,90%); THCS 519/609 trường (đạt tỷ lệ 85,22%); THPT 58/102 trường (đạt tỷ lệ 56,86%).
Từ kết quả đạt được cùng quan điểm chỉ đạo sát sao, tin tưởng rằng ngành giáo dục, chính quyền các địa phương và bản thân mỗi đơn vị trường sẽ sử dụng, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư CSVC trường, lớp, trang thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.