Dạy - học thời công nghệ số

Chưa bao giờ sự học đối với các bạn trẻ lại lý thú, cuốn hút và không giới hạn đến như vậy. Công nghệ số đã tạo ra thời đại giáo dục mở, ở đó người dạy - người học có thể kết nối vượt không gian để đạt đến những đỉnh cao tri thức và niềm thích thú từ sự học.

Tổng lãnh sự Ấn Ðộ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi (thứ 2 từ phải sang) trao đổi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Ảnh: Trung Hiếu

Tổng lãnh sự Ấn Ðộ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi (thứ 2 từ phải sang) trao đổi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Ảnh: Trung Hiếu

Mở chân trời tri thức

Từ nhiều năm nay, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đã ứng dụng các phần mềm dạy học và soạn thảo hiện đại vào giảng dạy; khai thác trí tuệ nhân tạo trong tìm kiếm tài liệu… Năm học 2023-2024, nhà trường ứng dụng công nghệ thành lập kho học liệu mở. Tại kho học liệu, giáo viên, học sinh dễ dàng cập nhật bài giảng, tài liệu tham khảo, khai thác tài liệu học tập, các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT…

“Ðặc biệt, “Góc Ấn Ðộ” tại trường do Tổng lãnh sự Ấn Ðộ tại TP Hồ Chí Minh - ông Madan Mohan Sethi trao tặng, giúp học sinh có thêm điều kiện tìm hiểu về văn hóa, đất nước con người Ấn Ðộ nhờ những kết nối vô hạn từ internet”, thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không chỉ các trường học ở trung tâm đô thị, khi mạng internet phủ sóng, các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đã khai thác, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị.

Nhiều năm nay, trẻ mầm non ở điểm trường thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân) được học tập từ ứng dụng công nghệ số. Trẻ em đồng bào Chăm, Ba Na reo vui thích thú khi được cô giáo cho xem video về sinh vật biển, những bãi biển trải dài trắng xóa, sóng vỗ rì rào…

“Ðối với trẻ đồng bào ở đây, việc được cha mẹ đưa ra khỏi làng, đi đến những địa phương khác là điều hiếm hoi. Với sự hỗ trợ của công nghệ, giờ đây, các em có thể biết đến, nhìn thấy nhiều điều mới mẻ ở cách xa hàng trăm cây số, kích thích trí tưởng tượng, giúp các em phát triển tư duy”, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Lãnh chia sẻ.

Sau 2 năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, như: Xây dựng học bạ số, bảng điểm số, thư viện số, sách giáo khoa số, chữ ký số, giáo án số, phần mềm quản lý học tập... Một số trường còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trẻ mầm non ở điểm trường Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân) học kiến thức mới thông qua sự hỗ trợ của công nghệ. Ảnh: Trung Hiếu

Trẻ mầm non ở điểm trường Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân) học kiến thức mới thông qua sự hỗ trợ của công nghệ. Ảnh: Trung Hiếu

Học thật trên không gian ảo

Với môi trường giáo dục số hiện nay, nhiều bạn trẻ đã năng động, tìm được phương pháp học hữu hiệu nhờ hỗ trợ từ môi trường số.

Em Trần Trung Kiên (lớp 11A1, Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa), giành chiến thắng vòng thi quý, vào chung kết cuộc thi Ðường lên đỉnh Olympia (tháng 10/2024) do Ðài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chia sẻ: “Ngoài những giờ học trên lớp, phần lớn thời gian trong ngày em ôn tập, rèn luyện với bạn học thông qua sự kết nối vô tận của công nghệ. Ðặc biệt, thông qua các Diễn đàn Olympia, Diễn đàn Toán học Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán..., em gặp gỡ các bậc đàn anh, chuyên gia Toán học trong nước và quốc tế, tạo cho em nhiều hứng khởi, say mê trong học tập, tích lũy được nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Công nghệ số giúp em tìm thấy những chân trời kiến thức rộng lớn…”.

Từ nỗ lực của bản thân, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ số, Trần Trung Kiên đã đạt được nhiều kết quả đáng nể trong học tập. Em là học sinh giỏi nhiều năm liền và học sinh giỏi Toán cấp tỉnh năm học 2022-2023…

Với nhiều ưu điểm mà môi trường giáo dụng số mang lại, rất nhiều bạn trẻ ngày càng nghiện học trên môi trường số. Từ ngày vào giảng đường đại học, Võ Minh Ðăng, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ máy tính, Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, càng say mê học tập trên không gian số. Với chàng cựu học sinh chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh này, nhu cầu kết nối học tập với Diễn đàn máy tính, Diễn đàn công nghệ VN-Zoom... cần thiết như con người sống cần phải thở.

“Công nghệ số phát triển đã giúp em dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu quý giá, gặp gỡ, kết nối những chân trời kiến thức bao la. Việc kết nối học tập thường xuyên với các bậc đàn anh trong Diễn đàn Vật lý Việt Nam và quốc tế, đã giúp em đạt giải nhì tại Kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia Vật lý và giành được HCB Kỳ thi EuPhO 2023 tại Cộng hòa Liên bang Ðức”, Minh Ðăng tự tin nói.

Công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu, chủ động kết nối cho người học. Ngành Giáo dục đang nỗ lực đầu tư hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu giáo dục số.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ

TRUNG HIẾU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/313066/day-hoc-thoi-cong-nghe-so.html