Dấy lên lo ngại sau vụ ám sát Thủ tướng Slovakia

Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 15-5 đã bị bắn 5 phát ở cự ly gần trong một âm mưu ám sát chưa rõ động cơ. Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại rằng, nền chính trị phân cực của châu Âu đang chuyển sang bạo lực.

Thủ tướng Slovakia bị bắn khi đang tiếp xúc với người dân

Thủ tướng Slovakia bị bắn khi đang tiếp xúc với người dân

Thủ tướng đã qua cơn nguy kịch

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Môi trường Slovakia ngày 15-5 Tomas Taraba cho biết, Thủ tướng Robert Fico đã qua cơn nguy kịch. Theo ông Taraba, ca phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp và ông Fico không còn ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.

Trước đó vài giờ, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak cho biết, Thủ tướng Fico bị “đa chấn thương nghiêm trọng” sau khi bị bắn 5 phát đạn. Vụ nổ súng được ghi lại cho thấy, ông Fico, 60 tuổi, đang chào hỏi một nhóm người dân đứng sau hàng rào, thì một người đàn ông lớn tuổi bước tới và giơ súng ngắn nhắm vào ông ở khoảng cách chỉ vài mét. Sự việc diễn ra sau khi ông vừa kết thúc buổi làm việc và bước ra từ Nhà văn hóa Handlova ở một thị trấn ở miền Trung Slovakia. Thủ tướng Fico được đưa đến bệnh viện gần đó, sau đó được đưa bằng trực thăng đến bệnh viện tuyến cao hơn để phẫu thuật khẩn cấp.

Báo chí Slovakia đưa tin, đối tượng tấn công Thủ tướng Fico là một người đàn ông 71 tuổi, cựu nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm, đồng thời là nhà thơ. Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok cho biết trong một cuộc họp báo rằng, bằng chứng ban đầu “rõ ràng chỉ ra động cơ chính trị”. Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho biết, vụ ám sát “cũng là một cuộc tấn công vào nền dân chủ”. Còn Maria Kolikova một thành viên phe đối lập trong Quốc hội Slovakia, gọi đây là “một cuộc tấn công vào an ninh nội bộ Slovakia”.

Ngay sau vụ việc, các lãnh đạo thế giới đã lên tiếng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 15-5 đã kịch liệt lên án vụ ám sát hèn hạ nhằm vào Thủ tướng Fico. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ nổ súng tấn công ông Fico là “tội ác ghê tởm” và bày tỏ hy vọng Thủ tướng Slovakia sẽ nhanh chóng bình phục. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự cảnh giác trước âm mưu ám sát, gọi đó là một “hành động bạo lực khủng khiếp”. Nhiều nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu khác cũng lên án vụ tấn công.

Nghi phạm bị bắt giữ ngay tại hiện trường

Nghi phạm bị bắt giữ ngay tại hiện trường

Lo ngại về một tình thế nguy hiểm

Trong hơn 30 năm bước vào con đường chính trị, ông Fico giữ chức Thủ tướng Slovakia các giai đoạn từ năm 2006 - 2010 và từ 2012-2018. Vào tháng 10-2023, ông trở lại làm Thủ tướng Slovakia trong nhiệm kỳ thứ ba.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2023, một số người cho rằng, ông Fico đang từ bỏ đường lối thân phương Tây của Slovakia. Việc ông phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine, quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và các quan điểm khác đã khiến ông nằm ngoài xu hướng chính thống của châu Âu. Giống như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và nhà lãnh đạo cực hữu người Hà Lan Geert Wilders, ông Fico thích thể hiện mình là người theo chủ nghĩa dân túy, kẻ thù của giới tinh hoa tự do và là bức tường thành chống lại người nhập cư từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là người Hồi giáo. Hàng nghìn người đã biểu tình ở Thủ đô và khắp Slovakia để phản đối chính sách của ông Fico.

Đất nước Slovakia với 5,4 triệu dân đã chứng kiến các cuộc tranh luận chính trị phân cực trong những năm gần đây, bao gồm cả cuộc bầu cử Tổng thống đầy cam go vào tháng trước với kết quả đã giúp ông Fico thắt chặt quyền lực. Nhưng lịch sử Slovakia - quốc gia thành viên của cả NATO và Liên minh châu Âu hiếm khi ghi nhận các vụ bạo lực chính trị. Vụ ám sát Thủ tướng Robert Fico là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào một nhà lãnh đạo châu Âu trong nhiều thập kỷ. Vì thế, vụ việc đã làm dấy lên lo ngại rằng, các cuộc tranh luận chính trị ngày càng phân cực ở châu Âu có thể dẫn đến bạo lực.

Theo New York Times

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/day-len-lo-ngai-sau-vu-am-sat-thu-tuong-slovakia-post576613.antd