Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Đồng chí TRẦN VĂN QUẢNG, TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị trả lời phỏng vấn
- Thưa đồng chí! Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đề nghị đồng chí cho biết rõ thêm về mặt công tác này?
- Trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực trong công tác cải cách hành chính; đã tích cực chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị các quyết định, văn bản của cấp trên về công tác cải cách hành chính.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị và Quyết định số 3647/ QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-STNMT ngày 26/1/2022 về Kế hoạch cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hằng năm, căn cứ trên kế hoạch cải cách hành chính được UBND tỉnh ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch cải cách hành chính năm của đơn vị, cụ thể: Quyết định số 179/QĐ-STNMT ngày 17/1/2022 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; Quyết định số 117/QĐ-STNMT ngày 11/1/2023 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; Kế hoạch số 3303/KH-STNMT ngày 28/8/2023 về triển khai thực hiện Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 4/8/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về quyết tâm thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025.
Kế hoạch số 204/KH-STNMT ngày 16/1/2024 về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024. Các kế hoạch liên quan đến tuyên truyền cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra cải cách hành chính...Trong đó, các nội dung cải cách hành chính được cụ thể bằng khung logic chi tiết các nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành và sản phẩm, kết quả đạt được.
Hằng năm, lãnh đạo sở tích cực, chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc sở nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường; nâng cao tỉ lệ số hóa hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ban hành Quy định công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số 442/ QĐ-STNMT ngày 9/02/2021). Thực hiện thông báo danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi có quyết định ban hành của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
- Đồng chí cho biết, để đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường sẽ triển khai các giải pháp gì?
- Để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được và đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai trong thời gian tới, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phục vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường và xem đây là yếu tố tiên quyết đem đến thành công trong công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện một số giải pháp như sau:
Xác định rõ vai trò của người đứng đầu có yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng đến công tác cải cách hành chính, có am hiểu sâu và quyết tâm thực hiện thì hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng chắc chắn sẽ được nâng cao.
Do đó, giải pháp tiên quyết và quan trọng đầu tiên là nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.
Tiếp tục rà soát các tiêu chí thành phần về cải cách hành chính; nắm chắc các tiêu chí về đánh giá chỉ số cải cách hành chính để có giải pháp, kế hoạch thực hiện đạt hiệu quả. Phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân thực hiện từng nhiệm vụ theo chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá.
Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; lựa chọn đầu mối, người trực tiếp tham mưu có năng lực và am hiểu sâu về chuyên môn. Thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính đảm bảo khoa học, chính xác, khách quan, công bằng, mang tính thuyết phục cao. Trên cơ sở đó, rút được kinh nghiệm, có giải pháp phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế.
Chủ động trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đặc biệt là các điều kiện làm việc và trang thiết bị cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc thuận tiện và đạt hiệu quả cao.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả có trình độ, năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng giao tiếp và thái độ tận tình trong phục vụ Nhân dân, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện và tăng sự hài lòng của người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân làm tốt, có tinh thần trách nhiệm cao.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, hạn chế tình trạng hồ sơ bị hủy, trả ngược lại, người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo lộ trình và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Tổ chức tuyên truyền về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công và dịch vụ bưu chính công ích bằng nhiều hình thức. Trong đó, tập trung đẩy mạnh qua những hình thức, phương tiện người dân dễ tiếp cận, dễ khai thác và thường xuyên sử dụng; hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức cách thức tra cứu tình trạng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chuyển, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, làm cho người dân, tổ chức ngày càng tin tưởng, ủng hộ và thường xuyên sử dụng dịch vụ.
Tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. Tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức bằng nhiều hình thức để kịp thời xử lý và khắc phục những vấn đề còn sai sót, hạn chế.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Tâm Thanh (thực hiện)