Đẩy mạnh công tác truyền thông dân số

Đứng trước những thách thức về dân số hiện nay, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới với nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đổi mới nội dung tuyên truyền là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ các vấn đề này.

 Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số.bẢnh: L.A

Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số.bẢnh: L.A

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Nguyễn Hương Chương, điểm mới đáng chúý về công tác dân số trong tình hình mới đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, trong đó công tác tuyên truyền, vận động được xác định là giải pháp “mũi nhọn” nhằm nâng cao chất lượng dân số. Trên cơ sở này, thời gian qua Chi cục DS-KHHGĐ đã tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng dân số, chất lượng sống cho người dân. Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chi cục đẩy mạnh việc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số với nội dung, hình thức, thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Duy trì và nhân rộng các mô hình can thiệp truyền thông tại cộng đồng, nhất là mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua các chiến dịch truyền thông, qua hệ thống phát thanh cơ sở và tư vấn trực tiếp.

Chị Hoàng Thị Thuyên, viên chức dân số xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cho biết: Sau khi có Nghị quyết số 21, tôi và 16 cộng tác viên dân số trên địa bàn xã đã được tiếp thu các kiến thức cơ bản về truyền thông dân số và phát triển trong tình hình mới như nâng cao chất lượng dân số, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thông tin về tình trạng mất cân bằng giới… Những kiến thức đó giúp chúng tôi nắm rõ hơn nội dung của công tác dân số, vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác dân số trên địa bàn, từ đó làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ biết và thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã phát động 10/13 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên; phối hợp với các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số trong các buổi sinh hoạt; vận động các trưởng tộc, dòng họ trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách dân số… Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có thôn Dương Xuân duy trì 5 năm liên tục, thôn Hà Lộc duy trì 8 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên; ngoài ra còn có 5 thôn duy trì liên tục 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền về dân số đã phát huy hiệu quả.

Là một trong những huyện thực hiện tốt công tác truyền thông dân số, từ đầu năm đến nay Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức được 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề và tọa đàm về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ, chia sẻ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho từng lứa tuổi, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và người thân của trẻ em dưới 5 tuổi; khuyến khích người dân tăng cường luyện tập thể dục thể thao nâng cao thể lực, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lí, chủ động thăm khám để phòng tránh những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tật; các thắc mắc của người dân về dinh dưỡng và cách phòng bệnh cũng được giải đáp rõ ràng, giúp người dân có thêm kiến thức bổ ích để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình được tốt hơn. Tổ chức truyền thông ngoại khóa cho hàng ngàn học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện về nội dung sức khỏe sinh sản vị thành niên.

 Truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh cho chị em phụ nữ. Ảnh: L.A

Truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh cho chị em phụ nữ. Ảnh: L.A

Bác sĩ Lê Thị Cảnh Hoa, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong cho biết: Đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 20 Câu lạc bộ Tiền hôn nhân, 4 Câu lạc bộ Người cao tuổi. Cùng với đó là các đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”, “Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên” đã được triển khai đồng bộ, chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức thực hiện. Nhờ đó, công tác dân số 9 tháng đầu năm của huyện đạt kết quả tích cực: 100% phụ nữ mang thai đến trạm y tế đều được cán bộ y tế khám và cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc trước, trong và sau khi sinh; số trẻ là con thứ 3 chỉ chiếm tỉ lệ 18,1%; số bà mẹ sàng lọc trước sinh đạt 54,6%; số trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 23%; chỉ tiêu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 103% so với kế hoạch... “Theo kế hoạch, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên và xây dựng mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, tiếp tục triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ đối với 11 xã còn lại của huyện”, bác sĩ Hoa cho biết thêm.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, trong 9 tháng đầu năm 2019, bên cạnh việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, chi cục còn phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức 93 lớp tập huấn kiến thức, kĩ năng tuyên truyền về chăm sóc và phát triển trẻ thơ; phương pháp, kĩ năng tuyên truyền kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS/KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên; đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh… cho hơn 5.000 lượt học viên là cán bộ dân số, cộng tác viên dân số, đoàn thể thôn, bản, cán bộ y tế cơ sở...; tổ chức được 501 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác dân số trong tình hình mới, tuyên truyền, cung cấp thông tin hoạt động các mô hình, đề án dân số.

Phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn, Hội LHPN tỉnh đưa nội dung thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy cho học viên nhà trường, cán bộ hội cơ sở. Phối hợp với Hội Y Dược - KHHGĐ tỉnh tổ chức giáo dục các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tuyên truyền Nghị định 39/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số… cho các hội viên cơ sở, phụ nữ các vùng dân tộc miền núi. Phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh và các đơn vị địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin sức khỏe, CSSKSS/ KHHGĐ cho công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức 64 buổi mít tinh cổ động nhân các sự kiện như: Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; hưởng ứng, kỉ niệm các sự kiện của ngành như Ngày dân số thế giới 11/7; Ngày tránh thai thế giới 26/9; Ngày người cao tuổi Việt Nam; Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10; Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10; Ngày dân số Việt Nam 26/12…Xây dựng 243 pano, khẩu hiệu tuyên truyền tại các điểm trung tâm nhân các sự kiện; nhân bản, cấp phát hơn 13.000 tờ rơi các loại cho cơ sở trong công tác tuyên truyền.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Hương Chương cho biết: Theo đánh giá, công tác truyền thông, giáo dục thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã được đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển theo Nghị quyết 21/ NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Hoạt động của các mô hình, đề án được triển khai có chất lượng và dần đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Đa số các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp thực hiện các nội dung, chương trình kế hoạch công tác dân số đề ra, đồng thời các hoạt động được lồng ghép, truyền thông có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại từng địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn đang còn tồn tại một số khó khăn như việc CSSKSS của một bộ phận nhân dân chưa cao; việc khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn thấp; vẫn còn hiện tượng kiểm tra giới tính khi mang thai và nạo phá thai…

Theo ông Chương, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, lựa chọn những phương pháp truyền thông phù hợp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm soát dị tật bẩm sinh trong bào thai và trẻ sơ sinh đến nhân dân, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh. Tăng cường các hoạt động tư vấn và khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và CSSKSS; hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho vị thành niên, thanh niên; tuyên truyền về những hệ lụy của lựa chọn giới tính khi sinh, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cung cấp kiến thức và kĩ năng tự chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt thực hiện tốt chính sách DSKHHGĐ. Đồng thời nâng cao chất lượng mạng lưới cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn những nội dung, hình thức, cách tiếp cận truyền thông phù hợp và hiệu quả, tập trung về chính sách dân số và phát triển nhằm từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách dân số trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”, ông Chương khẳng định.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144860