Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, những năm qua cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã trú trọng triển khai công tác này. Qua đó nâng cao nhận thức về lịch sử địa phương, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Đoàn viên, học sinh xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan tham quan, tìm hiểu tại Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri

Đoàn viên, học sinh xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan tham quan, tìm hiểu tại Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, các cấp ủy đảng đã tích cực nghiên cứu, biên soạn, có nhiều cách làm đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Nghiêm túc triển khai

Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, những năm qua, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Qua đây góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống bám sát các nội dung của Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 6/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống”.

Bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy các cấp đã nghiêm túc triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Sơn cho biết: Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch, đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy ban hành 2 văn bản để hướng dẫn các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Cùng đó chỉ đạo đảng bộ các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý thức tự cường của dân tộc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Cùng với Bắc Sơn, 100% huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch để biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng các cấp, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với Đảng và công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đa dạng hình thức thực hiện

Trước hết để có tư liệu chính thống phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị chú trọng biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo, các tổ giúp việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp, ngành. Đến nay, toàn tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản trên 200 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Nội dung các cuốn sách đã tập trung làm rõ, lý giải một cách khoa học về bối cảnh lịch sử, về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, về phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân, đảm bảo tính khách quan, tính đảng, tính khoa học và thống nhất; đồng thời cũng thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị.

Từ nguồn tư liệu, lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, cấp ủy các cấp đã triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú. Cụ thể như ban hành đề cương hướng dẫn tuyên truyền nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống; đưa nội dung vào các chương trình giảng dạy; giao lưu biểu diễn văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tỉnh…

Điểm nổi bật công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống đã được đổi mới thông qua nhiều hoạt động như tham quan về nguồn, khu di tích lịch sử; các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về lịch sử; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội gắn với công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng. Tiêu biểu như năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thành công Cuộc thi trắc nghiệm trên Internet “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023)” thu hút 486.328 lượt người dự thi.

Chị Hoàng Thu Trang, nhân viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS xã Xuân Long, huyện Cao Lộc cho biết: Hưởng ứng cuộc thi trắc nghiệm, tôi đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu để tham gia. Qua đây giúp tôi có thêm những kiến thức về quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh, thêm tự hào với những truyền thống lịch sử quý báu mà ông cha để lại.

Công tác giáo dục lịch sử đảng bộ, truyền thống còn được đưa vào giảng dạy tại trung tâm chính trị huyện và các trường học. Đơn cử như Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, trung tâm chính trị các huyện, thành phố thực hiện giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam kết hợp giới thiệu nội dung lịch sử đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy học tập lý luận chính trị cho các lớp đảng viên mới, lớp đối tượng kết nạp đảng, lớp học lý luận chính trị. Thông qua việc đa dạng hóa phương pháp, hình thức giảng dạy lịch sử truyền thống tạo môi trường giúp học viên chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Ông Trương Văn Lô, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Văn Quan thông tin: Trong các chương trình học tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm luôn có nội dung về lịch sử truyền thống địa phương. Bằng các cách thức như truyền tải các nội dung trực tiếp trên lớp, tham quan thực tế tại các “địa chỉ đỏ” trong và ngoài huyện… đã góp phần giúp các học viên thấu hiểu hơn về lịch sử địa phương, nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, luôn có ý thức trong việc tự nghiên cứu, học tập để không ngừng nâng cao trình độ… góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống yêu quê hương, đất nước.

Cùng đó, các cấp, ngành quan tâm xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích cách mạng, kháng chiến được quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành đã đầu tư tôn tạo Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại huyện Văn Lãng; khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tại thành phố Lạng Sơn; Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri tại huyện Văn Quan; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Tràng Định; Khu di tích lịch sử Quốc gia Khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn… Từ đó góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh quê hương Xứ Lạng, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, truyền thống.

Có thể nói từ việc quan tâm đẩy mạnh, đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền lịch sử truyền thống đã nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

DƯƠNG DUYÊN - THANH MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/639544-day-manh-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-truyen-thong.html