Dạy và học Tiếng Anh từ xa, mô hình hay cần được nhân rộng

Thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy học, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên việc dạy và học Tiếng Anh trong các nhà trường của tỉnh còn rất nhiều hạn chế; học sinh không đáp ứng được các kỹ năng cần thiết. Trước thực trạng đó, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang nỗ lực, từng bước nâng cao, cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, KT-XH phát triển chậm đã kìm hãm sự phát triển chung, trong đó có sự nghiệp GD&ĐT của địa phương. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đinh Thế Hiệp: “Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh, ngành GD&ĐT đã, đang triển khai linh hoạt nhiều giải pháp như động viên giáo viên dạy thêm giờ, vượt tiết; dạy liên trường, hợp đồng giáo viên, đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh, dạy học trực tuyến qua lớp học ảo… Tuy nhiên, số lượng giáo viên Tiếng Anh thiếu quá nhiều, không đáp ứng được yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới”.

Cán bộ Sở GD&ĐT Lâm Đồng thăm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Yên Cường (Bắc Mê).

Cán bộ Sở GD&ĐT Lâm Đồng thăm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Yên Cường (Bắc Mê).

Từ thực tế đó, thực hiện Chương trình GDPT mới, từ năm học 2022 - 2023, học sinh phổ thông bắt buộc phải học Tiếng Anh từ lớp 3, ở các nơi thuận lợi khuyến khích dạy Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1. Trong khi năm học 2022 - 2023, tỉnh Hà Giang thiếu 2.947 giáo viên, nhân viên, trong đó thiếu 269 giáo viên Tiếng Anh; năm học 2023 - 2024 thiếu 3.714 giáo viên, nhân viên, trong đó thiếu 385 giáo viên Tiếng Anh. Có những huyện như Mèo Vạc, toàn huyện chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học. Năm học 2023 - 2024, nhiều trường tiểu học trên địa bàn các huyện của tỉnh rất thiếu đội ngũ giáo viên dạy học môn Tiếng Anh do không có nguồn tuyển dụng. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đinh Thế Hiệp cho biết thêm về cách khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nhất là giáo viên Tiếng Anh của tỉnh hiện nay: “Tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã thực hiện kết nghĩa từ năm 1960 với rất nhiều nội dung và hoạt động thắm đượm tinh thần đoàn kết giữa 2 địa phương. Để đảm bảo cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 nhất là tại vùng DTTS được học môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Hà Giang trân trọng đề nghị Sở GD&ĐT Lâm Đồng tạo điều kiện, hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo hình thức tổ chức dạy học trực tuyến miễn phí qua lớp học ảo (lớp học trực tuyến qua internet)”.

Qua đây, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã quan tâm, tạo điều kiện, chủ động kết nối theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Giang để triển khai, hỗ trợ nguồn giáo viên dạy trực tuyến qua lớp học ảo môn Tiếng Anh cho các trường trên địa bàn các huyện: Mèo Vạc, Bắc Mê. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện, hỗ trợ, động viên đối với các giáo viên tham gia dạy trực tuyến qua lớp học ảo môn Tiếng Anh cho các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Bắc Mê. Cùng với đó, UBND huyện Bắc Mê, Mèo Vạc đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trực tuyến cho các trường. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường chủ động kết nối với các trường, giáo viên trên địa bàn các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng để bố trí sắp xếp thời gian, phối hợp trong tổ chức dạy các tiết Tiếng Anh cho học sinh. Đồng thời, đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh trên địa bàn các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ dạy trực tuyến qua lớp học ảo cho các trường trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Bắc Mê với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực, kỹ thuật về dạy học trực tuyến, phương pháp dạy học tích cực và hình thức tổ chức linh hoạt; học sinh hào hứng đón nhận tiết học.

Tại huyện Mèo Vạc bố trí được 4 trường gồm: PTDTBT TH&THCS Pải Lủng; PTDTBT Tiểu học Nậm Ban; Tiểu học thị trấn Mèo Vạc; PTDTBT Tiểu học Pả Vi với 16 lớp/479 học sinh khối lớp 3. Tại huyện Bắc Mê bố trí được 4 trường gồm: PTDTBT Tiểu học Minh Sơn; PTDTBT Tiểu học Yên Cường; PTDTBT TH&THCS Thượng Tân; PTDTBT TH&THCS Phiêng Luông với 18 lớp/621 học sinh. Thời gian dạy Tiếng Anh trực tuyến từ tháng 10.2023 cho đến hết năm học 2023 - 2024, từ 2 - 3 tiết/tuần/lớp tình nguyện tham gia giảng dạy trực tuyến qua lớp học ảo cho 9 trường, gồm 34 lớp với hơn 1.100 học sinh tiểu học thuộc 2 huyện Bắc Mê và Mèo Vạc. Trong đó, tổng số 34 giáo viên của tỉnh Lâm Đồng, trong đó: Huyện Mèo Vạc có 16 giáo viên; huyện Bắc Mê 18 giáo viên hỗ trợ dạy từ 2 - 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần với tổng số tiết hỗ trợ 2.835 tiết học. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai, một số trường trên địa bàn huyện Bắc Mê chưa sử dụng phần mềm học trực tuyến có bản quyền dẫn tới chất lượng âm thanh của các phòng học chưa tốt. Giáo viên được phân công hỗ trợ lớp dạy trực tuyến chưa có kinh nghiệm trong quản lý lớp học và phối hợp với giáo viên dạy trực tuyến tổ chức các hoạt động của bài dạy. Học sinh mới được làm quen với hình thức học trực tuyến do đó về ý thức và một số nền nếp trong lớp học và sự tương tác giữa giáo viên dạy trực tuyến và học sinh còn hạn chế.

Qua đánh giá khi kết thúc năm học, chất lượng môn Tiếng Anh học kỳ I, năm học 2023 - 2024 tại các trường được hỗ trợ: Xếp hoàn thành tốt + hoàn thành đạt 92.5%; chưa hoàn thành đạt 7.5%. Với những kết quả bước đầu của chương trình phối hợp dạy học từ xa này đã cho thấy các thầy, cô giáo tỉnh Lâm Đồng đã không quản ngại khó khăn, dày công nghiên cứu bài giảng, thiết kế các bài dạy trực tuyến phù hợp với đối tượng, đặc trưng vùng miền và trình độ của học sinh tỉnh Hà Giang. Để thực tế hơn trong công tác phối hợp dạy và học, cuối tháng 4.2024, hơn 30 thầy, cô giáo bộ môn Tiếng Anh của tỉnh Lâm Đồng đã lên Hà Giang để trực tiếp hỗ trợ kiểm tra chất lượng học sinh tại 9 trường thuộc huyện Mèo Vạc và Bắc Mê. Với tình cảm trân quý và sự đóng góp công sức, hỗ trợ nhiệt tình của ngành GD&ĐT Lâm Đồng đối với sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Hà Giang, Sở GD&ĐT Hà Giang đã trình UBND tỉnh xem xét, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho Sở GD&ĐT Lâm Đồng và nhiều cá nhân thầy, cô giáo tỉnh Lâm Đồng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ tỉnh Hà Giang triển khai công tác giảng dạy môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT mới cho học sinh Tiểu học tại huyện Mèo Vạc và huyện Bắc Mê.

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202405/day-va-hoc-tieng-anh-tu-xa-mo-hinh-hay-can-duoc-nhan-rong-d294f23/