ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CẦN BẢO ĐẢM SỰ ỔN ĐỊNH VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DÀI HẠN

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chia sẻ bên lề kỳ họp, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, quy định tại dự thảo luật cần bảo đảm sự ổn định và quyền lợi của người lao động trong dài hạn, từ đó tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Nội dung dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;…

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết sửa đổi luật lần này?

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH đưa ra mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.

Tiếp đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, như: “Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững”;..

Bên cạnh đó, quá trình thực tiễn thực hiện Luật BHXH đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp; Quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn; Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng; Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn; ….

Do đó, xuất phát từ những yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên: Trong Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đề xuất hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần. Vậy, quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung này?

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Tôi tán thành đưa phương án 2 vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vì phương án này đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong thời gian dài. Cụ thể:

Với phương án 2, sẽ giúp giữ chân được người lao động ở lại với hệ thống BHXH và khi kết hợp với các giải pháp khác sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Đồng thời, người lao động khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn, người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động cũng có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, phương án hai theo điều kiện là 50%. Ví dụ như mức đóng cho người lao động hưởng 50% này, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động có thể không đủ 20 năm, người lao động có thể yêu cầu thì giải quyết 50%. Đây là điều kiện cho người lao động giải quyết trước mắt. Bên cạnh đó, khi có việc làm người ta vẫn tái lại vấn đề lao động thì sẽ có theo dõi tiếp tục hoặc tham gia tiếp tục, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện tham gia khi về già. Quy định như vậy, giúp giải quyết hài hòa lợi ích trước mắt của người lao động và cũng là chính sách an sinh xã hội lâu dài.

Phóng viên: Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội tiếp tục xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8. Vậy, đâu là nội dung cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện, thưa đại biểu?

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Hồ sơ dự án luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu kỹ lưỡng. Dự thảo Luật với 10 chương và 136 điều đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua.

Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Trong đó, các quy định cần hướng đến đảm bảo, quyền lợi cao nhất cho người lao động, cũng như người dân tham gia BHXH tự nguyện, thiết kế chính sách ưu đãi để nhiều người tin tưởng và tham gia BHXH ngày càng đông hơn, bao phủ BHXH toàn dân, để người dân yên tâm khi về già;…

Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm rà soát, làm rõ một số nội dung như: Đánh giá các quy định hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, luật hóa các quy định đã có tính ổn định để bảo đảm phù hợp với thực tiễn; Bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; Nội dung về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội…

Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động cũng như tính khả thi trong những chính sách mới; quan tâm rà soát ngôn ngữ, văn phong, kỹ thuật soạn thảo văn bản bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật cũng như với các Luật chuyên ngành có liên quan;…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82385