Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính: Thiết thực và hiệu quả (bài 1)

Nhiều kết quả quan trọng suốt thời gian qua về việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2023 có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Đến ngày 23/5/2023, có 776.889 tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 2.571.728 lượt đăng nhập. Việc ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp đã mang lại những lợi ích to lớn…

Đến nay, bằng nỗ lực của nhiều Bộ, ngành mà đặc biệt là Bộ Công an (CA), CA các tỉnh, thành nói chung và CA TPHCM nói riêng, đến nay đối với 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử có nhiều DVC tỷ lệ trực tuyến rất cao, như thông báo lưu trú (đạt 99,9%); đăng ký thường trú (đạt 89,4%)...

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Tính thiết thực và hiệu quả mới nhất có thể kể đến là DVC đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng hồi đầu tháng 05/2023 vừa qua. Bộ GD-ĐT đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến. Cũng có thể nói về tính hiệu quả, đó là tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ xác thực dữ liệu. Tính đến nay, Bộ CA đã thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp TKĐDĐT; có 16,5 triệu tài khoản kích hoạt; đã cấp trên 80,5 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân, đến nay hầu hết các địa phương đã hoàn thành. Đẩy mạnh cấp CCCD gắn chíp cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, thi vào lớp 10 (đến nay đã cấp 5.906.585/6.068.765 trường hợp, đạt tỷ lệ 97,3%); phối hợp khai thác, sử dụng thông tin về cư trú phục vụ kiểm tra, xác nhận về ưu tiên vùng cho 1,2 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc; bảo đảm an toàn cho các thí sinh khi không phải di chuyển, đi lại đến các địa điểm nộp hồ sơ thi.

Bên cạnh đó, với nền tảng CCCD gắn chíp đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 12.434/13.068 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai bằng CCCD gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 95,15% với 36.412.474 công dân sử dụng CCCD đi KCB trên toàn quốc. Triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD gắn chíp tại các cơ sở KCB. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai thí điểm tại nhiều bệnh viện và cơ sở KCB. Đối với nhiệm vụ liên thông nhóm thông tin cơ bản về y tế với sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo chuẩn hóa định dạng 80 trường theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hóa và kết nối dữ liệu theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT về BHXH Việt Nam để thực hiện liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; phối hợp với Bộ CA bảo đảm hạ tầng để kết nối, chuyển dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm sang CSDLQG về dân cư.

Bộ CA đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (83%) tiết kiệm được 133 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/5/2023, hệ thống BHXH Việt Nam đã xác thực 84.799.551/107.087.778 thông tin nhân khẩu (số người đang tham gia và đã tham gia BHYT, BHXH) và 73.353.679/84.641.209 người tham gia BHXH, BHYT có trong CSDLQG về bảo hiểm với CSDLQG về dân cư (đạt tỷ lệ 87%). Đối với 11.159.755 người chưa được xác thực (do chưa có số định danh hoặc có số định danh nhưng chưa được xác thực với CSDLQG về dân cư), hiện BHXH Việt Nam đang tổng hợp, chuyển dữ liệu để BHXH các địa phương phối hợp với lực lượng CA tiến hành rà soát, cập nhật, xác thực. Việc này đã tiết kiệm được 24,7 tỷ đồng tiền giấy in thẻ bảo hiểm. Với những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực của các Bộ, ngành trong thời gian qua đã tiết kiệm được tiền bạc và thời gian cho xã hội, qua đó khẳng định việc ứng dụng CCCD gắn chíp đã mang lại những lợi ích to lớn cho toàn xã hội, góp phần có hiệu quả đối với phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số quốc gia.

Nỗ lực làm thêm ngoài giờ hành chính, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân

Nỗ lực làm thêm ngoài giờ hành chính, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân

Công an TPHCM nỗ lực phục vụ nhân dân

Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, CA TPHCM suốt thời gian qua đã căng mình tận tụy hết lòng phục vụ người dân, từ cấp CCCD gắn chíp đến thực hiện hỗ trợ người dân trong việc kích hoạt TKĐDĐT mức 2. Từ Ban chỉ huy đến từng CBCS, CSKV vừa làm tốt công tác được giao hàng ngày, còn gánh vác nhiệm vụ thực hiện các thủ tục, kêu gọi, động viên người dân đi làm CCCD gắn chíp. Đặc biệt là những CBCS trong tổ công tác lưu động đã không ngại khó khăn, lặn lội đến từng hộ dân có hoàn cảnh di chuyển khó khăn để thực hiện cấp CCCD gắn chíp với phương châm "không để công dân nào đủ điều kiện mà không được cấp CCCD gắn chíp". Các CBCS CA TPHCM còn hỗ trợ, động viên và đến từng khu phố để kích hoạt TKĐDĐT mức 2 cho người dân thời gian qua và hiện nay. Hình ảnh CBCS CA TPHCM thời gian qua trong công tác thực hiện Đề án 06 đã gắn liền với sự tận tâm, hết mình phục vụ nhân dân khiến bà con thêm yêu mến.

Bằng sự quyết tâm cao nhất, kể từ khi bắt đầu bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ, CA TPHCM đã thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai Đề án 06 trong CA TPHCM và thực hiện lộ trình, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị có liên quan; tham mưu UBND TPHCM kịp thời, tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 06 và ban hành Quyết định thành lập 22 Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TPHCM. Tăng cường CBCS phục vụ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cư trú trên cổng DVC trực tuyến, thực hiện cấp CCCD gắn chíp, kích hoạt TKĐDĐT mức 2.

CBCS Công an TPHCM đến tận nhà giúp các hoàn cảnh khó khăn về di chuyển làm CCCD gắn chíp

CBCS Công an TPHCM đến tận nhà giúp các hoàn cảnh khó khăn về di chuyển làm CCCD gắn chíp

Lúc đó, Thiếu tướng Lê Hồng Nam (Giám đốc CA TPHCM) đã yêu cầu Thủ trưởng CA các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ công tác, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Danh mục 126 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 ở lĩnh vực an ninh, trật tự theo chỉ đạo của Bộ CA; trọng tâm là thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông mức độ 4, cấp đổi CCCD gắn chíp, các thủ tục trong lĩnh vực cư trú, phòng cháy, chữa cháy, đăng ký xe gắn máy, ôtô tại CA cấp huyện, cấp xã...

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM, theo Thiếu tướng Trần Đức Tài (Phó giám đốc CA TPHCM), thời gian qua CA TPHCM đã làm tốt vai trò tham mưu Ban Chỉ đạo triển khai những nội dung về triển khai ứng dụng CSDLQG về dân cư trên địa bàn TPHCM. Đến nay các Sở, ngành, địa phương từ cấp quận, huyện đến cấp phường, xã đã đạt nhiều kết quả, triển khai các DVC thiết yếu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị tốt nhất cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẽ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến.

CBCS Công an TPHCM đến từng khu phố hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh mức 2

CBCS Công an TPHCM đến từng khu phố hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh mức 2

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, TPHCM có những thuận lợi như UBND TPHCM đã triển khai xây dựng Hệ thống thông tin, chỉ đạo điều hành để thực hiện khai thác, chia sẽ dữ liệu trên Kho dữ liệu dùng chung của TP và vận hành chính thức Cổng dịch vụ công TP. Do đó, việc triển khai Đề án 06 gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu, phần mềm, quản lý hệ thống máy chủ của TP để đáp ứng việc xây dựng dữ liệu chuyên ngành của các Sở, ban, ngành, phục vụ công cuộc chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.

Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, đến nay phần lớn người dân TPHCM đã được tiếp cận các tiện ích của CCCD gắn chíp; tỷ lệ người dân tham gia các dịch vụ qua cổng DVC trực tuyến đã có nhiều chuyển biến tích cực... Bên cạnh đó TPHCM vẫn có gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay đã được nhanh chóng khắc phục.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi cho chương trình tọa đàm "Đề án 06 với Chuyển đổi số và Cải cách hành chính"

Sáng 15/9/2023, Chuyên đề Công an TPHCM sẽ tổ chức buổi tọa đàm "Đề án 06 với Chuyển đổi số và Cải cách hành chính", với sự tham gia của các vị khách mời là đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học... Tại tọa đàm, các đại biểu sẽ giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về triển khai thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng... Bạn đọc có câu hỏi, thắc mắc liên quan đến các chủ đề trên, xin gửi về Tòa soạn Ban Chuyên đề Công an TPHCM (qua địa chỉ mail: caopv@congan.com.vn hoặc baocongantphcm@congan.com.vn), Ban tổ chức sẽ chuyển câu hỏi của bạn đọc đến các vị khách mời giải đáp.

(Còn tiếp...)

VĂN TOÀN - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bai-1-thiet-thuc-va-hieu-qua_152569.html