Đề cao tính trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập

'Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực' là một trong 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' được Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ mặt, điểm tên.

Đây là vấn đề được Đảng ta và nhân dân rất quan tâm, trở thành giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Cần xử lý những bất cập

Thời gian qua không ít cán bộ lãnh đạo từ các cơ quan Trung ương đến địa phương đã vướng vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực. Trước khi bị xử lý, các cán bộ đó đều thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện tài sản kê khai và tài sản thực tế không giống nhau.

Một số ý kiến cho rằng, cần phải tăng tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những đối tượng kê khai không trung thực. Sự nguy hại của kê khai không trung thực gây thất thoát tài sản của Nhà nước, mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Không ít người hoài nghi tài sản được kê khai của cán bộ chỉ là phần nổi, còn phần chìm lớn hơn gấp nhiều lần và cứ là cán bộ lãnh đạo thì tất yếu phải giàu hơn quần chúng. Điều này gây tâm lý cán bộ giàu có thực sự lại e ngại khi kê khai tài sản và thậm chí giấu giếm sự giàu có chính đáng của mình để tránh những bàn tán không hay.

Tại phiên tòa đang xét xử các bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”, một số lời khai của các bị cáo đã làm cho người nghe bàng hoàng! Như trường hợp cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 42 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Trong lúc dịch bệnh bùng phát, Đảng, Nhà nước và toàn dân tìm mọi cách để bảo vệ tính mạng nhân dân; rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng y tế, quân đội, công an và người dân không quản ngại hiểm nguy, hy sinh thân mình để xông pha vào tâm dịch cứu dân nhưng những con người như Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế - dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay nhưng lại là người nhận hối lộ nhiều nhất.

Sau khi nhận từ doanh nghiệp 42 tỷ đồng, Kiên đã dùng số tiền này chi cho mục đích cá nhân, mua đất khắp nơi, sửa nhà cửa và cho người thân vay.

Những câu chuyện tương tự như trên không phải là những trường hợp hiếm hoi về số tài sản thực tế của những cán bộ biến chất. Nhiều ý kiến lý giải, sở dĩ giữa bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ đã nộp cho cơ quan, đơn vị khác xa so với tài sản thực tế của cán bộ, bởi những tài sản đó không phải do chính bàn tay lao động và trí tuệ của cán bộ làm ra mà là được trục lợi từ của công, của nhân dân thành của riêng. Do đó, nếu khai trung thực về số tài sản đó thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

Không ít những vướng mắc

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Thị Hà chia sẻ, năm 2023 UBKT Thành ủy Biên Hòa đã xây dựng kế hoạch để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 29 trường hợp. Tuy nhiên việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ gặp không ít khó khăn, bất cập. Cụ thể như, có những cán bộ có bất động sản, nhà, đất không chỉ ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà ở các tỉnh khác nên phải chờ thông tin xác minh từ các sở, ngành có liên quan từ các địa phương khác.

Khi UBKT cấp ủy cơ sở kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên có liên quan đến việc phải sao kê tài khoản ở ngân hàng, UBKT Đảng ủy phường, xã đề nghị ngân hàng sao kê tài khoản của đảng viên đó nhưng ngân hàng trả lời phường, xã không có chức năng và thẩm quyền đề nghị ngân hàng sao kê. Do đó, UBKT Đảng ủy phường, xã lại phải nhờ UBKT Thành ủy đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin và sao kê tài khoản để giúp UBKT Đảng ủy cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên.

Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Vĩnh Cửu Lê Đỗ Kim Chi cho hay, hiện nay cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng ở cấp huyện và cơ sở đang lúng túng khi tiến hành nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ. Vì trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát đã phát hiện trường hợp kê khai tài sản tăng thêm của mình là có mua mảnh đất trị giá 2 tỷ đồng, nhưng khi cơ quan chức năng gửi văn bản đi xác minh thì phát hiện trong hợp đồng mua bán mảnh đất đó chỉ khai 200 triệu đồng để việc đóng thuế ít đi, như vậy trong trường hợp này đã xác định được ngay là có vi phạm.

Tuy nhiên có trường hợp giá mua thực tế là 2 tỷ đồng nhưng kê khai tài sản chỉ 200 triệu đồng và trong hợp đồng mua bán để đóng thuế cũng chỉ ghi 200 triệu đồng, đối với trường hợp này cơ quan chức năng không có căn cứ để xác định cán bộ đó vi phạm. Từ đây, có ý kiến băn khoăn: kê khai đúng số tiền mua mảnh đất là 2 tỷ đồng thì bị bắt lỗi; còn khai gian dối trong hợp đồng mua bán chỉ là 200 triệu đồng nhưng hợp thức hồ sơ thì lại không bắt lỗi được.

Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Trảng Bom Trương Hữu Dũng cho rằng, UBKT Tỉnh ủy và UBKT Trung ương cần hướng dẫn kỹ, thống nhất đồng bộ về kê khai tài sản, thu nhập và công tác quản lý, kiểm soát, kiểm tra giám sát, xử lý trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Hiện nay ở huyện mới chỉ tập trung việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ; còn việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ rất hạn chế.

Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Nhơn Trạch Huỳnh Minh Đức nhận định, cốt lõi của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ nằm ở phẩm chất đạo đức, tính trung thực của cán bộ thuộc diện kê khai. Hiện nay, việc xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành bằng phương pháp ngẫu nhiên chọn 10% trong tổng số cán bộ thuộc diện phải kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, đơn vị được xác minh.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202307/de-cao-tinh-trung-thuc-khi-ke-khai-tai-san-thu-nhap-3171756/