Để chính sách hỗ trợ con công nhân hiệu quả hơn

Thực hiện chương trình phát triển giáo dục mầm non, đến nay trẻ mẫu giáo là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp đang được nhận khoản hỗ trợ tối thiểu là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với điều kiện và đời sống, thu nhập của công nhân lao động hiện nay, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa cần mở rộng đối tượng và tăng mức hỗ trợ.

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Đống Đa tặng quà cho con đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn.

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Đống Đa tặng quà cho con đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn.

Chính sách thiết thực

Chính sách hỗ trợ con công nhân, người lao động đang học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Chị Trần Thị Minh Nguyệt, làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập và đời sống rất khó khăn. Đầu năm học, chị phải xoay xở để có tiền mua sách vở, đồng phục và đóng học phí cho con. “Với chính sách hỗ trợ con công nhân kịp thời từ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, tôi rất vui vì có thêm điều kiện trang trải cho cuộc sống, trước hết là dành một phần để đóng học phí cho con”, chị Trần Thị Minh Nguyệt nói.

Đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn và thiết thực với đời sống người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã sớm vào cuộc, tham gia triển khai và giám sát thực hiện chính sách này. Theo Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đỗ Thị Hồng Vân, tính đến cuối năm 2022, có 40/63 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ được 86.392 cháu; 4.666 giáo viên và 355 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng. Các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP để người lao động hiểu, nắm rõ quyền lợi và chủ động làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định.

Đa số các địa phương hỗ trợ 160.000 đồng/cháu/tháng, bằng mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Một số địa phương có mức hỗ trợ khá cao như Hà Nội đã hỗ trợ con công nhân lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở mức 240.000 đồng/ cháu/tháng; Hải Phòng (250.000 đồng/cháu/tháng); Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc (220.000 đồng/ cháu/tháng). Song qua hơn 2 năm, vẫn còn 23 địa phương chậm triển khai thực hiện, trong đó nhiều tỉnh có khu công nghiệp đông lao động như: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Long An…

Một giờ học của cô và trẻ tại Trường Mầm non Sakura - Hoa Anh Đào (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Một giờ học của cô và trẻ tại Trường Mầm non Sakura - Hoa Anh Đào (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Cần nâng mức hỗ trợ

Trưởng ban Nữ công (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Bùi Thị Thanh Giang chia sẻ, tổng số công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thủ đô là hơn 164.000 người, trong đó chiếm gần 70% là nữ, đa số dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu về gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non khá lớn. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 5-5,5 triệu đồng/người thì chi phí gửi con tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo là một vấn đề khó khăn, do đó cần nâng mức hỗ trợ hơn nữa.

“Thông qua đối thoại với lãnh đạo địa phương hằng năm, chúng tôi đã đề xuất chính quyền xây dựng 2 trường mầm non công lập dành riêng cho con công nhân lao động tại khu tập trung đông công nhân là Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh). Đồng thời, chúng tôi cũng duy trì hoạt động hiệu quả 116 phòng vắt trữ sữa tại 70 doanh nghiệp, thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể để doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ hằng tháng từ 50.000 đến 100.000 đồng cho mỗi con công nhân lao động tại hơn 300 doanh nghiệp”, bà Bùi Thị Thanh Giang chia sẻ.

Trước tình hình đời sống, thu nhập của người lao động còn khó khăn, liên đoàn lao động nhiều tỉnh, thành phố cũng cho rằng cần nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để người lao động được sử dụng, giảm bớt gánh nặng về nhà ở và nơi gửi con.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thông tin, đầu tháng 2-2023, cơ quan này đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện Nghị định số 105/2020/ NĐ-CP, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai nghị định bảo đảm kịp thời, đúng quy định và không bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu sửa đổi Nghị định số 105/2020/ NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng là con công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất tăng thời gian hỗ trợ lên 12 tháng/năm thay vì 9 tháng/năm như quy định hiện hành, do công nhân lao động đi làm cả năm nên phải gửi trẻ cả 12 tháng.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1055887/de-chinh-sach-ho-tro-con-cong-nhan-hieu-qua-hon