Để hưu trí sống được bằng lương hưu

Mức tăng lương hưu cần cân nhắc dựa trên tình hình thực tiễn, song cần đảm bảo quyền lợi cho người về hưu, đặc biệt cần có mức sàn để người về hưu đỡ thiệt thòi, không bị nhận lương hưu quá thấp.

Cần có mức sàn lương hưu

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất mức điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công, để thực hiện đồng thời với thời điểm cải cách tiền lương từ ngày 1/7 năm nay. Xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tính toán của cơ quan BHXH, nếu được thông qua, với mức điều chỉnh 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngân sách Nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng. Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3,5 triệu đồng/tháng, thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng, chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cho rằng, cùng với thực hiện cải cách tiền lương của công chức, viên chức, thì mức lương hưu cần tăng tối thiểu đạt 15%, trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.

Tăng lương hưu ở mức bao nhiêu là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo dựa trên tình hình thực tiễn, song theo các chuyên gia, mức tăng cần đảm bảo quyền lợi cho người về hưu. Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phân tích, theo tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Vì thế, bà Hương cho rằng nếu lương công chức tăng dự kiến 30% thì lương hưu cần tăng ít nhất thêm 15% là hợp lý. Tiền lương đóng bảo hiểm để làm căn cứ tính lương hưu cũng cần thay đổi để có mức đóng phù hợp, tính toán đến mức tăng thu nhập, đời sống của người dân…

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7, cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lí so với mức tăng của công chức, đặc biệt, cần chú ý đến nhóm đang có mức lương hưu thấp. Thực tế, việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, do đó nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn, tức những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao, và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn. Vì thế, chuyên gia nêu quan điểm cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỷ lệ % để bù đắp cho họ.

Hỗ trợ thêm cho nhóm người có mức lương hưu thấp

Hiện các mức tăng mới chỉ là đề xuất của các bên, mức cuối cùng sẽ phải chờ Chính phủ quyết định, song một vấn đề vẫn luôn đáng lo ngại là lương chưa tăng, giá đã tăng. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, để hạn chế việc này cần đảm bảo việc tăng tiền lương là tăng thực tế chứ không phải trên danh nghĩa. “Tôi cho rằng khi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tài chính, đảm bảo việc tăng lương là tăng thực, đặc biệt là truyền thông tốt thì sẽ hạn chế, hoặc giảm tối thiểu được các tác động không mong muốn, nhất là tâm lý tăng giá khi tăng lương”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Trao đổi với phóng viên, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cũng cho rằng tâm lý của người về hưu thì luôn mong muốn có mức tăng cao để giảm bớt khó khăn trong đời sống, nhưng tăng ở mức bao nhiêu cần tính toán trên nhiều yếu tố và phù hợp với tình hình thực tế. Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, người đóng BHXH càng cao thì sau này tất yếu phải được hưởng mức lương hưu cao. Do đó, với nhóm đối tượng có lương hưu thấp, Nhà nước cần có mức hỗ trợ thêm để cải thiện cuộc sống của người về hưu, đặc biệt, cần chú ý mức điều chỉnh lương với nhóm về hưu trước năm 1995.

Theo Bộ LĐTBXH, những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung. Thực tiễn thực hiện chính sách BHXH đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế, và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động. Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Từ thực tế trên, trong quá trình thực hiện các chính sách cải cách tiền lương, cải cách BHXH từ trước đến nay, các cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh quan điểm “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.

Do đó, trong ba nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐTBXH đều kiến nghị tăng với mức hợp lý nhằm giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương, trong đó, nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995 cần được hưởng chính sách đặc biệt để nâng mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa.

Tú Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-huu-tri-song-duoc-bang-luong-huu-168529.html