Để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu cần bịt 'lỗ hổng' pháp lý

Trong thời gian dài, trên thị trường xăng dầu nước ta, hành vi gian lận, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá, đo lường, chất lượng…diễn ra như 'cơm bữa'. Một trong những nguyên nhân gốc rễ được các chuyên gia kinh tế vạch ra chính là do 'lỗ hổng' pháp lý, những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật.

Vi phạm tràn lan và diễn biến phức tạp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động, lực lượng QLTT có mặt 24/7 giám sát hoạt động 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận, vi phạm thời gian bán hàng, vi phạm điều kiện kinh doanh xăng dầu làm ổn định thị trường, góp phần bình ổn cung cầu hàng hóa.

Theo đó, thống kê từ Tổng cục QLTT cho thấy, trong năm 2023 đã kiểm tra 2.920 vụ, xử lý 840 vụ với tổng số tiền xử phạt 31,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không duy trì điều kiện trong quá trình kinh doanh xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối đối với thương nhân phân phối xăng dầu; mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; kinh doanh xăng dầu không có hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực...

Nhiều vi phạm trên thị trên thị trường xăng dầu được phanh phui năm 2023. Ảnh: TL

Nhiều vi phạm trên thị trên thị trường xăng dầu được phanh phui năm 2023. Ảnh: TL

Thời gian vừa qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng...

Đơn cử, ngày 10/8, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với·Doanh nghiệp Nhật Tuấn (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), với số tiền hơn 300 triệu đồng về hành vi bán hàng hóa (xăng RON95-III) có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trước đó, ngày 30/6, Tổng cục QLTT đã giám sát việc buộc tái chế 10.119 lít xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp theo quy định đối với địa điểm kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp - Trạm xăng dầu quận 12 (TP. HCM), đồng thời xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với cửa hàng này số tiền hơn 200 triệu đồng.

Đáng chú ý, ngày 6/5, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Sao Mai Sài Gòn, với số tiền gần 885 triệu đồng với hành vi vi phạm "bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng".

Tại tỉnh Đắk Lắk qua kiểm tra đột xuất 9 cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phát hiện có tới 7 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng.

Giải pháp cốt lõi: Bịt "lỗ hổng" về quy định

Đại diện Tổng cục QLTT nhận định, mặc dù lực lượng chức năng tích cực kiểm soát nhưng nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn bất chấp vi phạm mà nguyên nhân cơ bản là do chưa có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định về việc xây dựng, duy trì điều kiện về hệ thống phân phối, thực hiện đăng ký, đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Một số doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh cho thấy năng lực yếu, điển hình như Công ty CP Dịch vụ và thương mại tổng hợp Hải Hà tại Hà Nội, có đăng ký kinh doanh xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Song, theo các báo cáo tài chính và thuế trong 1 năm qua, doanh nghiệp này không có bất cứ các hoạt động mua, bán hay doanh số bán hàng nào.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh nguyên nhân từ phía chủ thể kinh doanh nhằm kiếm lời bất chính thì không thể không kể đến lý do sâu xa từ những “lỗ hổng”, những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật, nhất là quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu.

Ví như việc quy định cho phép doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa, hệ thống phân phối, chỉ cần thuê lại từ các đơn vị khác chính là “lỗ hổng” dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, khó sàng lọc được các đối tượng lợi dụng “lách luật” để làm ăn không chân chính.

“Vấn đề cốt lõi ở đây chính là các hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể là các doanh nghiệp, đại lý, tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu với nhau không chặt chẽ về trách nhiệm đảm bảo nguồn, không chặt chẽ về chi phí chiết khấu” - ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh.

Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh của xăng dầu Hải Hà. Ảnh: TL

Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh của xăng dầu Hải Hà. Ảnh: TL

Minh chứng, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công thương được nêu rõ trong kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1/2024.

Theo thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm, Bộ Công thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ. Song thực tế, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối trong thời gian hoạt động kinh doanh xăng dầu không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định, nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bộ Công thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, hệ thống phân phối xăng dầu... để xử lý theo quy định.

Trước thực trạng đó, để bịt những “lỗ hổng” chính sách, thời gian qua Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp như trong đó có kiến nghị sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu; gửi văn bản cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi…

Đặc biệt, Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu.

Trong đó, bộ này yêu cầu thương nhân đầu mối phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu; phương tiện vận tải xăng dầu; hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (5 năm trở lên), đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu...

Được biết, mới đây, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện tại và trình Chính phủ trong quý II. Như vậy, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành cách đây hơn 2 tháng sẽ được xem xét để thay thế và sắp tới sẽ có nghị định mới với các quy định phù hợp thực tế hơn./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-lanh-manh-hoa-thi-truong-xang-dau-can-bit-lo-hong-phap-ly-143994.html