Để thanh long giữ được 'ngôi vương' xuất khẩu

Nhiều năm liền, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Trong đó, giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 giá trị xuất khẩu liên tục đạt mốc hơn một tỷ USD. Dù vậy, từ năm 2022 trở lại đây, thanh long chính thức rớt khỏi nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Định hướng, đón đầu thị trường, tạo chuỗi liên kết bền vững là bài toán đặt ra để trái thanh long khởi sắc trở lại.

Đã từng có giai đoạn thanh long được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây, đỉnh cao đạt gần 1,3 tỷ USD năm 2018, có thời điểm có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu liên tiếp giảm. Thị trường cạnh tranh gay gắt, nhiều quốc gia chạy đua trồng thanh long. Đơn cử như Trung Quốc, đã vượt Việt Nam, trở thành nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất thế giới.

Đã từng phải đổ bỏ, “giải cứu” vì không thể xuất khẩu, rồi trở thành trái cây “tỷ đô”, dù đã qua thời kỳ hoàng kim, nhưng thanh long vẫn là loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, nếu canh tác đạt chất lượng và đạt năng suất. Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng mới và mở rộng thị trường tiềm năng.

Cùng với đó, trong bối cảnh thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, việc kiểm soát tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp xuất khẩu được coi là vấn đề trọng tâm.

Hiện giá thanh long ở các vùng nguyên liệu đã tăng lên đáng kể, thúc đẩy các giải pháp phát triển trái thanh long tiếp tục mang tính căn cơ. Khi sản xuất ổn định, chuỗi liên kết bền vững và bắt kịp thị trường thì thanh long nói riêng và nông sản Việt nói chung mới tạo được tính bền vững.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan - Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-thanh-long-giu-duoc-ngoi-vuong-xuat-khau-220267.htm