Đề xuất cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội ở bang Nam Úc

Biểu tượng Facebook, Instagram, Whatsapp trên một màn hình điện thoại. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

* Anh siết chặt bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Thủ hiến bang Nam Úc Peter Malinauskas vừa đề xuất cấm trẻ em dưới 14 tuổi ở bang này sử dụng mạng xã hội.

Theo đề xuất, mọi trẻ em dưới 14 tuổi ở bang Nam Úc đều không được phép sử dụng mạng xã hội và những trẻ em 14-15 tuổi phải có sự cho phép của bố mẹ mới được sở hữu tài khoản mạng xã hội. Hiện chính quyền bang Nam Úc đang xem xét thủ tục pháp lý để luật hóa đề xuất này. Nếu được ban hành, Nam Úc sẽ là bang đầu tiên ở quốc gia châu Đại Dương áp dụng lệnh cấm.

Thủ hiến Malinauskas cho rằng ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội có hại đối với sức khỏe tâm thần và sự phát triển của trẻ em. Theo ông, nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy các thuật toán gây nghiện đang được sử dụng để thu hút giới trẻ theo cách mà trí tuệ đang phát triển của họ không thể giải quyết được. Ông cho rằng các quy định liên quan có thể tương tự như những quy tắc ngăn chặn người Úc dưới 18 tuổi chơi cờ bạc trực tuyến.

Theo số liệu năm 2021 của Ủy ban An toàn điện tử thuộc Chính phủ Úc, thanh thiếu niên nước này dành trung bình 14,4 giờ mỗi tuần để "lướt" Internet và sử dụng trung bình 4 nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Nhiều nước trên thế giới cũng đang có các biện pháp hạn chế trẻ dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội do những tác động tiêu cực từ các mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Hôm 25/3, Thống đốc bang Florida của Mỹ, ông Ron DeSantis cũng đã ký ban hành luật cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi những rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

Tại Anh, Cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) cũng cho biết sẽ siết chặt quy định về giới hạn độ tuổi trẻ em sử dụng mạng xã hội, theo đó trẻ em dưới 13 tuổi sẽ không được phép tạo tài khoản để sử dụng mạng xã hội ở quốc gia châu Âu này. Biện pháp kiểm duyệt độ tuổi như vậy nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ em trước tình trạng gia tăng nội dung độc hại trên mạng xã hội.

Những công ty nào không tuân thủ quy định mới được đề xuất nói trên sẽ chịu mức phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu mỗi năm của công ty.

Cơ quan giám sát truyền thông Anh (Ofcom) đã đưa ra tiêu chuẩn đối với các công ty công nghệ nhằm bảo vệ người dùng dưới độ tuổi hợp pháp khỏi nội dung độc hại trên không gian mạng.

Ofcom đã đưa ra hơn 40 tiêu chuẩn bao gồm xác minh độ tuổi và kiểm duyệt tốt hơn mà các dịch vụ trực tuyến phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dùng dưới 18 tuổi và đáp ứng các yêu cầu pháp lý.

Bà Melanie Dawes, Giám đốc điều hành Ofcom, cho biết: "Các công ty công nghệ cần kiểm soát các thuật toán đang đưa nội dung độc hại đến trẻ em trong nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm tra độ tuổi để trẻ em được tiếp cận nội dung phù hợp”.

Những quy tắc này là một phần trong Đạo luật An toàn trực tuyến của Anh được thông qua vào tháng 10/2023. Theo bà Melanie Dawes, một khi luật được thực thi đầy đủ, Ofcom sẽ không ngần ngại sử dụng quyền hạn của mình để buộc các nền tảng phải chịu trách nhiệm.

Hành động này trao cho Ofcom quyền áp dụng các khoản phạt nặng và trách nhiệm hình sự đối với các công ty công nghệ không bảo vệ được người dùng dưới 18 tuổi.

Các quy tắc của Ofcom sẽ áp dụng cho tất cả các dịch vụ Internet mà trẻ em có thể truy cập, bao gồm mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Cụ thể, các dịch vụ trực tuyến phải ngăn trẻ em tiếp cận đến nội dung về tự sát, tự gây thương tích, nội dung khiêu dâm và các vấn đề liên quan đến rối loạn ăn uống. Các công ty phải giảm thiểu mức độ trẻ em tiếp xúc với các nội dung gây hại khác như bạo lực, bắt nạt và những thử thách lan truyền nguy hiểm.

Theo bà Gill Whitehead - người lãnh đạo việc triển khai an toàn trực tiếp của Ofcom, các tập đoàn công nghệ lớn nhất đã bắt đầu thực hiện các trách nhiệm này và tiến hành thay đổi trước thời hạn.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/316313/de-xuat-cam-tre-em-duoi-14-tuoi-su-dung-mang-xa-hoi-o-bang-nam-uc.html