Đề xuất có hỗ trợ, tăng phúc lợi để Quản lý tài nguyên và môi trường 'hút' SV

Theo PGS.TS Nguyễn Hải Hòa, vấn đề môi trường và quản lý tài nguyên luôn được quan tâm cả trong và ngoài nước nên cơ hội việc làm rất rộng mở cho người học.

Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường là ngành học chuyên cung cấp những kiến thức cơ bản để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: quản lý tài nguyên đất, quản lý tài nguyên nước, rừng, khoáng sản...

Đối với mỗi quốc gia, tài nguyên thiên nhiên là một trong những yếu tố quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên ngày càng ở mức báo động. Chính vì thế, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết các vấn đề về môi trường cho xã hội.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở các trường đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hòa - Phó Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Ngành quản lý tài nguyên và môi trường của Trường Đại học Lâm nghiệp đào tạo trong 4 năm với tổng số 124 tín chỉ.

"Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường của tại Trường Đại học Lâm nghiệp đó là đề cao việc tăng cường kiến thức thực tiễn thông qua việc triển khai học kỳ doanh nghiệp được tổ chức tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề....

Nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý và bảo vệ môi trường theo hướng dựa vào tự nhiên (Nature-based solutions) thông qua các học phần nền tảng về sinh thái học, thực vật, động vật, côn trùng học và học phần mang tính ứng dụng như: Sinh thái ứng dụng trong bảo vệ môi trường; Kỹ thuật sinh học môi trường; Dịch vụ hệ sinh thái…. Đây là một xu hướng mới mang tính thời đại và đặc biệt phù hợp với một quốc gia đang phát triển và có môi trường tự nhiên đa dạng cao trên thế giới như Việt Nam", thầy Hòa thông tin.

Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp thực tập tại làng nghề và thực hành phân tích mẫu tại hiện trường. (Ảnh: NTCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hòa cũng cho biết, học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, sinh viên sẽ được thực hành tại các phòng thí nghiệm để rèn luyện nhiều kỹ năng như: tin học, hóa học, khí tượng thủy văn, nhận biết thực vật, động vật, côn trùng, phân tích môi trường, quan trắc môi trường, ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý tài nguyên và môi trường, các công nghệ trong quản lý môi trường…

Ngoài ra, sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài để rèn luyện và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp như: Quản lý thực vật rừng, động vật rừng, côn trùng, thực tập về đất và trắc địa bản đồ, thực tập quản lý lưu vực, quan trắc môi trường, công nghệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và quy hoạch môi trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chuẩn bị đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo. Về đội ngũ giảng viên, thầy Hòa cho hay, nhà trường có đội ngũ giảng viên trình độ cao (2 giáo sư, 3 phó giáo sư, 8 tiến sĩ) được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài nguyên rừng, chính sách môi trường tại các nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Nhật Bản…. Đồng thời, đội ngũ giảng viên đều tâm huyết, chuyên nghiệp, và trách nhiệm với nghề.

Ngoài lực lượng cán bộ cơ hữu, nhà trường thường xuyên mời các nhà quản lý, các chuyên gia thuộc các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề với người học.

Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Lâm nghiệp có cơ sở vật chất, hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm môi trường hiện đại; thư viện số được kết nối với các trường có cùng chuyên ngành, phục vụ nhu cầu của sinh viên 24/24 giờ trong ngày.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Quản lý tài nguyên - Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho hay: Chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường chuyên ngành Quản lý tài nguyên và du lịch sinh thái năm 2024 gồm 129 tín chỉ (trong đó có 45 tín chỉ giáo dục đại cương, khối kiến thức bổ trợ liên ngành 12 tín chỉ, 52 tín chỉ giáo dục chuyên nghiệp, 5 tín chỉ thí nghiệm, thực tập, thực hành, 5 tín chỉ rèn nghề và 10 tín chỉ thực tập tốt nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Quản lý tài nguyên - Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo cô Thủy, sau khi tốt nghiệp người học có kiến thức về pháp luật, quản trị kinh doanh, văn hóa các dân tộc, địa lý để áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Từ đó, xây dựng chiến lược, tổ chức, thực hiện các nội dung về quản lý tài nguyên và du lịch sinh thái; Vận dụng được những kiến thức về tài nguyên thiên nhiên vào trong ngành du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, các bạn còn có khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức về văn hóa, địa lý, ẩm thực, dinh dưỡng, đồ uống vào thực tiễn xây dựng, tổ chức, lễ tân, phục vụ trong nhà hàng khách sạn, các nghiệp vụ tổ chức sự kiện. Người học đạt được các kỹ năng chăm sóc khách hàng và các đối tác trong du lịch, dịch vụ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, quảng cáo sản phẩm.

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để mở chương trình đào tạo. Theo đó, khoa có đội ngũ hơn 65% là tiến sĩ. Cơ sở vật chất của trường trang bị và liên kết với doanh nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo. Ngoài ra, nhà trường còn ký kết hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và các doanh nghiệp khác để sinh viên đi thực tập và có việc làm sau tốt nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đi thực tế tại bản Lác - Mai Châu - Hòa Bình. (Ảnh: NTCC)

Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Theo Phó trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp, cơ hội việc làm của ngành này vô cùng đa dạng. Theo đó, cử nhân Quản lý tài nguyên và môi trường có thể thực hiện các công việc như:

Làm việc tại các cơ quan Trung ương, các bộ ngành có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...);

Làm việc ở các tổ chức phi chính phủ, các dự án quốc tế có liên quan đến Quản lý tài nguyên và môi trường;

Cán bộ phòng tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ phụ trách địa chính và môi trường cấp xã;

Nhân viên tư vấn môi trường, xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo ISO tại các doanh nghiệp, xử lý và quản lý chất thải tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp;

Cán bộ điều tra, giám sát, đánh giá và quản lý tài nguyên tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia;

Nhân viên kiểm định, giám sát và đề xuất các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu;

Cán bộ đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

Trong khi đó, với ngành Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành Quản lý tài nguyên và du lịch sinh thái), cô Thủy cho hay sau khi tốt nghiệp các bạn có thể làm việc tại: Khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí; các trung tâm du lịch lữ hành; các sở tài nguyên và môi trường trung ương và địa phương; các vườn quốc gia, khu bảo tồn; các công ty liên quan đến tài nguyên và môi trường…

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FEC cho rằng: “Cơ hội việc làm của cử nhân học các ngành liên quan đến môi trường nói chung rất lớn vì Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực và đến nay đã triển khai đến các doanh nghiệp. Chính vì thế, các doanh nghiệp sản xuất đương nhiên thiếu các cán bộ làm việc liên quan đến lĩnh vực môi trường phụ trách.

Đồng thời, các đơn vị tư vấn hay quan trắc môi trường hiện tại cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn. Đối với công tác quản lý Nhà nước hiện cũng đang thiếu rất nhiều cán bộ phụ trách liên quan đến môi trường”.

Ông Quang cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên trong quá trình học cần chú trọng một số nội dung để sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu công việc: “Theo quan điểm của tôi, sau khi ra trường các bạn phải xác định rõ năng lực của chính bản thân mình phù hợp với loại hình công việc gì. Nếu các bạn thích về công nghệ, liên quan đến hệ thống xử lý thì trong quá trình học có thể đăng ký nhiều lớp tín chỉ liên quan hơn.

Thứ hai là khi các bạn đi thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp thì có thể xin vào các công ty chuyên làm về hệ thống xử lý. Hoặc nếu bạn muốn làm về tư vấn thì trong thời gian thực tập cũng có thể học ở các công ty liên quan đến tư vấn môi trường”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FEC. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, anh Hà Dương Huy, cựu sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp hiện đang công tác tại Khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Hòa Bình) chia sẻ: Cơ hội việc làm của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường rất đa dạng, quan trọng là ở lựa chọn của mỗi người.

“Mỗi sinh viên cần xác định rõ bản thân muốn làm công việc gì và tiếp cận với vị trí đó như thế nào. Xu thế hiện nay, các bạn đều muốn ở lại thành phố lớn để làm việc. Ở đó, cơ hội việc làm sẽ đa dạng hơn các tỉnh nhưng cũng tương đối vất vả.

Các bạn có thể làm ở một số vị trí như: Khối các đơn vị sự nghiệp có các khu bảo tồn, phòng tài nguyên và môi trường, rừng phòng hộ. Khối doanh nghiệp có các công việc như khảo sát, đánh giá, thiết kế bản đồ…”, anh Huy chia sẻ.

Cũng theo anh Huy, mức lương đối với người lao động làm việc tại những đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định chung của Nhà nước. Còn với các bạn làm doanh nghiệp bên ngoài mức lương sẽ cao hơn, sau 3 tháng thử việc có thể có mức lương từ 12 triệu đồng/ tháng trở lên.

Cựu sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp cũng khuyên các bạn sinh viên theo học ngành này cần rèn luyện sức khỏe tốt vì khi đi làm sẽ rất vất vả.

“Ví dụ mình làm ở khu bảo tồn cũng bên ngạch kiểm lâm nên thường xuyên phải di chuyển, tuần tra. Những chuyến tuần tra có thể kéo dài vài chục km và phải đi bộ liên tục. Hay ví dụ nếu điều tra động vật thì phải bám địa bàn, đi sâu vào trong rừng, có rất nhiều nguy hiểm.

Ngoài ra các bạn phải trang bị thêm cả kỹ năng sinh tồn trong rừng, phải di chuyển như thế nào cho hợp lý. Những tuyến tuần tra sẽ có những tuyến dễ và những tuyến khó nên cần rèn luyện kỹ năng này dần dần trong công việc của mình...”, anh Huy thông tin thêm.

Nhiều chuyến đi tuần tra kéo dài vài chục km và phải đi bộ liên tục đòi hỏi người thực hiện phải có sức khỏe tốt. (Ảnh: NVCC)

Đề xuất có thêm các chính sách hỗ trợ, tăng phúc lợi cho ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hòa, vấn đề môi trường và quản lý tài nguyên luôn được quan tâm cả trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều quốc gia cũng gặp phải thách thức về suy thoái tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và yêu cầu quản lý, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo.

Do đó, chiến lược phát triển của Trường Đại học Lâm nghiệp cũng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường luôn được chú trọng đầu tư theo hướng đào tạo chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo thầy Hòa, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn khi đào tạo ngành này như: mức độ cạnh tranh trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục ngày càng tăng lên trong khi quan tâm của thí sinh xã hội đối với khối ngành tài nguyên và môi trường nói chung có xu hướng giảm. Đồng thời, do tên trường là trường Lâm nghiệp nên ngành học đôi khi bị hiểu trong phạm vi tài nguyên rừng và môi trường lâm nghiệp khiến mức độ hấp dẫn giảm.

Ngoài ra, trường ở xa trung tâm thành phố trong khi người học đại học có nhu cầu làm thêm, học thêm ở các thành phố nên mức độ thu hút giảm. Chính vì thế, thầy Hòa cũng đề xuất Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sinh viên tham gia vào các khối ngành quan trọng nhưng lại chưa được xã hội quan tâm đúng mức như lâm nghiệp, quản lý tài nguyên môi trường. Đồng thời, có thêm phúc lợi đối với công việc thuộc nhóm ngành này để sinh viên thấy được cơ hội nghề nghiệp tương xứng.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu xử lý chất thải… cần tạo điều kiện cho sinh viên đến thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp hơn.

Sinh viên thực hành phân tích trong phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy cũng chia sẻ, nhà trường gặp phải một số khó khăn trong quá trình đào tạo ngành này như: Sinh viên kém ngoại ngữ, ngại nói trước đám đông, không muốn theo mảng lữ hành; Sinh viên nghèo, khó khăn nên khi nhà trường triển khai 1 số chương trình đi nước ngoài cần một số kinh phí ban đầu như mua vé, làm visa cũng gặp khó khăn.

“Nhà trường đã ký kết với Đài Loan cho sinh viên thực tập 6 tháng tại Đài Loan, sau đó có thể ở lại để làm việc lâu hơn. Tuy nhiên một số sinh viên gặp khó khăn sẽ không thể tham gia do không có đủ tiền mua vé máy bay, làm visa. Do vậy, tôi cũng đề xuất Nhà nước có các chính sách hỗ trợ sinh viên hộ nghèo đơn giản hóa thủ tục vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng”, cô Thủy cho biết thêm.

Trong khi đó, anh Hà Dương Huy khẳng định, mỗi một ngành đều có sứ mệnh riêng của mình, không có ngành nào là dễ.

“Để thu hút sinh viên theo học trước hết cần khiến cho các bạn có cơ hội tiếp cận với ngành nghề và hiểu nó hơn. Ví dụ với các trường trung học phổ thông khi tổ chức hoạt động ngoại khóa có thể gắn với thiên nhiên, môi trường hơn.

Tôi thấy Rừng Quốc gia Cúc Phương có một chương trình rất hay là hè sẽ tổ chức cho học sinh, các bạn nhỏ trải nghiệm được làm nghề kiểm lâm, đi tuần tra trong rừng, điều tra động thực vật, thăm các loài thú… Theo tôi nên nhân rộng các hoạt động ấy để các bạn trẻ có thể hiểu hơn về những ngành nghề liên quan đến lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường", anh Huy nhấn mạnh.

Các cán bộ phối hợp với kiểm lâm tuần tra Khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Hòa Bình. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FEC cho rằng, ngành nghề này so với các ngành khác có phần vất vả hơn nên những năm gần đây ít thu hút người học.

"Thực tế, khi làm việc liên quan đến tài nguyên và môi trường đòi hỏi phải nắm được khối lượng kiến thức rất lớn. Ví dụ khi làm việc với các hệ thống xử lý thì cần hiểu được hệ thống đầu vào, doanh nghiệp thải những nước thải gì, khí thải gì, tính chất thành phần ra sao hay làm tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải đánh giá được hết khi một dự án triển khai liệu sẽ có những tác động gì. Muốn đánh giá được tác động thì phải hiểu được nhà máy ấy trong quá trình thiết kế, thi công rồi khi đi vào hoạt động sẽ có những công việc gì cần phải làm", ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang để thu hút người học vào ngành này, trước hết các cơ sở giáo dục cần có những buổi định hướng nghề nghiệp rõ ràng để thí sinh biết ngành nghề này khi ra trường sẽ làm những công việc gì.

Đồng thời, nhà trường nên đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp đều mong muốn khi sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay mà không phải đào tạo lại. Nhà trường có thể ký kết với doanh nghiệp để người sử dụng lao động cam kết chắc chắn sẽ nhận bao nhiêu người với mức thu nhập bao nhiêu để đảm bảo đầu ra cũng là yếu tố thu hút người học

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-co-ho-tro-tang-phuc-loi-de-quan-ly-tai-nguyen-va-moi-truong-hut-sv-post242292.gd