Đề xuất đặt tên 4 cầu qua sông Sài Gòn: Vì sao gọi Bason, Thủ Ngữ, Bến Nghé, Thủ Thiêm?

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa có văn bản ngày 9.3 gửi Thường trực UBND TP.HCM cho biết đã tổ chức họp Thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố để lấy ý kiến về việc đặt tên mới 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn.

Một đoạn sông Sài Gòn có cầu Thủ Thiêm 2 nối khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo đó, Thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố thống nhất đề xuất đặt tên 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn như sau:

Cầu Thủ Thiêm 1 dự kiến đặt tên Thủ Thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến đặt tên Bason; Cầu Thủ Thiêm 3 dự kiến đặt tên Thủ Ngữ; Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến đặt tên Bến Nghé.

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 91 ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng: trước khi thực hiện quy trình lấy ý kiến nhân dân, Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo Thường trực UBND TP.HCM để có ý kiến chỉ đạo về việc đặt tên 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn nói trên.

Vị trí 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn được đề xuất đặt tên. Ảnh: TL

Về lịch sử địa danh dự kiến đặt tên của 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn, văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:

Thủ Thiêm: Tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này được giải thích như sau: Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chính nào đó, giống như thủ lĩnh, thủ thư, thủ tướng... Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể do người chỉ huy đồn binh tên là Thêm nên dân gian quen gọi đồn binh đó là Thủ Thiêm và sau đó tên này trở thành tên của vùng đất.

Năm 1837, dưới triều vua Minh Mạng, huyện Nghĩa An, tỉnh Biên Hòa được thành lập, Thủ Thiêm thuộc huyện Nghĩa An.

Năm 1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và Pháp. Trong đó, Thủ Thiêm thuộc hạt Nghĩa An. Năm 1868, hạt Nghĩa An đổi thành hạt Thủ Đức và sau đó hạt Thủ Đức bị bỏ và sáp nhập vào hạt Sài Gòn.

Năm 1967, cùng với xã An Khánh, khu vực Thủ Thiêm được cắt về quận 1 thuộc đô thành Sài Gòn. Tiếp đó chính quyền Sài Gòn thành lập thêm quận 9 thuộc đô thành Sài Gòn trên cơ sở 2 xã An Khánh và Thủ Thiêm. Cho đến năm 1976, xã Thủ Thiêm thuộc quận 9, đô thành Sài Gòn.

Ngày 2.7.1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia định là TP.HCM. TP.HCM bao gồm 11 quận của đô thành Sài Gòn cũ và toàn tỉnh Gia Định. Địa bàn xã Thủ Thiêm thuộc huyện Thủ Đức.

Ngày 6.1.1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03 về chia tách và thành lập mới các quận. Phường Thủ Thiêm được thành lập trên cơ sở tách một phần diện tích của xã Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức trước đây.

Như vậy, có thể nói địa danh Thủ Thiêm được người dân gọi từ thế kỷ XVIII và đến nay là tên địa danh trong địa bàn quận 2. Đặc biệt tên này được đặt cho dự án khu đô thị mới cho bán đảo Thủ Thiêm.

Sau gần 100 năm hiện diện, phà Thủ Thiêm nối liền hai bờ đông tây sông Sài Gòn đã ngừng hoạt động từ ngày 1.1.2012. Ảnh: TL

Sau gần 100 năm hiện diện, phà Thủ Thiêm nối liền hai bờ đông tây sông Sài Gòn đã ngừng hoạt động từ ngày 1.1.2012. Ảnh: TL

Bason: là tên gọi từ năm 1790, khi Chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy” bên bờ sông Sài Gòn. Khi Pháp xâm lược nước ta đã xây dựng ở đây một cơ sở tàu biển quân sự và làm dịch vụ hàng hải, bởi Sài Gòn có vị trí rất quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế.

Khu Bason tọa lạc ở số 2 đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Bason được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam; một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản Việt Nam. Bason đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn - TP.HCM.

Bason gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nơi đây đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.

Ụ tàu Ba Son - một di tích quí hiếm của Sài Gòn. Ảnh tư liệu ụ tàu khi ngập nước và khi cạn nước, hoạt động trước ngày bị đập bỏ để xây khu phức hợp thương mại và dân cư cao cấp

Ụ tàu Ba Son - một di tích quí hiếm của Sài Gòn. Ảnh tư liệu ụ tàu khi ngập nước và khi cạn nước, hoạt động trước ngày bị đập bỏ để xây khu phức hợp thương mại và dân cư cao cấp

Thủ Ngữ: là tên gọi tắt của Cột cờ Thủ Ngữ, được xây dựng vào tháng 10 năm 1865 tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng.

Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng và cũng là tín hiệu để tàu bè đi trên sông Sài Gòn biết nơi đây nếu cần ghé vào để khỏi lạc xuống Cần Giờ hoặc ra Vũng Tàu.

Tên gọi “Thủ Ngữ” có thể hiểu theo nghĩa: thủ = giữ, ngữ = án ngữ, tức cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè. Cách hiểu này trùng với tên gọi ban đầu người Pháp gọi cột cờ này là "Mât des signaux" (cột tín hiệu).

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng mô tả Cột cờ Thủ Ngữ trong sách Sài Gòn năm xưa như sau: "Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.

Cột cờ Thủ Ngữ - dấu tích di sản trong công viên bến Bạch Đằng. Ảnh: Nguyễn An Nam

Bến Nghé: là một địa danh tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm. Trước đây, Bến Nghé là tên gọi để chỉ một bến thuyền ở Sài Gòn, còn là tên của một rạch nước nhỏ, nơi có người dân qua lại tấp nập. Có một thời, mỗi khi người ta nói Đồng Nai - Bến Nghé tức là nói đến cả vùng đất Nam Bộ.

Theo cuốn Phương Đình du địa chí năm 1900, Nguyễn Văn Siêu đã lý giải tên gọi Bến Nghé có xuất phát từ tiếng kêu gầm gừ của đàn cá sấu trên rạch. Theo ông, tiếng kêu của đàn cá sấu văng vẳng trên rạch giống tiếng trâu nên có thể hiểu là "nghé" kết hợp với "bến nước".

Rạch Bến Nghé có chiều dài khoảng 3,1 km, bắt đầu từ ngã ba nơi giao với sông Sài Gòn và kết thúc tại ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và kênh Đôi. Ảnh: TL

Trong cuốn Đại Nam thống nhất chí, ở mục tỉnh Gia Định cũng có ghi chép tương tự. Ngoài ra, học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng tên địa danh Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong là bến, Kon Krabei là con trâu.

Còn nhà địa danh Lê Trung Hoa cũng lý giải đó là tên gọi của bến nước kết hợp với tên thú. Theo ông, Bến Nghé là bến mà người ta thường cho trâu, bò ra tắm, vì có nhiều địa danh được cấu tạo bằng cấu trúc bến + tên thú như Bến Ngựa (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé).

Ngày nay, tên gọi Bến Nghé được đặt cho: Phường Bến Nghé - phường trung tâm quận 1 và là nơi đặt các cơ quan hành chính của TP.HCM; Rạch Bến Nghé: con rạch chảy qua trung tâm thành phố, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa quận 1 với quận 4.

Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/de-xuat-dat-ten-4-cau-qua-song-sai-gon-vi-sao-goi-bason-thu-ngu-ben-nghe-thu-thiem-34045.html