Đề xuất mọi khách hàng được mua trực tiếp điện tái tạo: phù hợp thực tiễn

Các bên sử dụng đường dây riêng, nên tác động đến hệ thống điện Quốc gia không đáng kể. Vì vậy, việc mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) trực tiếp thay vì qua EVN là hợp lý.

Tác động đến hệ thống điện Quốc gia không đáng kể

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới Quốc gia.

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

(Ảnh minh họa).

Dự thảo quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ, hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Chính sách này được đánh giá tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Việc cho phép đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp, giúp tạo ra một thị trường và khả năng tiếp cận nguồn cung cấp điện trực tiếp cho khách hàng, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo. Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá ưu đãi ( giá FIT).

Tuy nhiên, theo báo cáo của VCCI, hiện nội dung này chỉ đề cập đến việc cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà sẽ phải đợi giai đoạn tiếp theo. VCCI đề nghị nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn, mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.

Lý do, bởi các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Vì thế, yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.

“Nếu lo ngại tác động tiêu cực khi công suất dư thừa phát lên hệ thống, nên bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới. Việc dự thảo quy định khách hàng mua điện trực tiếp phải đầu tư hạ tầng lưới điện, có đội ngũ quản lý, vận hành lưới là không cần thiết mà nên để hai bên tự thỏa thuận, trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị phát điện, hoặc khách hàng” - báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, việc mở rộng để mọi đối tượng được trực tiếp mua điện năng lượng tái tạo, không qua EVN là hợp lý, phù hợp với quy luật thị trường. Khi nhà cung cấp và khách hàng sử dụng trực tiếp làm việc với nhau sẽ giảm khâu trung gian, bớt thủ tục rườm rà, không làm tăng giá điện đến người dùng. Đồng thời, phù hợp với thực tiễn, tạo thị trường cạnh tranh và tránh lãng phí.

Bên mua, bên bán tự thương thảo

Về yêu cầu đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Điều 6.1 của dự thảo quy định “công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”. Hiện nay, quy hoạch điện lực khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lý do quan trọng của điều này là lo ngại ngại công suất điện tái tạo quá lớn nhưng không ổn định sẽ gây tác động tiêu cực cho hệ thống truyền tải điện Quốc gia.

Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.

Ngoài ra, báo cáo của VCCI chỉ ra thì Điều 7.2 và Điều 7.3 của Dự thảo Nghị định yêu cầu người sử dụng điện khi mua điện trực tiếp qua đường dây riêng phải đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện. Việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tùy vào thỏa thuận cụ thể giữa hai bên.

Vì lẽ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng cả hai bên mua bán điện đều có quyền thỏa thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.

Theo đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), việc sớm ban hành cơ chế DPPA là vô cùng cấp thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Hoa Kỳ.

Vì vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tha thiết khuyến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan để Nghị định này được ban hành sớm nhất có thể.

Về mặt nguyên tắc, USABC nhấn mạnh DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kĩ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế.

“Bên mua nên được trao quyền tự thương thảo đối với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán. Xác định chi phí lưới điện được hạch toán rõ ràng trong một khoảng thời gian xác định” - đại diện USABC đề nghị.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-moi-khach-hang-duoc-mua-truc-tiep-dien-tai-tao-phu-hop-thuc-tien.html