'Đến một lúc nào đó phải có doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam'
Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI năm 2024, chiều 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá từ khóa “kết nối” được chọn cho diễn đàn là rất hay và rất quan trọng trong khởi nghiệp.
Theo Bộ trưởng, đối với các cơ sở giáo dục đại học cần thống nhất rằng vấn đề có tính chất góc rễ khởi nghiệp cho sinh viên phải bắt đầu từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu, với lưu ý đào tạo, nghiên cứu gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp.
“Nếu đào tạo và nghiên cứu không mang tính thực tiễn cao thì khó có thể nói sinh viên khởi nghiệp cao. Tính thực tiễn trong trong nội dung dạy và học càng cao sinh viên càng giàu ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công cao.
Khởi nghiệp không thuần túy mang tính chất phong trào, mà đối với các cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp phải có chiều sâu, tạo dựng cho khởi nghiệp yếu tố nền tàng là tính thực tiễn, kết nối với thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, tinh thần khởi nghiệp ở các trường đại học phải bắt đầu từ xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nội dung dạy và học, hoạt động nghiên cứu khoa học và phải bắt đầu từ người thầy. Ở đâu người thầy tham gia nhiều trong kết nối, chuyển giao sản phẩm thì ở đó sinh viên được thúc đẩy, truyền cảm hứng trong thực tế.
Đối với các trường đại học, kế cả chương trình chính thức hay bổ trợ, cần lưu ý quan tâm tới trang bị kỹ năng để tỷ lệ khởi nghiệp thành công cao nhất, giảm thiểu “vấp ngã” trong quá trình khởi nghiệp.
“Mục tiêu rất cao của khởi nghiệp là thành công sớm nhưng không thỏa mãn. Để làm được điều đó, đối với các trường đại học cần nhiều chuẩn bị, trong đó bao gồm cả chuẩn bị về kỹ năng cho sinh viên”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh lưu ý tới vấn đề thương mại hóa sản phẩm, Bộ trưởng cũng lưu tâm đặc biệt tới vấn đề ưu tiên khởi nghiệp của sinh viên gắn liền với phát triển một số lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.
“Chúng ta đang phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng sạch, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo… cùng đồng thời với đào tạo phải phát triển nghiên cứu.
Nếu đào tạo và nghiên cứu không mạnh dạn nghĩ tới đổi mới sáng tạo, chuyển giao, khởi nghiệp thì sẽ đến điểm dừng nhanh chóng”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng: Đến một lúc nào đó phải có doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Đây là mục tiêu xa, khó nhưng khó mới là khởi nghiệp. Chỉ có dám dấn thân khởi nghiệp ở những lĩnh vực nhiều thách thức thì mới thành công lớn.
Theo Bộ trưởng, sự kết nối giữa các sinh viên trong khởi nghiệp, tinh thần phối hợp, hợp tác, chia sẻ không chỉ để đi đến thành công tốt hơn mà còn là hoạt động mang tính giáo dục, là bài học được dạy cho sinh viên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
“Chúng ta vừa hỗ trợ cho khởi nghiệp nhưng cũng vừa góp phần tạo dựng đội ngũ thương nhân trong tương lai. Đó là đội ngũ thương nhân không chỉ biết vượt qua khó khăn, thách thức mà còn có tầm nhìn, có đầy đủ phẩm chất, sự chia sẻ, trách nhiệm, đạo đức và khát vọng”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng khẳng định: Không ai khác chính giáo dục bắt đầu tham gia vào quá trình tạo dựng lâu dài này của đất nước, khi ngày càng nhiều doanh nhân, ngày càng nhiều người khởi nghiệp.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ tổ chức sơ kết kết quả thực hiện Đề án 1665 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Trong đó, tập trung đánh giá thực chất những gì đã làm được, chưa làm được, tham mưu triển khai tiếp theo; đặc biệt là rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó có hành lang pháp lý quan trọng vững chắc để làm tốt hơn.
Trong các ngày 12, 13/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI (Ngày hội).
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023. Sau 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với Cuộc thi lần thứ V. Sau vòng sơ loại đã có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của Cuộc thi.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội.
Số lượng học sinh cấp trung học cơ sở tham gia năm nay tăng so với các cuộc thi trước.
Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo tại Cuộc thi lần này mang tính ứng dụng công nghệ mới như IOT, Big Data và AI.
Có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã được triển khai, chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.