Video: Chiêm ngưỡng ngôi đền ở nơi biên cương Tổ quốc
Đền Xã Tắc tọa lạc cạnh bờ sông Ka Long (ranh giới biên giới Việt - Trung), thuộc khu 3, phường Ka Long, TP Móng Cái, Quảng Ninh. (Ảnh: TP Móng Cái cung cấp)
Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ quốc, đền Xã Tắc là nơi ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử. Trước kia, đền còn có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” (nơi lập đàn để tế long thần thổ địa của bản thôn).
Đền được xây dựng theo hướng Nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2, phía Đông giáp sông Ka Long. Ngôi đền chính có diện tích 308m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công”.
Theo lời kể của các cụ cao niên, trước kia, đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, đền bị sạt lở và được Nhân dân di chuyển vào trong khu vực xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần. Năm 2009, đền Xã Tắc được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định cho phép phục hồi.
Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc - Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Thần chủ của đền Xã Tắc là thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần Ngũ cốc). Xã có nghĩa là “mẹ đất”, vị thần lớn nhất trong năm thổ thần. Tắc là “cốc”, là loài đứng đầu trong “ngũ cốc”. Đất sinh ra muôn loài, ngũ cốc nuôi sống vạn vật nên trong ý thức con người từ nguyên thủy, những vị thần này có quyền lực vô biên và luôn che chở cho đời sống con người.
Tại đây còn thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt). Cả 3 pho tượng thần đều được đặt ở chính điện và được làm bằng đồng nguyên khối, trong đó, tượng Xã Tắc Đại Vương cao 2,2m.
Ngoài ra, nơi đây còn thờ Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng.
Các họa tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo tại đền Xã Tắc.
Hiện nay, đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ những năm 1879, trên đó ghi danh những người đã góp công, góp của để trùng tu, xây dựng lại đền.
Đây từng là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận. Ngoài những ngày cúng Rằm và mùng Một, hàng năm, tại đền còn 5 ngày lễ chính. Lễ hội đền Xã Tắc cũng được tổ chức hằng năm, trong đó có lễ tế Xã Tắc. Lễ tế Xã tắc đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, hay một khu vực và trở thành ngôi đền thờ của thần non sông, đất nước đúng như ý nghĩa của cụm từ “Sơn hà Xã Tắc”. Năm 2020, Di tích lịch sử đền Xã Tắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Móng Cái cho biết, đền Xã Tắc được ví như "cột mốc văn hóa" khẳng định chủ quyền nơi biên giới của Tổ quốc.
"Các em học sinh, thế hệ đoàn viên thanh niên, các hội cũng rất tích cực trong việc tổ chức hoạt động học tập, trải nghiệm tại di tích. Chúng tôi cũng đưa di tích đền Xã Tắc vào là một trong các tuyến điểm du lịch, hiện đang khai thác rất tốt việc đưa khách đến tham quan", bà Oanh nói.
Nguyễn Huệ